Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Flurandrenolide

Flurandrenolide - Thuốc chống viêm, trị bệnh lý ở da

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Flurandrenolide

Loại thuốc

Thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc bôi dạng cream hàm lượng 0,025% và 0,05%.

Thuốc bôi dạng lotion hàm lượng 0,05%.

Thuốc mỡ hàm lượng 0,025% và 0,05%.

Băng keo flurandrenolide 4 mcg/cm2

Chỉ định

Flurandrenolide có tác dụng giúp làm giảm tình trạng viêm, ngứa của các bệnh da liễu có đáp ứng với corticosteroid.

Điều trị các bệnh da liễu cấp tính và mạn tính: Viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, viêm da thần kinh, vảy nến, giai đoạn cuối của viêm da tiếp xúc dị ứng, giai đoạn viêm của bệnh da khô.

Dược lực học

Flurandrenolide là một corticosteroid tại chỗ có tác dụng chống viêm, chống ngứa và tác động co mạch. Cơ chế hoạt động chống viêm của corticosteroid tại chỗ chưa rõ ràng.

Động lực học

Hấp thu

Sinh khả dụng: 1 – 36%.

Phân bố

Flurandrenolide gắn kết với các protein huyết tương ở các mức độ khác nhau.

Chuyển hóa

Sự chuyển hoá của thuốc chủ yếu xảy ra ở gan.

Thải trừ

Được bài tiết qua thận và mật.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Flurandrenolide khi sử dụng chung với các thuốc điều trị đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ tăng đường huyết.

Flurandrenolide có thể tương tác với các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide làm tăng nguy cơ rối loạn điện giải.

Chống chỉ định

Tiền sử quá mẫn với flurandrenolide hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Không dùng băng keo flurandrenolide cho vết thương rỉ dịch hoặc vùng da hăm.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng

Cân nhắc vị trí và tình trạng tổn thương khi chọn dạng bào chế. Dạng cream phù hợp với hầu hết các loại da. Dạng thuốc mỡ thường được sử dụng để điều trị các vết thương khô, có vảy. Băng keo flurandrenolide thích hợp nhất cho các vết thương khu trú khô, có vảy. Dạng lotion được dùng trong những trường hợp các nốt ban bị vỡ, đặc biệt là những vị trí da hay cọ xát (nách, bàn chân, bẹn…); lotion có thể được dùng cho vùng da có nhiều lông và da đầu.

Dạng bôi ngoài da: Chỉ được sử dụng cho da, tránh tiếp xúc với mắt. Thoa cream, lotion, thuốc mỡ lên vùng da bị tổn thương hoặc da đầu. Vùng da điều trị nên được vệ sinh sạch sẽ trước khi bôi thuốc trong trường hợp sử dụng băng kín để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Thoa một lớp mỏng cream hoặc lotion lên vùng da tổn thương và xoa nhẹ nhàng. Đối với thuốc mỡ, chỉ cần bôi một lớp màng mỏng lên vết thương. Sau khi đạt được hiệu quả điều trị, có thể giảm tần suất sử dụng hoặc nồng độ thuốc xuống mức tổi thiểu cần thiết để duy trì tình trạng và tránh tái phát, có thể ngừng thuốc.

Băng keo flurandrenolide: Nhẹ nhàng làm sạch vùng da tổn thương bằng cách sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa diệt khuẩn để bỏ vảy, dịch tiết khô và lớp cream, thuốc mỡ đã thoa trước đó. Cạo lông, kẹp tóc ở những vị trí bôi thuốc; làm khô da hoàn toàn trước khi dán băng. Cắt băng dính lớn hơn diện tích da cần dùng một chút và làm tròn các góc, không làm rách băng. Dán băng lên vết thương sao cho vùng da nơi dán được mịn, sau đó nhấn vào vị trí dán. Nếu các đầu của miếng băng bị lỏng ra sớm, cắt bỏ các đầu băng và thay thế bằng miếng băng mới. Khi thay băng, cần làm sạch da và để khô trong vòng 1 giờ trước khi dán miếng băng mới.

Kết hợp với băng kín: Băng kín thường sử dụng trong trường hợp da bị tổn thương nặng hoặc kháng thuốc. Ngâm hoặc rửa vùng da tổn thương để loại bỏ vảy, thoa một lớp mỏng cream, lotion hoặc thuốc mỡ rồi xoa nhẹ lên vết thương, sau đó thoa thêm một lớp mỏng khác. Dùng màng nhựa mỏng, mềm dẻo che vùng da đã bôi thuốc và cố định bằng băng dính, gạc hoặc băng đàn hồi. Nếu vùng da tổn thương bị ẩm, dán lỏng các mép của màng nhựa hoặc làm thủng màng để hơi ẩm thừa thoát ra bên ngoài. Để tăng thêm độ ẩm cho các vùng da tổn thương bị khô, thoa cream hoặc lotion và che lại bằng miếng vải ẩm trước khi dán màng nhựa hoặc ngâm nhanh vùng da tổn thương trong nước trước khi bôi thuốc và dùng màng nhựa. Tần suất thay băng kín tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh. Làm sạch da và thoa corticosteroid sau mỗi lần thay băng. Đa số các bác sỹ khuyến cáo nên sử dụng băng kín trong vòng 12 giờ hàng ngày để giảm nguy cơ tác dụng có hại, giảm sự hấp thu toàn thân của thuốc và thuận tiện hơn cho bệnh nhân. Nhà sản xuất khuyến cáo nên tiếp tục điều trị trong vài ngày sau khi lành vết thương để tránh tái phát; nếu các triệu chứng tái phát, tiếp tục lại điều trị với băng kín có thể làm thuyên giảm.

Thuốc và băng kín có thể sử dụng vào ban đêm.

Người lớn

Thoa một lượng nhỏ cream, lotion hoặc thuốc mỡ 2 - 3 lần hàng ngày.

Thay băng sau mỗi 12 giờ, không cần thay băng trong 24 giờ nếu dung nạp và tuân thủ tốt. Nếu cần thiết, có thể dùng băng vào ban đêm và tháo ra vào ban ngày.

Trẻ em

Thoa một lượng thuốc ít nhất có tác dụng.

Thoa một lượng nhỏ cream, lotion hoặc thuốc mỡ 2 - 3 lần hàng ngày.

Thay băng sau mỗi 12 giờ, không cần thay băng trong 24 giờ nếu dung nạp tốt và tuân thủ tốt. Nếu cần thiết, có thể dùng băng vào ban đêm và tháo ra vào ban ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Bỏng rát, ngứa, kích ứng da, khô da, viêm nang lông, giảm sắc tố da, viêm da quanh miệng, viêm da do tiếp xúc dị ứng, nhiễm trùng thứ phát, teo da, rạn da, rôm sảy.

Không xác định tần suất

Phồng rộp da, đóng vảy, tăng mọc lông trên trán, lưng, cánh tay, chân, làm sáng màu da, làm mềm da, thiếu hụt cortisol thứ phát.

Lưu ý

Lưu ý chung khi dùng Flurandrenolide

Phản ứng nhạy cảm: Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể là biểu hiện của việc kém đáp ứng trong điều trị khi kết hợp với các thuốc bôi ngoài da khác không chứa corticosteroid.

Corticosteroid đường bôi ngoài da có thể được hấp thu với một lượng đủ để ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (trục HPA). Bệnh nhân có dùng corticosteroid trên một diện tích da lớn hoặc những vùng da kín phải được đánh giá định kỳ nguy cơ bị ức chế trục HPA. Nếu kết quả ghi nhận có sự ức chế trục HPA, bệnh nhân nên ngừng thuốc, giảm tần suất sử dụng thuốc hoặc thay thế một loại steroid khác có tác dụng nhẹ hơn. Chức năng của trục HPA thường hồi phục nhanh chóng sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Sự hấp thu toàn thân của corticosteroid dùng tại chỗ có thể ức chế trục trục HPA, gây ra hội chứng Cushing, tăng đường huyết và glucose niệu ở một số bệnh nhân. Việc dùng các steroid tác dụng mạnh, trên một diện tích bề mặt da lớn, sử dụng kéo dài và băng kín làm tăng khả năng hấp thu toàn thân của corticosteroid.

Trẻ sơ sinh và trẻ em dễ gặp phải các tác dụng có hại toàn thân.

Flurandrenolide có thể gây ra một số phản ứng có hại tại chỗ như: bỏng rát, ngứa da, kích ứng da, khô da, viêm nang lông, giảm sắc tố da, viêm da tiếp xúc dị ứng, rôm sảy... Các tác dụng phụ này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi sử dụng băng kín, đặc biệt khi điều trị kéo dài.

Sử dụng corticosteroid kéo dài có thể gây teo lớp biểu bì và mô dưới da, thường xảy ra (ngay cả khi sử dụng trong thời gian ngắn) ở các vùng hăm da (nách, bẹn…), cơ gấp và vùng mặt. Ngưng thuốc và tiến hành liệu pháp điều trị khác nếu xảy ra kích ứng.

Nhiễm trùng da: Nếu tình trạng nhiễm trùng da xuất hiện hoặc tiến triển, tiến hành liệu pháp điều trị thích hợp. Nếu không đáp ứng, tham khảo ý kiến bác sỹ và ngừng sử dụng corticosteroid tại chỗ cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát.

Khi sử dụng đồng thời corticosteroid tại chỗ và thuốc điều trị nhiễm trùng tại chỗ, cần cân nhắc corticosteroid có thể che dấu các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm; gây khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị nhiễm trùng hay các phản ứng quá mẫn với các thành phần khác của thuốc. Ngoài ra, cần xem xét các thận trọng, chống chỉ định liên quan đến thuốc điều trị nhiễm trùng.

Băng kín: Không sử dụng băng kín cho các vết thương rỉ dịch hay trên bệnh nhân có nhiễm trùng da nguyên phát.

Tháo băng kín che phủ vùng da diện tích lớn khi nhiệt độ cơ thể tăng.

Nếu nhiễm trùng tiến triển, ngừng dùng băng kín và tiến hành liệu pháp điều trị thích hợp.

Sử dụng băng kín bằng nhựa cẩn thận để tránh nguy cơ kín khí.

Nếu xuất hiện rôm sảy hoặc viêm nang lông, ngừng sử dụng băng kín và tiếp tục điều trị bằng corticosteroid.

Không sử dụng màng nhựa dễ cháy để làm băng kín.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Mức độ an toàn đối với phụ nữ có thai: Loại C (theo phân loại của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA).

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có bằng chứng về sự phân bố của flurandrenolide trong sữa mẹ. Cần thận trọng khi sử dụng flurandrenolide cho phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa ghi nhận các nghiên cứu về ảnh hưởng của flurandrenolide lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên một liều, hãy bôi càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và bôi liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không bôi gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng khi dùng quá liều flurandrenolide bao gồm: Rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), co giật, phản vệ.

Khi sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gặp phải các triệu chứng: Biểu hiện tương tự hội chứng Cushing, suy nhược cơ, tăng huyết áp, tăng đường huyết, đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, loãng xương, rối loạn tâm thần.

Khi ngưng thuốc đột ngột, các tình trạng sau có thể xảy ra: Rối loạn cảm xúc, cáu kỉnh, trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, rối loạn giải thể nhân cách, đau cơ, đau khớp.

Cách xử lý khi quá liều Flurandrenolide

Các biện pháp xử trí thường bao gồm: Điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Tiêm tĩnh mạch các thuốc thuộc nhóm benzodiazepine hoặc barbiturate khi xảy ra co giật.

Trong trường hợp dị ứng nhẹ đến trung bình, theo dõi thông khí và sử dụng thuốc kháng histamine. Đối với trường hợp dị ứng nặng, cần cho bệnh nhân thở khí oxy, đảm bảo chức năng thông khí, dùng thuốc kháng histamine, epinephrine, theo dõi điện tâm đồ và dịch truyền tĩnh mạch.

Theo dõi bệnh nhân: Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, tình trạng dịch và điện giải; theo dõi tình trạng thần kinh ở những bệnh nhân có triệu chứng về thần kinh.

Nguồn tham khảo