Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn giấc ngủ là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người. Rối loạn giấc ngủ rất thường gặp trong các bệnh lý chuyên khoa tâm thần và thần kinh, thường gặp ở người trưởng thành, người lớn tuổi và tỷ lệ rối loạn giấc ngủ không khác nhau ở nam và nữ và có xu hướng ngày càng tăng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn giấc ngủ là gì? 

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng mô hình giấc ngủ bị rối loạn, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, xã hội và ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. Một số rối loạn giấc ngủ thường gặp:

  • Mất ngủ;

  • Ngủ nhiều;

  • Rối loạn nhịp sinh học ngày, đêm;

  • Xuất hiện hiện tượng bất thường khi ngủ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn giấc ngủ

Dấu hiệu phổ biến của rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức, ngủ và xuất hiện hiện tượng bất thường khi ngủ. 

Mất ngủ: Khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ, dẫn đến thời gian ngủ ít và giấc ngủ chập chờn không sâu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi.

Ngủ nhiều: Tình trạng cảm thấy buồn ngủ luôn xuất hiện khiến người bệnh ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy vậy, cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy. Ngủ nhiều được chia làm 3 dạng:

  • Ngủ rũ: Tình trạng đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động.
  • Chứng ngủ nhiều nguyên phát: Ngủ nhiều vào ban đêm, nhưng ban ngày rất buồn ngủ và ngủ gật.
  • Hội chứng ngừng thở khi ngủ: Trong khi ngủ có dấu hiệu ngừng hô hấp khoảng 20 đến 40 giây làm bệnh nhân nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.

Rối loạn nhịp thức – ngủ: Muốn ngủ nhưng không ngủ được, lúc cần tỉnh táo lại buồn ngủ;

Xuất hiện hiện tượng bất thường khi ngủ: Ác mộng, rối loạn hoảng sợ,…

Tác động của rối loạn giấc ngủ đối với sức khỏe

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn và chất lượng cuộc sống của mỗi người. Mất ngủ kéo gây giảm trí nhớ, khó tập trung hay cáu kỉnh và lo lắng bất thường, khả năng lao động kém hiệu quả và hậu quả tất yếu dẫn đến giảm tính tích cực trong cuộc sống.

Biến chứng có thể gặp khi mắc chứng rối loạn giấc ngủ

Tình trạng rối loạn giấc ngủ trở nặng và diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến:

  • Nguy cơ làm nặng thêm bệnh đang mắc hoặc phát sinh một số bệnh khác: Trầm cảm, tình trạng tăng cân,…

  • Hội chứng ngưng thở lúc ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức cả tinh thần lẫn thể chất. Nếu các biện pháp tự chăm sóc và cải thiện tại nhà không hiệu quả, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị để tránh tình trạng bệnh tiến triển mạn tính, dẫn đến các chứng bệnh liên quan đến tim mạch,… và các vấn đề khác. Trong trường hợp này, người bệnh được bác sĩ thăm khám và kịp thời điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ

  • Căng thẳng, lo lắng, xung đột, những thay đổi lớn trong cuộc sống, cuộc sống không thuận lợi,…

  • Tác nhân từ môi trường xung quanh: Tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ,…

  • Dùng thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc hỗ trợ cai thuốc lá, thuốc tim mạch,…

  • Hút thuốc, uống nhiều rượu và caffein, và dùng các loại thuốc như: Thuốc lắc và cocain.

  • Bệnh lý: Tâm thần kinh (rối loạn tính cách, rối loạn lo âu,…), trầm cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu,…

  • Một số yếu tố khác: Ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, uống nhiều nước trước khi đi ngủ, xem phim kinh dị,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn giấc ngủ

Những người làm việc trong môi trường đòi hỏi sự tập trung cao độ, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi: Quản lý, kinh doanh, kỹ sư, công nghệ thông tin, lái xe,… đặc biệt thường gặp ở người trưởng thành, người cao tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn giấc ngủ

Nhiều yếu tố có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Áp lực lớn từ môi trường sống thay đổi, xã hội công nghiệp và kinh tế dẫn đến con người căng thẳng quá mức hay những bức xúc về xã hội, công việc, khủng hoảng tâm lý, stress mạnh dẫn đến rối loạn giấc ngủ gia tăng.

  • Tuổi tác: Người trưởng thành, người cao tuổi.

  • Thuốc và các chất kích thích: Một số loại thuốc điều trị tâm thần như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh,… có thể gây tác dụng phụ dẫn tới rối loạn giấc ngủ. Thuốc lá, các loại đồ uống chứa caffein, rượu và các chất kích thích khác cũng có thể làm tăng nguy cơ.

  • Sức khỏe yếu đi.

  • Các hội chứng rối loạn khác: Rối loạn giấc ngủ có liên quan đến một số hội chứng như: Rối loạn tâm thần (bệnh Parkinson, chứng mất trí, động kinh),…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Nếu bác sĩ nghi ngờ bị chứng rối loạn giấc ngủ, họ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân bằng cách hỏi người bệnh những câu hỏi về sức khỏe, sử dụng thuốc thuốc, thói quen hàng ngày và thói quen ngủ,…:

  • Có đang mắc phải bệnh lý bất kỳ nào hay tình trạng sức khỏe bất thường nào không?

  • Có đang sử dụng thuốc nào không?

  • Có cảm thấy tình trạng căng thẳng trong cuộc sống hay không? Và diễn ra như thế nào?

  • Có thường xuyên sử dụng rượu bia hay đồ uống có chứa Caffein không?...

Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả

Hạn chế và loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bệnh

  • Các thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến rối loạn giấc ngủ cần thay đổi.

  • Không được sử dụng các chất gây nghiện, rượu, bia, café, thuốc lá,…

  • Điều trị các bệnh lý có liên quan đến rối loạn giấc ngủ.

Giải thỏa căng thẳng, tạo tâm lý thỏa mái

Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra không thường xuyên thì cũng không nên quá lo lắng quá. Tình trạng này ít gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đối với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, lo âu nhiều dễ dẫn căng thẳng và làm giấc ngủ bị rối loạn. Do đó, hãy gác lại mọi chuyện trong ngày trước khi ngủ, tránh tình trạng vừa chờ giấc ngủ đến vừa tìm cách giải quyết.

Tạo thói quen đi ngủ trước 23 giờ, ngủ đủ giấc 7 đến 8 giờ/ngày, dành ít thời gian để thư giãn tinh thần trước khi đi ngủ.

Cải thiện giấc ngủ

  • Thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ hàng ngày.

  • Không nên ngủ nhiều vào ban ngày.

  • Tập thể dục đều đặn.

  • Không được sử dụng các chất gây nghiện, kích thích, nhất là cafe, trà, rượu, thuốc lá,… vào buổi chiều và tối.

  • Không ăn quá no vào buổi tối.

  • Phòng ngủ thoáng mát, ít ánh sáng, ít tiếng ồn, nhiệt độ thích hợp.

  • Thư giãn bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng, tắm nước ấm trước khi đi ngủ.

  • Hạn chế kích thích tinh thần gây khó ngủ: Xem phim kinh dị, phim hành động, mở nhạc quá to,…

Điều trị bằng thuốc

Điều trị dứt điểm nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ là do bệnh lý. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ,… Sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cần kết hợp sinh hoạt, ăn uống điều độ để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn giấc ngủ

Chế độ sinh hoạt:

  • Giảm mức độ căng thẳng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ là stress, có thể giải tỏa stress bằng cách tập thể dục, thiền định, yoga,...
  • Thư giãn đúng cách trước khi ngủ: Uống trà thảo mộc (trà hoa cúc), xoa bóp cổ, vai và mặt trước khi ngủ;

  • Không xem tivi nhiều giờ liền trước khi ngủ, đặc biệt phim kinh dị, phim hành động,…

  • Không nên ngủ ngày nhiều.

  • Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát, nhiệt độ thích hợp, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn,…

  • Đi ngủ đúng giờ và nên thức dậy đúng giờ mỗi buổi sáng, ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi, không nên nằm lại giường quá lâu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không được sử dụng các chất tác động lên hệ thần kinh trung ương: Caffein sẽ gây khó khăn trong việc thư giãn khi ngủ. Đồ uống có cồn làm cho giấc ngủ không sâu và dẫn đến hiện tượng rối loạn giấc ngủ.

  • Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày của bạn, tránh ăn quá no hoặc thức ăn khó tiêu vào bữa tối.

Tuy nhiên, vẫn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị căn bệnh này dứt điểm để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngoài ra, để giảm triệu chứng rối loạn giấc ngủ, nên tuân thủ theo lối sống lành mạnh như tập thể dục thể thao, thực hiện ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh căng thẳng stress.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn giấc ngủ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, có thể tham khảo một số gợi ý:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, stress.

  • Không được sử dụng các chất gây nghiện, kích thích, nhất là cafe, trà, rượu, thuốc lá,…

  • Tắt thiết bị điện tử: Điện thoại, tivi, wifi trước khi ngủ.

  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin.

  • Vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, thường xuyên.

  • Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ.

  • Không sử dụng đèn ngủ quá sáng.

  • Rối loạn giấc ngủ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần người bệnh. Nếu các biện pháp tự chăm sóc và cải thiện tại nhà không hiệu quả, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị để tránh tình trạng bệnh tiến triển mạn tính.

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11429-common-sleep-disorders#:~:text=Common%20sleep%20disorders%20like%20insomnia,of%20diabetes%20and%20heart%20disease

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sleep-disorders/symptoms-causes/syc-20354018

  3. https://www.cdc.gov/sleep/about_sleep/key_disorders.html

  4. https://www.healthline.com/health/sleep/disorders#outlook

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa tiểu não

  2. Bại não

  3. Rắn cắn

  4. Bệnh thần kinh đái tháo đường

  5. Thoái hóa chất trắng

  6. Suy nhược thần kinh

  7. Rối loạn ý thức

  8. Liệt mặt

  9. Thiểu năng tuần hoàn não

  10. Tê chân