Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Spiramycin: Trị những trường hợp nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, da

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Spiramycin

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm macrolide

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén bao phim: 750000 IU (250 mg), 1500000 IU (500 mg), 3000000 IU (1 g).
  • Dung dịch uống: Sirô 75000 IU/ml (25 mg/ml). 
  • Bột đông khô để pha tiêm: Lọ 1500000 IU.

Chỉ định

  • Spiramycin là thuốc lựa chọn thứ hai để điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, da và sinh dục được gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm (trong trường hợp không dùng được betalactam).
  • Điều trị dự phòng viêm màng não do Meningococcus khi có chống chỉ định với rifampicin.
  • Dự phòng chứng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai.
  • Dự phòng tái phát thấp khớp cấp ở người bệnh dị ứng với penicilin.

Dược lực học

Spiramycin là kháng sinh nhóm macrolide có phổ kháng khuẩn tương tự phổ kháng khuẩn của erythromycin, mặc dù in vitro tác dụng kém hơn erythromycin trên một số chủng vi khuẩn nhạy cảm. Spiramycin có tác dụng chống lại Toxoplasma gondii.

Thuốc có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào. Cơ chế tác dụng của thuốc là tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn cản vi khuẩn tổng hợp protein. Ở các nồng độ trong huyết thanh, thuốc có tác dụng chủ yếu kìm khuẩn, nhưng khi đạt nồng độ cao, thuốc có thể diệt khuẩn chậm đối với vi khuẩn nhạy cảm nhiều.

Ở những nơi có mức kháng thuốc rất thấp, spiramycin có tác dụng kháng các chủng Gram dương, các chủng Coccus như Staphylococcus, Pneumococcus, Meningococcus, phần lớn chủng Gonococcus, 75% chủng StreptococcusEnterococcus. Các chủng Bordetella pertussis, Corynebacteria, Chlamydia, Actinomyces, một số chủng MycoplasmaToxoplasma cũng nhạy cảm với spiramycin. Tuy nhiên tác dụng ban đầu này đã bị suy giảm do sử dụng lan tràn erythromycin ở Việt Nam.

Spiramycin không có tác dụng với các vi khuẩn đường ruột Gram âm. Cũng đã có thông báo về sự đề kháng của vi khuẩn đối với spiramycin, trong đó có cả sự kháng chéo giữa spiramycin, erythromycin và oleandomycin. Tuy nhiên, các chủng kháng erythromycin đôi lúc vẫn còn nhạy cảm với spiramycin.

Động lực học

Hấp thu

Spiramycin hấp thu không hoàn toàn từ đường tiêu hóa và bị giảm khi dùng cùng thức ăn. Liều uống được hấp thu khoảng 20 - 50%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 2 - 4 giờ sau khi uống, thức ăn làm giảm khoảng 70% nồng độ tối đa của thuốc trong huyết thanh và làm cho thời gian đạt đỉnh chậm 2 giờ so với uống lúc đói.

Phân bố

Spiramycin phân bố rộng khắp cơ thể. Thuốc đạt nồng độ cao trong phổi, amidan, phế quản, các xoang. Spiramycin ít thâm nhập vào dịch não tủy. Sau khi uống 6000000 IU spiramycin, nồng độ đỉnh huyết tương là 3,3 mcg/ml sau 1,5 - 3 giờ. Sau khi truyền 1500000 IU trong 1 giờ, nồng độ đỉnh huyết tương khoảng 2,3 mcg/ml. Thuốc gắn vào protein huyết tương dao động từ 10 - 28%. Nếu cách 8 giờ cho 1 liều 1500000 IU, trạng thái ổn định đạt được vào cuối ngày thứ hai. Nồng độ đỉnh (Cpeak): 3 mcg/ml, Ctrough (nồng độ đáy): Khoảng 0,50 mcg/ml. Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô (phổi: 20 - 60 mcg/g, amidan: 20 - 80 mcg/g, viêm xoang: 75 - 110 mcg/g, xương: 5 - 100 mcg/g). Thuốc đạt nồng độ cao trong phổi, amidan, phế quản và các xoang.

Thuốc không qua hàng rào máu - não, nhưng qua nhau thai và vào sữa mẹ. 10 ngày sau khi ngừng điều trị còn thấy trong lách, gan và thận khoảng 5 - 7 mcg/g thuốc còn hoạt tính. Kháng sinh macrolide xâm nhập và tích lũy trong các thực bào (bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào màng bụng, phổi). Nồng độ trong thực bào cao ở người. Tính chất này giải thích được tác dụng của các macrolid đối với các vi khuẩn nội bào.

Chuyển hóa

Spiramycin ít bị chuyển hóa hơn so với một số macrolide khác, thuốc được chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa có hoạt tính.

Thải trừ

Phần lớn thải trừ qua mật và khoảng 10% vào nước tiểu. Spiramycin cũng thải trừ 1 phần vào phân. T1/2 khi dùng đường tiêm tĩnh mạch ở thanh niên (18 đến 32 tuổi): khoảng 4,5 đến 6,2 giờ, người cao tuổi (73 đến 85 tuổi): khoảng 9,8 đến 13,5 giờ. T1/2 đường uống: 5,5 - 8 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Dùng Spiramycin đồng thời với thuốc uống ngừa thai sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai.

Spiramycin ít hoặc không ảnh hưởng đến hệ enzym Cytochrom P450 ở gan, vì vậy so với erythromycin, spiramycin ít có tương tác hơn với các thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzym này.

Dùng chung với levodopa/carbidopa: spiramycin ức chế sự hấp thu carbidopa làm giảm nồng độ levodopa trong huyết tương.

Tương kỵ thuốc

Không trộn spiramycin với các thuốc khác trong cùng lọ.

Chống chỉ định

Spiramycin chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Tiền sử quá mẫn với spiramycin, các kháng sinh khác nhóm macrolide hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em < 6 tuổi.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Dùng đường uống:

6000000 - 9000000 IU/ngày, chia 2 - 3 lần. Liều có thể lên tới 15000000 IU/ngày, chia làm nhiều lần, đối với nhiễm khuẩn nặng.

Dự phòng viêm màng não do não mô cầu: 3000000 IU x 2 lần/ngày, trong 5 ngày.

Dự phòng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai: 

  • 3 tháng đầu: 9000000 UI/ngày, chia làm 3 - 4 lần/ngày trong 3 tuần, cứ cách 2 tuần lại cho liều nhắc lại.
  • 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ: Uống 25 - 50 mg pyrimethamin mỗi ngày kết hợp với 2 - 3 g sulfadiazin mỗi ngày và acid folinic 5 mg mỗi ngày trong 3 tuần xen kẽ với 9000000 UI/ngày, chia làm 3 - 4 lần/ngày trong 3 tuần.

Cách dùng: Uống thuốc trước bữa ăn ít nhất 2 giờ hoặc sau bữa ăn 3 giờ vì thức ăn trong dạ dày làm giảm sinh khả dụng của spiramycin. 

Người bệnh dùng spiramycin phải theo hết đợt điều trị.

Dùng đường tĩnh mạch

Truyền tĩnh mạch chậm: 1500000 IU, cứ 8 giờ một lần. Nếu nhiễm khuẩn nặng liều có thể tăng lên gấp đôi. Nên chuyển từ truyền tĩnh mạch sang đường uống ngay khi tình trạng lâm sàng cho phép.

Cách dùng: Nên pha thuốc trong lọ (1500000 IU) với 4 ml nước tiêm vô khuẩn. Lắc kỹ cho đến tan. Pha loãng dung dịch này với dung dịch glucose 5% để có thể tích tối thiểu là 100 ml. Truyền chậm trong 1 giờ.

Trẻ em 

Dùng đường uống: 150000 IU/kg/24 giờ, chia làm 3 lần.

Dự phòng viêm màng não do não mô cầu: 75000 IU/12 giờ, trong 5 ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu (dùng đường uống), kích ứng tại chỗ tiêm (dùng đường tiêm).

Ít gặp 

Mệt mỏi, chảy máu cam, đổ mồ hôi, cảm giác đè ép ngực, dị cảm tạm thời, loạn cảm, lảo đảo, đau, cứng cơ và khớp nối, cảm giác nóng rát, nóng đỏ bừng (dùng đường tiêm), viêm kết tràng cấp, ban da, ngoại ban, mày đay.

Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ, bội nhiễm do dùng dài ngày thuốc uống spiramycin, kéo dài khoảng QT.

Lưu ý

Lưu ý chung

Phản ứng da nghiêm trọng bao gồm hội chứng Steven-Johnson, hội chứng Lyell, ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp (AGPE) đã được báo cáo khi dùng spiramycin. Bệnh nhân cần được thông báo về các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và theo dõi chặt chẽ về da. Nếu có sự xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của các hội chứng trên (ví dụ phát hồng ban toàn thân có sốt kèm mụn mủ) khi dùng spiramycin cần bất cứ đường dùng nào.

Rất hiếm khi có báo cáo về thiếu máu huyết tán ở bệnh nhân thiếu Glucose-6-phosphate dehydrogenase. Do đó, không khuyến cáo sử dụng spiramycin cho nhóm bệnh nhân này.

Sử dụng thận trọng khi dùng spiramycin cho người có rối loạn chức năng gan, vì thuốc có thể gây độc với gan.

Các trường hợp kéo dài khoảng QT đã được báo cáo ở bệnh nhân dùng kháng sinh nhóm macrolid, bao gồm cả spiramycin. Cần thận trọng trong quá trình điều trị bằng spiramycin ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ đã biết về kéo dài khoảng QT như:

  • Mất cân bằng điện giải chưa được điều trị (như hạ kali huyết, hạ magie huyết).
  • Hội chứng QT dài bẩm sinh.
  • Có các bệnh lý về tim (suy tim, nhồi máu cơ tim, nhịp tim chậm).
  • Điều trị cùng với các thuốc kéo dài khoảng khoảng QT (thuốc loạn nhịp nhóm IA và nhóm III, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, một số loại thuốc kháng sinh, một số loại thuốc chống loạn thần).
  • Người cao tuổi, trẻ sơ sinh và phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với việc kéo dài khoảng QT.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Spiramycin đi qua nhau thai, nhưng nồng độ thuốc trong máu thai nhi thấp hơn trong máu người mẹ. Mặc dù không có các bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai, do chưa có các nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ về dùng spiramycin cho người mang thai hoặc khi sinh đẻ, nên không dùng spiramycin cho người mang thai, trừ khi không còn liệu pháp nào thay thế và phải theo dõi thật cẩn thận.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Spiramycin bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ cao. Thuốc cần dùng thận trọng cho phụ nữ cho con bú. Nên ngừng cho con bú khi đang dùng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo.

Quá liều

Quá liều Spiramycin và xử trí

Quá liều và độc tính

Chưa biết liều spiramycin gây độc. Khi dùng liều cao, có thể gây rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, có thể gặp khoảng QT kéo dài, hết dần khi ngừng điều trị (đã gặp ở trẻ sơ sinh dùng liều cao hoặc ở người lớn tiêm tĩnh mạch có nguy cơ kéo dài khoảng QT).

Cách xử lý khi quá liều

Nên làm điện tâm đồ để đo khoảng QT, nhất là khi có kèm theo các nguy cơ khác (giảm kali huyết, khoảng QTc kéo dài bẩm sinh, kết hợp dùng các thuốc kéo dài khoảng QT và/hoặc gây xoắn đỉnh). Không có thuốc giải độc. Điều trị triệu chứng.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Spiramycin

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015
  2. Drugbank.vn: https://drugbank.vn/thuoc/Apharova&VD-25039-16
    • https://drugbank.vn/thuoc/Newspiraz-750-000-I-U&VD-30392-18
    • https://drugbank.vn/thuoc/Pimicin-3M&VD-33844-19
  3. Go.drugbank.com: https://go.drugbank.com/drugs/DB06145

Ngày cập nhật: 22/7/2021