Long Châu

Viêm da do tiếp xúc là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da do tiếp xúc là một loại viêm da cấp tính gây ra bởi các chất gây kích ứng hay dị ứng. Triệu chứng chính là ngứa, có thể có kèm ban đỏ, bọng nước và loét, vị trí thường bị là gần bàn tay hay bất kỳ vị trí nào tiếp xúc với chất gây kích thích, dị ứng. Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh tiếp xúc, khám lâm sàng và thử nghiệm trên da. Việc điều trị cần các thuốc chống ngứa, corticosteroid tại chỗ và tránh các nguyên nhân gây bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm da do tiếp xúc là gì? 

Viêm da do tiếp xúc (Contact Dermatitis - CD) bao gồm viêm da tiếp xúc kích ứng (Irritant Contact Dermatitis – ICD) và viêm da tiếp xúc dị ứng (Allergic Contact Dermatitis – ACD).

Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) chiếm hơn 80% tổng số trường hợp viêm da tiếp xúc. Đây là một phản ứng viêm không đặc hiệu với các chất tiếp xúc với da. 

Các tính chất gây kích thích như pH cao, độ tan trong lipid; nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, ma sát cao; trẻ con hay người lớn tuổi là những yếu tố có thể phát triển thành viêm da tiếp xúc kích ứng. Viêm da tiếp xúc kích ứng phổ biến ở những người có sẵn bệnh cơ địa.

Viêm da nhiễm độc là một dạng biến thể của viêm da tiếp xúc kích ứng gây ra bởi các hóa chất như hắc ín, nước hoa, psoralen.

Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD) là một phản ứng quá mẫn chậm kiểu IV, qua trung gian tế bào T, gồm 2 giai đoạn:

  • Nhạy cảm với kháng nguyên.

  • Phản ứng dị ứng sau lần tiếp xúc tiếp theo.

Trong giai đoạn nhạy cảm, các chất gây dị ứng được bắt giữ bởi tế bào Langerhans (tế bào tua gai) và di chuyển đến hạch bạch huyết để xử lý và trình diện tế bào T. Quá trình này thường ngắn (từ 6 – 10 ngày đối với chất nhạy cảm mạnh) và cũng có thể kéo dài (lên đến nhiều năm đối với kem chống nắng, glucocorticoid và nước hoa). Tế bào T bị nhạy cảm, di chuyển về lớp biểu bì và kích hoạt khi có sự tái tiếp xúc, giải phóng cytokine thu hút các tế bào viêm, tạo nên các triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng.

Có nhiều dị nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng và sự nhạy cảm chéo giữa các dị nguyên thường khá phổ biến. Sự nhạy cảm chéo nghĩa là khi tiếp xúc với một chất có thể gây phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất khác có liên quan. Loài Toxicodendron chiếm một tỷ lệ lớn gây viêm da tiếp xúc dị ứng, có nhiều trường hợp vừa và nặng. Chất gây dị ứng thường gặp là urushiol.

Viêm da tiếp xúc ánh sáng và viêm da tiếp xúc hệ thống là biến thể của viêm da tiếp xúc dị ứng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da do tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Thường gây đau hơn là gây ngứa. Dấu hiệu xuất hiện tùy mức độ từ ban đỏ nhẹ đến xuất huyết, trợt da, đóng vảy, bọng nước, mụn mủ và phù nề.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Triệu chứng chính thường là ngứa dữ dội, nếu có trợt da hay nhiễm trùng sẽ gây đau. Dấu hiệu cũng thay đổi từ ban đỏ thoáng qua, bọng nước, mụn nước, sưng, loét. Thường phân bố thành dải trên cánh tay hay chân.

Bàn tay là bề mặt dễ bị dị ứng nhất do thường hay chạm vào các chất gây dị ứng. Viêm da thường giới hạn ở nơi tiếp xúc nhưng cũng có trường hợp lan rộng do gãy hay chàm hóa. Trong viêm da tiếp xúc hệ thống, tổn thương da có thể lan ra toàn bộ cơ thể. Phản ứng thường bắt đầu từ 24 – 48 giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Viêm da do tiếp xúc

Thường kéo dài 3 tuần rồi lành. Các phản ứng này thường lặp đi lặp lại suốt đời. Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc ánh năng có thể tái phát nhiều năm khi tiếp xúc với ánh nắng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm da do tiếp xúc

Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng viêm và ngứa ngáy kéo dài làm bệnh trở nên trầm trọng, dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng da: Chủ yếu do chà xát, cào, gãi, vệ sinh da không đúng cách dẫn đến nhiễm trùng hay nhiễm nấm.

  • Viêm da thần kinh: Là hậu quả của việc thường xuyên cào, gã lên vùng da bị viêm có thể gây trầy xước, khiến da trở nên dày cộm, đổi màu, sần sùi, ngứa ngáy dữ dội.

  • Viêm mô tế bào: Bao gồm nhiễm trùng và sốt, đau/đỏ vùng da viêm, ớn lanh. Bệnh này khá nguy hiểm với người có hệ miễn dịch yếu, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm da do tiếp xúc

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm:

  • Hoa chất (acid, kiềm, dung môi, muối kim loại);

  • Xà phòng (chất mài mòn, chất tẩy rửa);

  • Thực vật (hoa trạng nguyên, ớt);

  • Dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt).

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:

  • Chất trong không khí: Phấn hoa, thuốc trừ sâu;

  • Hóa chất: Dùng trong chế biến da hay cao su, chất chống oxy hóa trong áo quần, formaldehyde, monomer acrylic, hợp chất epoxy;

  • Mỹ phẩm: Sơn móng tay, lăn khử mùi;

  • Thuốc nhuộm: Paraphenylenediamines;

  • Nước hoa, xà phòng;

  • Thuốc bôi tại chỗ: Kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc tê, hóa chất khử trùng và chất ổn định;

  • Latex;

  • Kim loại: Chromates, cobalt, thủy ngân, niken;

  • Thực vật: Cây thường xuân độc, cây sồi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da do tiếp xúc?

Đối tượng có nguy cơ mắc phải viêm da tiếp xúc:

  • Trẻ em;

  • Người lớn tuổi;

  • Nữ thường bị nhiều hơn nam.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm da do tiếp xúc

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm da do tiếp xúc, bao gồm:

  • Nghề nghiệp tiếp xúc với các chất gây dị ứng;

  • Ô nhiễm môi trường;

  • Cơ địa nhạy cảm;

  • Sử dụng mỹ phẩm, xà phòng không phù hợp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da do tiếp xúc

2 phương pháp giúp chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc:

  • Đánh giá lâm sàng;

  • Thử nghiệm áp da.

Viêm da tiếp xúc được chẩn đoán dựa vào tổn thương da và bệnh sử phởi nhiễm. Đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh. Thử nghiệm sử dụng một chất nghi ngờ là chất dị ứng ở vùng da xa vùng da dị ứng để xác định.

Thử nghiệm áp da được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ viêm da tiếp xúc dị ứng và không cho đáp ứng với điều trị. 

Phương pháp điều trị viêm da do tiếp xúc hiệu quả

Các biện pháp điều trị viêm da do tiếp xúc:

  • Xác định dị nguyên gây bệnh để phòng tránh.
  • Chăm sóc hỗ trợ (băng gạc, chườm lạnh, kháng histamine).
  • Corticosteroid (đường tại chỗ và đường uống).
  • Tránh tiếp xúc với các dị nguyên để phòng tránh viêm da tiếp xúc. 
  • Điều trị tại chỗ.

Điều trị tại chỗ có thể gồm chườm lạnh (bằng nước muối hay dung dịch Burow) và corticosteroid. Người bệnh có viêm da tiếp xúc dị ứng mức độ nhẹ đến trung bình dùng corticosteroid đường tại chỗ hiệu lực trung bình đến cao (như thuốc mỡ triamcinolone 0,1% hay kem bôi betamethasone valerate 0,1%).

Nếu xuất hiện mụn mủ, bọng nước hay bệnh lan tỏa, nên dùng corticosteroid đường uống (như prednisone 60 mg/lần/ngày trong 7 – 14 ngày) để giảm ngứa, có thể kết hợp thuốc kháng histamine. Dùng băng gạc có thể làm dịu các bọng nước, khô da, thúc đẩy quá trình lành bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da do tiếp xúc

Chế độ sinh hoạt:

  • Chườm lạnh: Rửa ngay vùng da tiếp xúc với tác nhân dị ứng với nước sạch rồi chườm lạnh 10 -15 phút để giảm sưng, viêm, ngứa ngáy.

  • Dưỡng ẩm da: Làm dịu tình trạng khô ráp, đẩy nhanh quá trình phục hồi da và hạn chế sẹo.

  • Dùng lá chè xanh nấu nước uống hằng ngày hay ngâm rửa vùng da tổn thương giúp sát khuẩn, kháng viêm và giảm ngứa.

  • Dùng lá trầu không đun sôi để ngâm rửa vùng da tổn thương, giúp chống nhiễm trùng và giảm ngứa.

  • Chống nắng thật kỹ trước khi ra ngoài khi trời nắng.

  • Đeo bao tay khi cần tiếp xúc với hóa chất.

  • Không gãi, cào các vùng da đang tổn thương.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế các loại thực phẩm như hải sản, thực phẩm giàu đạm, muối chua, đồ cay nóng và chất kích thích.

  • Bổ sung thực phẩm tốt cho da như rau củ chứa nhiều vitamin E, C.

  • Uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa viêm da do tiếp xúc

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng, nếu phải tiếp xúc thì nên chống nắng thật kỹ.

  • Giữ ẩm không khí trong phòng.

  • Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, loại bỏ bụi bẩn, côn trùng, nấm mốc.

  • Chăm sóc, vệ sinh da đúng cách.

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Chế độ ăn uống khoa học.

Nguồn tham khảo
  1.  MSD Manual: https://www.msdmanuals.com
  2. Sở Y tế Thanh Hóa: https://syt.thanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/thong-tin-y-hoc/tin-duoc-y-duoc-co-truyen/thuoc-dieu-tri-viem-da-tiep-xuc.html 
Chủ đề:viêm da

Các bệnh liên quan

  1. Bạch biến

  2. Á sừng

  3. Hắc lào

  4. Viêm nang lông

  5. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  6. Chàm môi

  7. Bệnh Pellagra

  8. Viêm da tiết bã

  9. Mề đay

  10. Lichen nitidus