Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Fosinopril

Fosinopril: Thuốc chống tăng huyết áp và suy tim

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Fosinopril

Loại thuốc

Thuốc ức chế men chuyển (ACEI)

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 10 mg, 20 mg, 40 mg

Chỉ định

  • Điều trị tăng huyết áp: Thuốc Fosinopril được dùng đơn trị hoặc phối hợp với các thuốc hạ áp khác.
  • Điều trị suy tim: Thuốc Fosinopril dùng phối hợp với các thuốc lợi tiệu không tiết kiệm kali, thuốc chẹn beta và nếu cần, có thể phối hợp với glycoside trợ tim.

Dược lực học

Fosinopril được thủy phân bởi các esterase thành dạng có hoạt tính là fosinoprilat, một chất ức chế men chuyển (ACE) từ đó ức chế hệ thống renin-angiotensin-aldosterone.

Sự ức chế này làm giãn các mạch máu và giảm sự tích lũy dịch trong cơ thể, mang lại lợi ích cho bệnh nhân tăng huyết áp và suy tim do làm giảm tiền tải và hậu tải.

Động lực học

Hấp thu

Sự hấp thu của thuốc fosinopril không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Nồng độ đỉnh của thuốc Fosinopril trong huyết tương đạt được sau khoảng 3 giờ và hiệu quả ức chế enzyme đạt tối đa sau khi uống thuốc từ 3 – 6 giờ.

Phân bố

Tỷ lệ thuốc gắn với protein huyết tương rất cao, khoảng 99%.

Chuyển hóa

Ở niêm mạc đường tiêu hóa và gan, fosinopril sẽ bị thủy phân để tạo thành fosinoprilat là chất có hoạt tính.

Thải trừ

Thời gian bán thải của thuốc là 11 – 13 giờ.

Thuốc được thải trừ qua gan và thận. Ở bệnh nhân suy thận, có sự bài tiết bù trừ qua đường gan mật.

Tương tác thuốc

Tương tác Fosinopril với các thuốc khác

Thuốc ức chế men chuyển Fosinopril có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của thuốc gây mê, thuốc giảm đau hoặc các tác nhân khác gây hạ huyết áp.

Sử dụng đồng thời thuốc ức chế men chuyển với racecadotril, thuốc ức chế mTOR (ví dụ sirolimus, everolimus, temsirolimus) và vildagliptin có thể dẫn đến tăng nguy cơ phù mạch (ví dụ sưng đường thở hoặc lưỡi, có hoặc không kèm theo suy giảm hô hấp).

Có bằng chứng cho thấy việc sử dụng đồng thời thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II hoặc aliskiren làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali huyết và giảm chức năng thận (bao gồm cả suy thận cấp).

Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II không nên dùng đồng thời cho bệnh nhân bị bệnh thận do đái tháo đường.

Thuốc ức chế men chuyển có thể gây tăng kali máu.

Nguy cơ tăng kali huyết tăng cao ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận và/hoặc ở những bệnh nhân đang dùng chất bổ sung kali (bao gồm cả các chất thay thê muối chứa kali), thuốc lợi tiểu kiệm kali, co-trimoxazole còn được gọi là trimethoprim/sulfamethoxazole và đặc biệt là thuốc đối kháng aldosterone hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin. Nếu dùng phối hợp các thuốc này thì cần theo dõi kali huyết thanh và chức năng thận.

Thuốc kháng acid (ví dụ như nhôm hydroxid, magie hydroxid và simeticone) có thể làm giảm sự hấp thu của fosinopril. Nên uống thuốc kháng acid và fosinopril cách nhau ít nhất 2 giờ.

Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, indomethacin, ibuprofen... có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của fosinopril.

Điều trị đồng thời thuốc fosinopril với lithi có thể làm tăng nồng độ lithi huyết thanh và nguy cơ ngộ độc lithi.

Dùng đồng thời thuốc ức chế miễn dịch với thuốc fosinopril có thể dẫn đến tăng nguy cơ giảm bạch cầu.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Fosinopril cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với fosinopril hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Tiền sử phù mạch liên quan đến điều trị với thuốc ức chế men chuyển trước đó.
  • Phù mạch thần kinh di truyền/vô căn.
  • Phụ nữ có thai.
  • Hẹp động mạch thận.
  • Sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp.
  • Chống chỉ định sử dụng đồng thời fosinopril với các sản phẩm chứa aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR < 60 ml/phút /1,73 m2).
  • Sử dụng đồng thời với liệu pháp sacubitril/valsartan. Fosinopril không được bắt đầu sớm hơn 36 giờ sau liều cuối cùng của sacubitril/valsartan.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Tăng huyết áp:

Đơn trị với thuốc Fosinopril:

  • Liều khuyến cáo là 10 - 40 mg mỗi ngày.
  • Liều khởi đầu là 10 mg x 1 lần/ngày. Liều dùng có thể cần được điều chỉnh sau khoảng 4 tuần tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.
  • Liều cao hơn 40 mg mỗi ngày không mang lại hiệu quả hạ áp mạnh hơn và có thể làm gia tăng các tác dụng phụ. Nếu huyết áp không được kiểm soát đầy đủ chỉ với fosinopril trong khoảng 4 tuần thì có thể cân nhắc phối hợp thêm thuốc lợi tiểu.

Suy tim:

  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 10 mg x 1 lần/ngày, có thể tăng liều lên đến 40 mg x 1 lần/ngày.
  • Nếu bệnh nhân đang được điều trị tích cực với thuốc lợi tiểu thì liều khởi đầu là 5 mg x 1 lần/ngày. Để hạn chế nguy cơ hạ huyết áp quá mức thì nên giảm liều thuốc lợi tiểu nếu có thể.
  • Liều điều trị thông thường là 20 – 40 mg x 1 lần/ngày.

Trẻ em

Tăng huyết áp:

  • Trẻ em ≥ 6 tuổi và cân nặng <50 kg: Liều khởi đầu 0,1 mg/kg (tối đa 5 mg) mỗi ngày.
  • Trẻ em ≥ 6 tuổi và cân nặng > 50 kg: Liều 5 – 10 mg x 1 lần/ngày, tăng liều sau mỗi 2 – 4 tuần cho đến khi kiểm soát được huyết áp hoặc đạt liều tối đa hoặc xảy ra các tác dụng phụ.
  • Liều tối đa mỗi ngày ở trẻ em là 40 mg.

Bệnh nhân suy gan, suy thận

Liều khởi đầu được khuyến cáo là 10 mg/ngày.

Ở bệnh nhân suy thận trung bình đến nặng: Liều khởi đầu khuyến cáo là 5 mg/ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Hạ huyết áp, hạ huyết áp thế đứng.

Ho khan dai dẳng.

Thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, nhức đầu, loạn cảm.

Rối loạn thị giác, rối loạn chức năng tình dục.

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.

Ít gặp

Phát ban, ngứa.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng, viêm mũi, nhiễm vi rút.

Hiếm gặp

Phù mạch. Bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào gợi ý phù mạch (ví dụ: Sưng mặt, mắt, môi, lưỡi, thanh quản, niêm mạc và tứ chi; khó nuốt hoặc khó thở; khàn tiếng).

Lưu ý

Lưu ý chung khi dùng thuốc Fosinopril

  • Thuốc ức chế men chuyển có thể gây tăng kali máu.
  • Bệnh nhân có thể bị ho khan khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển, bao gồm cả fosinopril, đặc điểm của ho do thuốc là ho khan, dai dẳng và tự khỏi sau khi ngưng điều trị.
  • Chống chỉ định sử dụng đồng thời thuốc ức chế men chuyển với sacubitril/valsartan do làm tăng nguy cơ phù mạch. Điều trị bằng sacubitril/valsartan không được bắt đầu sớm hơn 36 giờ sau liều fosinopril cuối cùng. Điều trị bằng fosinopril không được bắt đầu sớm hơn 36 giờ sau liều cuối cùng của sacubitril/valsartan.
  • Phù mạch đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị bằng fosinopril. Nếu phù mạch ở đến lưỡi, thanh môn hoặc thanh quản có thể gây ra tắc nghẽn đường thở và dẫn đến tử vong. Sưng phù nề ở mặt, niêm mạc miệng, môi và tứ chi thường hết khi ngừng fosinopril, một số trường hợp cần điều trị.
  • Phù mạch đường ruột là phản ứng hiếm gặp ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển. Những bệnh nhân này có biểu hiện đau bụng (có hoặc không có buồn nôn hoặc nôn).
  • Các triệu chứng được cải thiện sau khi ngừng sử dụng thuốc ức chế men chuyển. Phù mạch đường ruột cần được phân biệt với đau bụng thông thường ở những bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II không nên dùng đồng thời cho bệnh nhân bị bệnh thận do đái tháo đường.
  • Bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan có thể làm tăng nồng độ fosinopril trong huyết tương. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển bị vàng da hoặc tăng men gan rõ rệt nên ngừng thuốc ức chế men chuyển và được theo dõi y tế thích hợp.
  • Một chất ức chế men chuyển khác, captopril, đã được chứng minh là gây mất bạch cầu hạt và suy tủy xương, đây là phản ứng hiếm gặp và thường xảy ra hơn ở bệnh nhân suy thận, đặc biệt nếu họ cũng mắc bệnh mạch máu collagen như lupus ban đỏ hệ thống hoặc bệnh xơ cứng bì.
  • Dữ liệu hiện có từ các thử nghiệm lâm sàng về fosinopril không đủ để khẳng định rằng fosinopril không gây mất bạch cầu hạt với tỷ lệ tương tự. Theo dõi số lượng bạch cầu nên được xem xét ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch máu collagen, đặc biệt nếu có đi kèm với suy giảm chức năng thận

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Khi sử dụng trong thai kỳ, fosinopril có thể gây tổn thương và thậm chí tử vong cho thai nhi. Nếu phát hiện có thai trong quá trình điều trị với fosinopril thì phải ngưng thuốc ngay khi có thể.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Fosinopril được phát hiện trong sữa mẹ và do các thông tin về tính an toàn của fosinopril khi sử dụng trên phụ nữ cho con bú còn hạn chế nên fosinopril không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Không có nghiên cứu về ảnh hưởng của fosinopril đến khả năng lái xe. Tuy nhiên, các tác dụng phụ như hạ huyết áp, chóng mặt và mệt mỏi có thể cản trở việc lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng của quá liều là hạ huyết áp nghiêm trọng, choáng váng, nhịp tim chậm, rối loạn điện giải và suy thận.

Cách xử lý khi quá liều Fosinopril

Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào bản chất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng; phải điều trị triệu chứng cùng với điều trị hỗ trợ.

Nên áp dụng các biện pháp ngăn cản sự hấp thu, chẳng hạn như gây nôn, rửa dạ dày, dùng chất hấp phụ và natri sulfat, trong vòng 30 phút sau khi uống. Cần theo dõi huyết áp và nếu xảy ra tụt huyết áp, bệnh nhân phải được xem như là đang bị sốc thuốc và cần nhanh chóng bổ sung muối và thể tích dịch.

Nếu việc bù thể tích dịch không đưa huyết áp trở lại mức bình thường thi cần cân nhắc điều trị với angiotensin II.

Fosinopril bị loại bỏ khỏi cơ thể bằng thẩm phân phúc mạc hoặc thẩm tách máu.

Sau khi uống quá liều, nên ngừng điều trị bằng fosinopril và bệnh nhân nên được giám sát chặt chẽ, tốt nhất là ở phòng chăm sóc đặc biệt. Nên theo dõi cẩn thận các chỉ số về điện giải và creatinin huyết thanh của bệnh nhân.