Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Insulin Aspart

Insulin Aspart: Thuốc tiêm điều trị đái tháo đường

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Insulin Aspart

Loại thuốc

Hormon làm hạ glucose máu, hormon chống đái tháo đường, insulin.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc sinh tổng hợp tương tự insulin người được điều chế bằng công nghệ tái tổ hợp DNA và Saccharomyces cerevisiae biến đổi gen.
  • Dung dịch để tiêm dưới da: 100 IU/ml; ống chứa 300 đv. 1 ml dung dịch chứa 100 IU insulin aspart, tương đương 3,5 mg.

Chỉ định

Insulin aspart được dùng trong các trường hợp sau:

  • Tất cả các đái tháo đường typ 1đái tháo đường typ 2 để kiểm soát đường huyết.
  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường, tình trạng tăng glucose huyết tăng áp lực thẩm thấu.
  • Phụ nữ đái tháo đường mang thai hoặc phụ nữ mang thai mới phát hiện đái tháo đường.
  • Đái tháo đường ở lần điều trị khởi đầu nếu mức HbA1C > 9,0% và glucose máu lúc đói > 15,0 mmol/lít.

Dược lực học

Insulin kích thích chuyển hóa carbohydrat ở mô cơ - xương, tim và mỡ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển glucose vào trong tế bào. Mô thần kinh, hồng cầu, và các tế bào ở ruột, gan và ống thận không cần insulin để vận chuyển glucose.

Ở gan, insulin tạo thuận lợi cho phosphoryl hóa glucose thành glucose-6-phosphat, chất này được chuyển thành glycogen hoặc chuyển hóa tiếp. Insulin cũng tác dụng trực tiếp đến chuyển hóa mỡ và protein.

Động lực học

Hấp thu

Insulin Aspart do bản chất là một protein nên bị phá hủy ở đường tiêu hóa và thường phải tiêm.

Tốc độ hấp thu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đường dùng (tiêm bắp hấp thu nhanh hơn tiêm dưới da), vị trí tiêm, thể tích và nồng độ thuốc và loại thuốc insulin. Hấp thu có thể bị chậm và/hoặc giảm do có kháng thể gắn vào insulin, kháng thể này phát triển ở tất cả người bệnh sau 2 - 3 tuần điều trị insulin.

Phân bố

Insulin phân bố nhanh vào khắp dịch ngoài tế bào. Chưa biết insulin aspart có vào sữa mẹ không. Insulin aspart gắn rất ít vào protein huyết tương (0 - 9%).

Chuyển hóa

Insulin chuyển hóa nhanh chủ yếu ở gan do enzym glutathion insulin transhydrogenase và ở một mức độ ít hơn ở thận và mô cơ. 60% được chuyển hóa ở tế bào lót ống lượn gần.

Thải trừ

Ở người khỏe mạnh, nửa đời huyết tương bằng vài phút; tuy vậy, nửa đời sinh học có thể kéo dài ở người đái tháo đường, có thể là do hormon gắn vào kháng thể, và ở người suy thận, có thể do giáng hóa thay đổi/ thanh thải giảm.

Sau khi tiêm dưới da, nửa đời insulin aspart trung bình 81 phút. Nửa đời của insulin aspart trong phối hợp cố định với insulin aspart protamin khoảng 8 - 9 giờ. Độ thanh thải của insulin aspart giảm khoảng 28% ở người béo phì bị đái tháo đường typ 1 so với người gầy hơn.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các chất sau đây có thể làm giảm nhu cầu insulin của bệnh nhân: Thuốc uống trị tiểu đường, thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), thuốc chẹn beta, chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE), salicylat, steroid đồng hóa và sulfonamid.

Các chất sau đây có thể làm tăng nhu cầu insulin của bệnh nhân: Uống thuốc tránh thai, thiazide, glucocorticoid, hormone tuyến giáp, thuốc cường giao cảm, hormone tăng trưởng và danazol.

Thuốc chẹn beta có thể che dấu các triệu chứng của hạ đường huyết.

Octreotide / lanreotide có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu insulin.

Rượu có thể tăng cường hoặc làm giảm tác dụng hạ đường huyết của insulin.

Tương kỵ thuốc

Insulin aspart hoặc insulin glulisin có thể pha lẫn với insulin người isophan (NPH) tuy có giảm đôi chút nồng độ đỉnh insulin aspart hoặc insulin glulisin, nhưng thời gian đạt nồng độ đỉnh và toàn bộ sinh khả dụng của insulin aspart không bị ảnh hưởng nhiều.

Khi insulin aspart được dùng cho bơm truyền dưới da thuốc không được pha loãng hoặc pha lẫn với bất kỳ insulin nào. Bơm truyền hoạt động không tốt hoặc insulin bị giáng hóa có thể dẫn đến tăng glucose huyết hoặc tích ceton trong cơ thể trong một thời gian ngắn.

Trong trường hợp không có các nghiên cứu về tính tương thích, sản phẩm thuốc này không được trộn lẫn với các sản phẩm thuốc khác.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với hoạt chất insulin aspart hoặc với một thành phần của thuốc.
  • Hạ glucose huyết.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng: Insulin thường tiêm dưới da. Tiêm dưới da vào vùng đùi, cánh tay trên, mông hoặc bụng, dùng kim dài 1,3 - 1,6 cm cỡ 25 - 26. Phải tiêm insulin ở nhiệt độ phòng. Tiêm insulin kéo dài ít nhất trong 6 giây.

Nhu cầu insulin khác nhau đáng kể giữa các bệnh nhân, theo từng cá thể và nhu cầu của bệnh nhân, yêu cầu theo dõi thường xuyên và giám sát y tế chặt chẽ.

Người lớn

Liều 0,4 đến 0,5 IU/kg/ngày.

Liều insulin aspart ban đầu thận trọng từ 0,2 đến 0,4 IU/kg/ngày có thể được xem xét để tránh khả năng hạ đường huyết.

Liều ban đầu cao hơn có thể được yêu cầu ở những bệnh nhân béo phì, ít vận động hoặc có biểu hiện nhiễm toan ceton.

Trẻ em

Ban đầu: 0,4 đến 0,5 IU/kg/ngày chia làm nhiều lần.

Khoảng thông thường: 0,4 đến 1 IU/kg/ngày chia làm nhiều lần. Có thể dùng liều thấp hơn (0,25 IU/kg/ngày), đặc biệt ở trẻ nhỏ, để tránh khả năng hạ đường huyết.

Trẻ sơ sinh ≥ 6 tháng và trẻ em dưới 6 tuổi: 0,4 - 0,8 IU/kg/ngày.

Trẻ em ≥7 tuổi: 0,7 - 1 IU/kg/ngày.

Trẻ em dậy thì và thanh thiếu niên: Trong tuổi dậy thì, nhu cầu về cơ bản có thể tăng lên > 1 IU/kg/ngày và trong một số trường hợp có thể lên đến IU/kg/ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Hạ glucose huyết.

Ít gặp

Tăng glucose huyết phản ứng (tăng glucose huyết sau hạ glucose huyết, hiệu ứng Somogyi), hiện tượng bình minh.

Phản ứng tại chỗ: Dị ứng ban đỏ, ngứa ở chỗ tiêm, phát triển mô mỡ (thường do tiêm thuốc dưới da nhiều lần tại một vị trí).

Hiếm gặp

Kháng insulin, toàn thân: nổi mày đay, phản ứng phản vệ, phù mạch, hạ kali huyết, teo mô mỡ ở chỗ tiêm thuốc dưới da.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Insulin Aspart này chỉ được dùng theo đơn của bác sĩ.
  • Nguy cơ hạ glucose huyết tăng ở người đái tháo đường typ 1, bệnh thần kinh thực vật hoặc ăn uống thất thường nhất là sau bữa tiệc hoặc đang dùng liệu pháp tăng cường insulin hoặc luyện tập mà không điều chỉnh liều insulin.
  • Hạ glucose huyết cũng có thể xảy ra do hấp thu insulin nhanh (như nhiệt độ ở da tăng lên do tắm nắng hoặc tắm nước nóng). Hạ glucose huyết cũng có thể xảy ra do tăng nhạy cảm với insulin kèm với suy vỏ tuyến thượng thận thứ phát.
  • Phải thận trọng khi chuyển dùng typ insulin khác (nhanh, isophan, kẽm, v.v.), nhãn mác (nhà sản xuất), loại (động vật, người, thuốc tương tự insulin người), phương pháp sản xuất (tái tổ hợp DNA hoặc nguồn gốc động vật). Có thể cần thiết phải thay đổi liều.
  • Tăng đường huyết: Việc điều trị bằng insulin aspart không đủ liều hoặc không liên tục, đặc biệt trong đái tháo đường type 1, có thể dẫn đến tăng đường huyết và nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của tăng đường huyết phát triển dần dần trong khoảng thời gian vài giờ hoặc vài ngày.
  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Cũng như các trị liệu insulin khác, có thể phản ứng tại chỗ tiêm và bao gồm đau, đỏ, nổi mề đay, viêm, thâm tím, sưng và ngứa. Thay đổi liên tục chỗ tiêm trong vùng tiêm có thể giúp làm giảm hoặc phòng tránh các phản ứng trên. Các phản ứng trên thường qua đi trong vài ngày đầu tuần. Trường hợp hiếm gặp, phản ứng tại chỗ tiêm có thể cần phải ngừng sử dụng thuốc.
  • Rối loạn da và mô dưới da: Luân phiên liên tục vị trí tiêm để giảm nguy cơ phát triển chứng loạn dưỡng mỡ và bệnh amyloidosis ở da.
  • Kháng thể insulin: Sử dụng insulin có thể hình thành kháng thể insulin. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự hiện diện của các kháng thể insulin như vậy có thể cần điều chỉnh liều insulin để điều chỉnh xu hướng tăng hoặc hạ đường huyết.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Cần tăng cường kiểm soát glucose huyết và theo dõi phụ nữ mang thai bị đái tháo đường trong suốt quá trình mang thai và khi dự định có thai. Nhu cầu insulin aspart thường giảm trong ba tháng đầu thai kỳ và tăng lên trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ.
  • Cần thông báo cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ về nguy cơ mang thai ngoài kế hoạch và phải dùng biện pháp tránh thai thích hợp cho đến khi kiểm soát được glucose huyết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Insulin aspart không qua sữa mẹ và dùng an toàn khi cho con bú. Nhu cầu về insulin của người mẹ có thể giảm xuống trong thời kỳ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể bị suy giảm do hạ đường huyết. Điều này có thể tạo thành rủi ro có tầm quan trọng đặc biệt.
  • Bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị hạ đường huyết khi lái xe hoặc vận hành máy. Điều này đặc biệt quan trọng ở những người bị giảm hoặc không nhận thức được các dấu hiệu cảnh báo của hạ đường huyết hoặc thường xuyên bị hạ đường huyết.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Khi quên tiêm insulin aspart, lượng đường trong máu của bạn có thể tăng quá cao (tăng đường huyết).

Các dấu hiệu cảnh báo dần dần xuất hiện bao gồm: Tăng đi tiểu; cảm thấy khát nước; mất cảm giác thèm ăn; cảm thấy buồn nôn (buồn nôn hoặc nôn); cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi; đỏ bừng; da khô; khô miệng và hơi thở có mùi trái cây (axeton).

Xử trí: Hãy thử lượng đường trong máu, gọi cho bác sĩ và đến cơ sở y tế gần nhất.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Hậu quả chính của quá liều là hạ glucose huyết với các triệu chứng nhược cơ, cảm giác đói, vã mồ hôi toàn thân, nhức đầu, run, rối loạn thị giác, dễ bị kích thích, lú lẫn và rồi hôn mê do hạ đường huyết.

Cách xử lý khi quá liều

Xử trí: Hạ glucose huyết nhẹ (vã mồ hôi, nhợt nhạt, đánh trống ngực, run, nhức đầu, thay đổi hành vi) có thể cho ăn thức ăn chứa carbohydrat (bánh ngọt, viên đường, kẹo) hoặc uống (nước ép trái cây, cam).

Hạ glucose huyết nặng (hôn mê, co giật) đòi hỏi phải điều trị bằng glucagon hoặc dung dịch glucose tĩnh mạch.

Hạ glucose huyết nặng do insulin aspart ít xảy ra nhưng là một cấp cứu nội khoa đòi hỏi phải điều trị ngay, người bệnh phải có sẵn một lọ glucagon trong gia đình để tiêm trong trường hợp cấp cứu. Nếu người bệnh không đáp ứng hoặc không có glucagon, phải cho khoảng 10 - 25 g glucose dưới dạng dung dịch glucose tiêm tĩnh mạch 50%, 20 - 50 ml.

Trong trường hợp nặng (cố ý quá liều), có thể cần glucose tĩnh mạch liều cao hơn hoặc lặp lại nhiều lần. Tiếp tục truyền glucose tĩnh mạch liên tục 5 - 10 g/giờ để duy trì nồng độ glucose huyết thỏa đáng cho tới khi người bệnh tỉnh và ăn được. Để phòng phản ứng hạ glucose huyết, phải cho ăn ngay carbohydrat khi người bệnh tỉnh.

Ở trẻ em và thiếu niên bị hạ glucose huyết nặng, glucagon với liều 30 microgam/kg tiêm dưới da, tối đa 1 mg (1 đơn vị) làm tăng nồng độ glucose huyết trong 5 - 10 phút nhưng có thể gây nôn hoặc buồn nôn.