Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Levorphanol

Levorphanol - Thuốc điều trị cơn đau từ vừa đến nặng

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Levorphanol

Loại thuốc

Chủ vận opioid, dẫn xuất phenanthren

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 2 mg, 3 mg

Chỉ định

Điều trị các cơn đau cấp hoặc mãn tính ở mức độ trung bình đến nặng (đau quặn thận hoặc mật, chấn thương cấp tính, đau sau phẫu thuật, ung thư) khi các liệu pháp điều trị khác không hiệu quả.

Dược lực học

Levorphanol là một chất chủ vận opioid, chọn lọc trên thụ thể mu-opioid, mặc dù thuốc có thể liên kết với các thụ thể opioid khác ở liều cao hơn. Tác dụng điều trị chính của levorphanol là giảm đau.

Cơ chế chính xác của tác dụng giảm đau vẫn chưa được biết rõ.

Thuốc hoạt động tại một số vị trí thần kinh trung ương, liên quan đến một số hệ thống dẫn truyền thần kinh để tạo ra giảm đau, cảm nhận đau bị thay đổi ở tủy sống và một số vị trí bậc cao của hệ thần kinh trung ương (vùng dưới đồi, nhân rephe tủy, chất xám quanh não thất…).

Động lực học

Hấp thu

Thuốc Levorphanol được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sau khi uống, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong khoảng 1 giờ. Nồng độ trong huyết tương ở trạng thái ổn định dự kiến ​​sẽ đạt được vào ngày thứ ba khi dùng thuốc liên tục.

Phân bố

Liên kết với protein 40%.

Chuyển hóa

Chuyển hóa nhiều ở gan thông qua quá trình liên hợp với acid glucuronic.

Thải trừ

Chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng liên hợp glucuronid, T1/2 11 - 16 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác:

  • Levorphanol sử dụng đồng thời với thuốc benzodiazepin hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác (rượu, thuốc an thần/thuốc ngủ, thuốc giải lo âu, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê toàn thân, thuốc chống loạn thần) có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, suy hô hấp, an thần sâu, hôn mê và tử vong.
  • Sử dụng đồng thời opioid với các thuốc khác ảnh hưởng đến Levorphanol dùng chung với các thuốc tác động trên hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonergic như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), triptans, thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonin (mirtazapine, trazodone, tramadol) và chất ức chế monoamine oxidase (MAO) có khả năng dẫn đến hội chứng serotonin.
  • Sử dụng đồng thời levorphanol với các thuốc giảm đau opioid khác (butorphanol, nalbuphine, pentazocine,) có thể làm giảm tác dụng giảm đau của levorphanol và gây ra các triệu chứng của hội chứng ngưng thuốc.
  • Levorphanol có thể làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu bằng cách giải phóng các hormone chống bài niệu.
  • Việc sử dụng đồng thời levorphanol với các thuốc kháng cholinergic có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu và/hoặc táo bón nặng, có thể dẫn đến liệt ruột.

Chống chỉ định

Suy hô hấp.

Hen phế quản cấp tính hoặc nặng trong điều kiện không theo dõi được tình trạng bệnh nhân hoặc không có thiết bị hồi sức cấp cứu.

Bệnh nhân được xác định hoặc nghi ngờ có tắc nghẽn đường tiêu hóa, bao gồm liệt ruột.

Quá mẫn với levorphanol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Điều trị giảm đau (levorphanol là thuốc opioid đầu tiên sử dụng trên bệnh nhân):

  • Liều khởi đầu 1 - 2 mg mỗi 6 - 8 giờ khi cần, có thể tăng lên 3 mg mỗi 6 - 8 giờ.
  • Điều chỉnh liều theo phản ứng, khả năng chịu đựng của bệnh nhân, mức độ trầm trọng của cơn đau, tuổi, cân nặng của bệnh nhân, các bệnh kèm theo, thuốc sử dụng đồng thời…
  • Liều khởi đầu > 6 - 12 mg trong 24 giờ không được khuyến cáo ở bệnh nhân không dung nạp thuốc.
  • Nếu bệnh nhân được áp dụng chế độ dùng thuốc liên tục 24 giờ, ít nhất 72 giờ mới điều chỉnh liều.

Điều trị giảm đau khi chuyển từ morphin sang levorphanol:

  • Tổng liều levorphanol/ngày bằng 1/15 -1/12 tổng liều morphin/ngày.
  • Điều chỉnh liều dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân.

Trẻ em

TÍnh an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được xác định ở trẻ < 18 tuổi.

Đối tượng khác

Người cao tuổi

Giảm liều khởi đầu ≥ 50% ở bệnh nhân cao tuổi suy nhược.

Suy gan

Giảm liều khởi đầu ở bệnh nhân suy gan nặng.

Suy thận

Giảm liều Levorphanol khởi đầu ở bệnh nhân suy thận nặng.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Buồn nôn, nôn mửa, thay đổi tâm trạng/tinh thần, đỏ bừng, bí tiểu, ngứa, táo bón, co thắt mật.

Không xác định tần suất

Đau bụng, khô miệng, đổ mồ hôi, ngừng tim, sốc, hạ huyết áp, loạn nhịp tim bao gồm nhịp tim chậm và nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, hôn mê, cố gắng tự tử, co giật, trầm cảm, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, giấc mơ bất thường, căng thẳng, hội chứng ngưng thuốc, giảm vận động, rối loạn vận động, tăng vận động, kích thích thần kinh trung ương, rối loạn nhân cách, chứng hay quên, mất ngủ, ngưng thở, tím tái, giảm thông khí, ngứa, mày đay, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm, thị lực bất thường, rối loạn đồng tử, nhìn đôi, suy thận, bí tiểu, tiểu khó.

Lưu ý

Lưu ý chung

Thuốc có khả năng gây ra ức chế hô hấp đe dọa tính mạng phụ thuộc vào liều sử dụng, tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân suy nhược và sử dụng liều lớn, thường xuyên. Do đó, thuốc nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có chức năng hô hấp suy giảm (bệnh nhân có nồng độ urê trong máu cao, nhiễm trùng nặng, các tình trạng tắc nghẽn hô hấp, hen suyễn).

Levorphanol có thể gây lệ thuộc thuốc, nghiện khi dùng thường xuyên trên bệnh nhân. Do đó, nên dùng thận trọng, đặc biệt cần theo dõi chặt chẽ trên bệnh nhân có tiền sử nghiện hoặc lạm dụng ma túy, rượu.

Việc ngừng điều trị hoặc giảm liều đột ngột sau thời gian dùng thuốc kéo dài có thể dẫn đến các triệu chứng của hội chứng ngưng thuốc. Do đó nếu phải ngưng thuốc, cần phải ngưng từ từ.

Nếu vô tình uống phải levorphanol đặc biệt là trẻ em, có thể dẫn đến quá liều gây tử vong.

Thuốc có khả năng gây suy tuyến thượng thận với các triệu chứng không đặc hiệu bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt và hạ huyết áp.

Do đó, nếu nghi ngờ suy tuyến thượng thận, tiến hành xét nghiệm thích hợp và dùng cortisol; giảm dần liều, sau đó ngừng thuốc có thể phục hồi chức năng tuyến thượng thận. Ở một số bệnh nhân, việc chuyển sang một loại thuốc opioid khác có thể cải thiện các triệu chứng.

Tác dụng ức chế hô hấp của levorphanol có thể được khuếch đại lên khi bệnh nhân có chấn thương vùng đầu, tăng áp lực nội sọ.

Thuốc có thể gây hạ huyết áp thế đứng, dẫn đến ngất. Do đó nên cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu và cách xử trí khi bị hạ huyết áp.

Thuốc có khả năng gây ra sốc phản vệ, do đó cần cảnh báo bệnh nhân dấu hiệu nhận biết như phát ban, khó thở và cần ngưng thuốc thuốc ngay, tìm kiếm sự giúp đỡ y tế.

Hạn chế sử dụng thuốc cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn chức năng tim, suy mạch vành.

Không sử dụng thuốc trên bệnh nhân có phẫu thuật đường mật do có nguy cơ tăng áp lực đường mật.

Thuốc có khả năng che lấp chẩn đoán hoặc diễn biến lâm sàng của những bệnh nhân bị bệnh lý cấp tính liên quan đến bụng. Do đó, cần lưu ý khi dùng thuốc trên đối tượng bệnh nhân này.

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy nhược hoặc bệnh nhân suy giáp, bệnh Addison, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, rối loạn tâm thần, nghiện rượu cấp tính hoặc mê sảng.

Lưu ý với phụ nữ có thai

AHFS xếp levorphanol loại C khi dùng cho phụ nữ có thai, dùng thuốc kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến hội chứng ngưng thuốc ở trẻ sơ sinh, có thể đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và điều trị. Không khuyến khích sử dụng levorphanol trong khi chuyển dạ và sinh nở.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có dữ liệu xác định liệu levorphanol có được phân phối vào sữa mẹ hay không. Do đó nên ngừng cho con bú hoặc thuốc ở phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có thể làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc. Do đó, bệnh nhân không nên lái xe, vận hành máy móc khi dùng levorphanol.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Levorphanol được dùng để giảm đau trên bệnh nhân, do đó ít có khả năng quên liều, tuy nhiên, nếu quên liều, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các biểu hiện bao gồm ức chế hô hấp, buồn ngủ dẫn đến bất tỉnh hoặc hôn mê, cơ mềm, da lạnh, sần, co đồng tử. Một số trường hợp có thể dẫn đến phù phổi, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, tử vong.

Cách xử lý khi quá liều Levorphanol

Ưu tiên tái lập đường thở, bảo vệ đường thở của bệnh nhân, tiến hành thông khí nhân tạo hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác (thở oxy, sử dụng thuốc vận mạch) trong xử trí sốc tuần hoàn và phù phổi. Ngừng tim hoặc rối loạn nhịp tim sẽ cần đến các kỹ thuật hỗ trợ sự sống chuyên sâu.

Thuốc đối kháng opioid (naloxone) là thuốc giải độc đặc hiệu đối với ức chế hô hấp do sử dụng quá liều levorphanol, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân có thể tự hô hấp được.