Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Labetalol

Labetalol: Thuốc điều trị tăng huyết áp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Labetalol hydrochloride

Loại thuốc

Thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc ức chế thụ thể beta và alpha1.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên bao phim: 100 mg, 200 mg, 300 mg hoặc 400 mg labetalol hydroclorid.

Thuốc tiêm, đường tĩnh mạch: 5 mg/ml labetalol hydroclorid, trong lọ 20 ml, 40 ml hoặc 50 ml và trong ống tiêm chứa sẵn thuốc đơn liều, 4 ml hoặc 8 ml.

Chỉ định

Thuốc Labetalol hydrochloride được dùng trong các trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp;
  • Tăng huyết áp kèm đau thắt ngực;
  • Suy tim;
  • Tăng huyết áp ở phụ nữ có thai;
  • Tăng huyết áp do u tế bào ưa chrom;
  • Có thể dùng một mình hoặc kết hợp với thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt với thuốc lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai;
  • Thuốc tiêm labetalol hydroclorid được chỉ định để điều trị tăng huyết áp nặng, cơn tăng huyết áp cấp cứu.

Dược lực học

Labetalol hydrochloride làm giảm huyết áp bằng cách chẹn các thụ thể alpha adrenergic động mạch ngoại vi, do đó làm giảm sức cản ngoại vi và bằng cách chẹn thụ thể beta đồng thời, bảo vệ tim khỏi phản xạ truyền động giao cảm.

Động lực học

Hấp thu

Labetalol được hấp thu hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Tmax từ 20 phút đến 2 giờ. Khả dụng sinh học có thể thấp tới 11% hoặc cao tới 86% và có thể tăng ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc khi dùng chung với thức ăn.

Phân bố

Labetalol liên kết với protein khoảng 50% trong huyết thanh.

Chuyển hóa

Chuyển hóa ở gan chủ yếu thông qua con đường liên hợp với glucuronid.

Thải trừ

Bài tiết qua nước tiểu và qua mật vào phân. Labetalol có thời gian bán hủy từ 1,7-6,1 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Dùng đồng thời labetalol với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc giảm huyết áp khác có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Dùng đồng thời labetalol tĩnh mạch và thuốc gây mê halothan gây tác dụng hiệp đồng hạ huyết áp. Không nên dùng halothan nồng độ lớn hơn hoặc bằng 3%.

Uống đồng thời cimetidin làm tăng nồng độ của labetalol trong huyết tương.

Uống đồng thời glutethimid làm giảm sinh khả dụng của labetalol.

Labetalol có thể đối kháng với tác dụng giãn phế quản do thuốc chủ vận beta-adrenergic ở người bệnh bị co thắt phế quản.

Dùng đồng thời labetalol với nitroglycerin có thể gây tác dụng cộng hợp hạ huyết áp.

Dùng đồng thời với thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây tăng tỷ lệ run.

Chất chuyển hóa của labetalol trong nước tiểu làm tăng tỷ lệ dương tính giả của xét nghiệm catecholamin trong nước tiểu.

Dùng đồng thời labetalol với thuốc chống sốt rét như mefloquine hoặc quinine có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm.

Thuốc ức chế men proteaglandin có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của labeltalol.

Dùng đồng thời labetalol với insulin và các thuốc trị đái tháo đường uống có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết.

Tương tác với thực phẩm

Rượu có thể làm tăng nồng độ labetalol trong huyết tương.

Tương kỵ thuốc

Labetalol tương kỵ với dịch truyền natri bicarbonat 5% gây tủa. Tủa còn xuất hiện khi labetalol 5 mg/ml trong glucose 5% trộn với các thuốc như: Ceftriaxon, furosemid, heparin, insulin, pantoprazole thiopental.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Labetalol hydrochloride cho các trường hợp sau:

  • Hen phế quản;
  • Block nhĩ thất độ II và III;
  • Sốc do tim;
  • Nhịp tim chậm nhiều;
  • Đau thắt ngực Prinzmetal;
  • Nhiễm toan chuyển hóa;
  • Suy tim mất bù;
  • Những bệnh khác kết hợp với hạ huyết áp nặng, kéo dài;
  • Người có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Labetalol

Người lớn

Tăng huyết áp:

Uống liều khởi đầu 100 mg ngày 2 lần, uống cùng với thức ăn, tăng dần nếu cần tùy theo đáp ứng và huyết áp lúc đứng cho tới 200 - 400 mg/lần.

Tổng liều hằng ngày 2,4 g chia làm 4 lần đôi khi cần thiết. Nếu phối hợp với lợi tiểu, liều labetalol 100 mg/lần.

Tăng huyết áp cấp cứu và cơn tăng huyết áp:

Labetalol tiêm tĩnh mạch chậm.

Liều khuyến cáo 20 mg tiêm ít nhất trong 2 phút; các liều sau 40 - 80 mg cách nhau 10 phút cho tới tổng liều tối đa 300 mg.

Labetalol có thể tiêm truyền tĩnh mạch với liều thông thường tốc độ 2 mg/phút.

Nồng độ dung dịch truyền 1 mg/ml hoặc 2 mg/3 ml pha trong dung môi thích hợp.

Tăng huyết áp ở người mang thai tiền sản giật:

Truyền labetalol có thể bắt đầu với tốc độ 20 mg/giờ, sau đó tăng gấp đôi cách nhau 30 phút cho tới khi đạt được đáp ứng thỏa đáng hoặc tới liều 160 mg/giờ.

Tăng huyết áp sau khi nhồi máu cơ tim:

Truyền labetalol có thể bắt đầu với tốc độ 15 mg/giờ và tăng dần cho tới khi đạt được đáp ứng thỏa đáng hoặc tới liều 120 mg/giờ.

Hạ huyết áp có kiểm soát trong gây mê:

Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 10 - 20 mg tăng 5 - 10 mg nếu chưa đạt được hạ huyết áp thỏa đáng sau 5 phút.

Đối tượng khác

Tăng huyết áp:

Người cao tuổi: Uống liều khởi đầu thấp hơn 50 - 100 mg ngày 2 lần; liều duy trì 100 - 200 mg ngày 2 lần.

Cách dùng

Uống chia 2 lần/ngày. Nếu có tác dụng phụ nhất là khi liều 1,2 g/ngày thì chia làm 3 lần.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Hạ huyết áp thế đứng, phù, hoa mắt, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, giảm khả năng tình dục.

Buồn nôn, khó chịu ở dạ dày, vị giác khác thường, dị cảm, khó thở, ngạt mũi, tăng transaminase, viêm gan, vàng da, chuột rút.

Ít gặp

Ngủ lơ mơ, phát ban, tiêu chảy, nôn, suy giảm thị lực, khô mắt.

Hiếm gặp

Không có thông tin.

Lưu ý

Lưu ý chung

Người có suy giảm chức năng tim, vì có thể thúc đẩy suy tim sung huyết; người có suy giảm chức năng gan, vì chuyển hóa của thuốc có thể giảm. Khi dự kiến ngừng thuốc sau thời gian dài điều trị với labetalol, đặc biệt ở người có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, phải giảm dần liều trong thời gian 1 - 2 tuần; theo dõi cẩn thận và khuyên người bệnh tạm thời hạn chế hoạt động thể lực.

Nếu dùng labetalol uống cho người bị co thắt phế quản không do dị ứng (ví dụ, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng), phải sử dụng liều thấp nhất để ức chế ít nhất hoạt tính chủ vận beta- adrenergic.

Dùng thận trọng cho người bị đái tháo đường đang dùng thuốc hạ đường huyết, đặc biệt ở người có bệnh không ổn định, vì labetalol có thể che lấp dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết cấp tính; cần điều chỉnh liều thuốc hạ đường huyết.

Nếu tiếp tục dùng labetalol ở người phải mổ lớn, phải báo cho bác sỹ gây mê biết, vì có thể xảy ra hạ huyết áp nghiêm trọng, kéo dài và khó khăn trong việc phục hồi hoặc duy trì nhịp đập của tim.

Chỉ dùng labetalol đường tĩnh mạch cho người bệnh nằm trong bệnh viện; ở người tăng huyết áp nặng, phải dùng liều thích hợp để đạt mức giảm huyết áp mong muốn trong thời gian dài bao nhiêu tùy theo trạng thái lâm sàng của người bệnh. Người bệnh phải nằm lâu có thể tới 3 giờ sau khi tiêm, truyền thuốc đường tĩnh mạch, vì triệu chứng hạ huyết áp thế đứng có thể xảy ra.

Nên dừng thuốc nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu suy gan, thường xuyên làm các xét nghiệm theo dõi chức năng gan khi dùng thuốc.

Thuốc được chỉ định cho người bị tăng huyết áp do u tủy thượng thận (u tế bào ưa crom). Tuy nhiên cũng cần thận trọng với tác dụng đảo nghịch gây tăng huyết áp ở một số ít bệnh nhân này.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Nồng độ labetalol trong nước ối và trong huyết tương thai nhi thấp hơn nồng độ thuốc trong huyết tương mẹ. Tỷ lệ thuốc ở con trên thuốc ở mẹ là 0,2 - 0,8. Trong một nghiên cứu khác, nồng độ thuốc ở con (lấy ở cuống nhau thai) cao hơn ở mẹ.

Labetalol uống đã được dùng để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai và thuốc tiêm đã được dùng để điều trị tăng huyết áp nặng đòi hỏi phải giảm huyết áp cấp cứu ở phụ nữ mang thai. Labetalol có hiệu quả để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai và được coi là thuốc thích hợp để thay thế methyldopa.

Trẻ nhỏ sinh ra từ mẹ dùng labetalol không bị ảnh hưởng xấu, tuy nhiên, giảm huyết áp nhất thời (bao gồm giảm nhẹ huyết áp toàn thân trong 24 giờ đầu sau khi sinh), tim đập chậm, suy hô hấp và hạ glucose máu đã xảy ra tuy hiếm ở trẻ sơ sinh. Dùng labetalol ở người mang thai tăng huyết áp không ảnh hưởng đến chuyển dạ và lúc sổ nhau. Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều duy nhất ở người mang thai tiền sản giật, huyết áp của mẹ giảm nhưng không ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy vậy nhà sản xuất cho rằng chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng trên phụ nữ mang thai nên chỉ dùng labetalol khi lợi ích nhiều hơn nguy cơ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Một lượng nhỏ labetalol phân bố trong sữa mẹ (0,004% liều dùng của mẹ), nhưng không chắc có nguy cơ tác dụng không mong muốn trên trẻ nhỏ bú sữa mẹ. Phải dùng thận trọng labetalol ở phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc này trên khả năng lái xe. Tuy nhiên khi vận hành máy móc tàu xe cần lưu ý rằng đôi khi có thể bị chóng mặt hoặc mệt mỏi.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng chủ yếu của quá liều labetalol có liên quan với hệ tim mạch như hạ huyết áp, nhịp tim chậm, suy tim, co thắt phế quản, buồn nôn, nôn, nhức đầu.

Cách xử lý khi quá liều

Thường là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Uống quá liều cấp tính, cần làm sạch dạ dày ngay bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Dùng than hoạt sau khi gây nôn hoặc rửa dạ dày có tác dụng ngăn ngừa hấp thu labetalol.

Phải để người bệnh nằm, nếu cần chân nâng cao để tăng cung cấp máu cho não. Nếu nhịp tim chậm, có thể dùng atropin hoặc adrenalin. Có thể dùng thuốc nâng huyết áp (ví dụ, noradrenalin, dopamin) nếu hạ huyết áp nghiêm trọng.

Với suy tim, có thể dùng thuốc trợ tim và thuốc lợi tiểu; dopamin hoặc dobutamin cũng có thể có tác dụng tốt. Glucagon cũng có thể có hiệu quả điều trị suy cơ tim và hạ huyết áp. Có thể dùng thuốc chủ vận beta2-adrenergic để điều trị co thắt phế quản.

Với cơn co giật, có thể dùng diazepam. Thẩm tách thận nhân tạo hoặc thẩm tách phúc mạc không loại trừ được labetalol ở mức đáng kể. Nếu xuất hiện triệu chứng động kinh thì cho dùng diazepam

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo