Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Nitrofurantoin

Nitrofurantoin: Kháng khuẩn đường tiết niệu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Nitrofurantoin

Loại thuốc

Kháng khuẩn đường tiết niệu

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 50 mg, 100 mg.

Viên nang: 25 mg, 50 mg, 100 mg.

Hỗn dịch: 25 mg/mL (300 mL).

Chỉ định

Điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp không biến chứng và mạn tính do E. coli, Enterococcus spp., Staphylococcus saprophyticus, Staphylococcus aureus và các chủng nhạy cảm Klebsiella spp., Enterobacter spp..

Dự phòng nhiễm khuẩn hoặc điều trị ngăn chặn dài ngày cho những trường hợp nhiễm khuẩn tái phát.

Dược lực học

Nitrofurantoin là một dẫn chất nitrofuran có tác dụng kháng khuẩn. In vitro, thuốc có tác dụng với hầu hết các chủng vi khuẩn gram âm và gram dương gây bệnh ở đường tiết niệu. Cơ chế tác dụng kháng khuẩn của nitrofurantoin chưa được rõ ràng và đầy đủ.

Trong tế bào vi khuẩn, nitrofurantoin bị khử thành chất trung gian gây bất hoạt hoặc biến đổi protein ribosome của vi khuẩn và một số đại phân tử khác. Do đó, nitrofurantoin ức chế quá trình sinh tổng hợp protein, DNA, RNA và quá trình sinh tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn.

Phổ tác dụng: In vitro, nitrofurantoin có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn Enterococcus cũng như các chủng gram dương khác như các Staphylococcus, Streptococcus, mặc dù các chủng này ít có ý nghĩa lâm sàng.

Hầu hết các chủng Escherichia coli đặc biệt nhạy cảm với nitrofurantoin, nhưng các chủng Enterobacter và Klebsiella ít nhạy cảm hơn và một số có thể kháng. Pseudomonas aeruginosa và hầu hết các chủng Proteus spp. đều đã kháng thuốc. Hoạt tính kháng khuẩn của nitrofurantoin tăng trong môi trường nước tiểu có pH acid, tác dụng sẽ bị mất nếu pH > 8.

Kháng thuốc hiếm khi xảy ra trong khi điều trị, nhưng có thể tăng khi dùng thuốc dài ngày.

Động lực học

Hấp thu

Nitrofurantoin được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thức ăn có thể tăng sinh khả dụng của thuốc và kéo dài khoảng thời gian thuốc tồn tại trong nước tiểu, giúp tăng tác dụng điều trị.

Phân bố

Nitrofurantoin đi qua nhau thai, hàng rào máu não, và được tìm thấy ở dạng vết trong sữa mẹ.

Tỷ lệ thuốc gắn kết với protein huyết tương: 20 – 60%.

Chuyển hóa

Nitrofurantoin chuyển hóa ở gan và hầu hết ở các mô cơ thể. Một lượng nhỏ nitrofurantoin được chuyển hoá thành aminofurantoin.

Thải trừ

Thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 0,3 đến 1 giờ. Khoảng 30 – 40% liều thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi, khoảng 1% được bài tiết dưới dạng aminofurantoin.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Nitrofurantoin và các kháng sinh nhóm quinolone đối kháng in vitro, nhưng chưa rõ tương tác trên lâm sàng.

Tác dụng kháng khuẩn của thuốc giảm khi có mặt các chất ức chế carbonic anhydrase và các thuốc khác làm kiềm hóa nước tiểu, do vậy không nên dùng đồng thời.

Các thuốc thải acid uric niệu, như probenecid, sulfinpyrazone có thể ức chế bài tiết nitrofurantoin ở ống thận, làm tăng nồng độ trong máu, tăng nguy cơ ngộ độc và làm giảm hiệu quả điều trị viêm đường tiết niệu.

Thuốc kháng acid có chứa magnesi trisilicate có thể làm giảm hấp thu nitrofurantoin qua đường tiêu hóa.

Nitrofurantoin có thể gây phản ứng dương tính giả, khi xét nghiệm glucose niệu bằng phương pháp khử đồng.

Tương kỵ thuốc

Nitrofurantoin tương kỵ với đệm citrate, phản ứng tạo thành tạp chất acid 3-(5-nitrofurfuryliden amino) hydantonic.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Nitrofurantoin cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với nitrofurantoin.
  • Người suy thận nặng, vô niệu, thiểu niệu, suy giảm chức năng thận.
  • Người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase.
  • Người loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.
  • Phụ nữ có thai giai đoạn gần sinh (38 – 42 tuần) và khi sinh, vì nguy cơ gây bệnh thiếu máu cho trẻ sơ sinh.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Nitrofurantoin

Người lớn

Điều trị nhiễm khuẩn: Uống 50 – 100 mg/lần x 4 lần/ ngày. Thời gian điều trị thường là 7 ngày. Hoặc dùng liều theo thể trọng: 5 – 7 mg/kg, chia làm 4 lần (tối đa 10 mg/kg/ngày).

Dự phòng tái phát: 50 – 100 mg/lần/ngày, uống thuốc trước khi đi ngủ.

Trẻ em

Điều trị nhiễm khuẩn ở trẻ em > 3 tháng tuổi: Liều thường dùng 3 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần. Có thể dùng mức liều cao hơn là 5 – 7 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần.

Dự phòng tái phát: Dùng dài ngày với liều 1 mg/kg/ngày, uống 1 lần trước khi đi ngủ. Đợt điều trị ít nhất 1 tuần hoặc 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn nước tiểu cho kết quả âm tính và không được vượt quá 14 ngày.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy thận: Nếu độ thanh thải creatinine > 60 mL/phút dùng như liều bình thường; chống chỉ định trong trường hợp thanh thải creatinine < 60 mL/phút, thẩm tách máu hoặc thẩm phân màng bụng.

Cách dùng

Thuốc dùng đường uống và thường dùng chung với thức ăn.

Hỗn dịch uống có thể được pha với nước, sữa, nước trái cây hoặc sữa bột của trẻ.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Sốt, đau cơ, khô miệng, đau đầu, chóng mặt.

Tăng bạch cầu đa nhân, tăng bạch cầu ưa acid.

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Phát ban, mày đay, ngứa.

Triệu chứng tương tự viêm gan mạn tính hoạt động hoặc vàng da ứ mật, tăng transaminase.

Tăng dải xơ trên X-quang phổi.

Thâm nhiễm phổi, tràn dịch màng phổi, khó thở, ran ẩm, triệu chứng hen.

Bệnh dây thần kinh ngoại vi.

Ít gặp

Phân đen, tiểu máu, bỏng rát, tê, đau họng, đi không vững, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, mệt mỏi, suy nhược.

Hiếm gặp

Giảm bạch cầu đa nhân, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu ở người thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase di truyền.

Tăng áp lực nội sọ lành tính.

Viêm tuyến mang tai.

Xơ phổi, rụng tóc tạm thời, rung giật nhãn cầu, lupus ban đỏ hệ thống.

Không xác định tần suất

Phù mạch thần kinh, phản vệ, viêm mạch da, viêm tuyến tuỵ, viêm tuỵ.

Lưu ý

Lưu ý chung

Theo dõi chức năng phổi khi phải điều trị dài ngày, ngừng thuốc nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào gây nguy hại ở phổi.

Thận trọng với những bệnh nhân đã có tiền sử bệnh ở phổi, gan, thần kinh hoặc rối loạn dị ứng; những người mắc các bệnh như hen suyễn, đái tháo đường, mất cân bằng điện giải, thiếu vitamin nhóm B có xu hướng dễ mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên. Cần ngừng thuốc nếu thấy có dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại biên tiến triển.

Mặc dù các triệu chứng bệnh lý ở gan như viêm gan, vàng da ứ mật, hoại tử gan hiếm khi xảy ra nhưng đã thông báo có trường hợp tử vong. Do vậy, cần theo dõi cẩn thận và ngừng thuốc ngay nếu có dấu hiệu viêm gan.

Theo dõi chức năng thận khi phải điều trị dài ngày. Không khuyên dùng cho những trường hợp độ thanh thải creatinine nhỏ hơn 60 mL/phút, vì liều thường dùng của nitrofurantoin không đủ tác dụng và độc tính cao.

Ngừng sử dụng nitrofurantoin khi có triệu chứng tan huyết xảy ra ở người bệnh nghi ngờ thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase.

Điều trị với nitrofurantoin có thể xảy ra tình trạng tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc do Clostridioides difficile. Trong trường hợp trung bình đến nặng, cần bổ sung dịch, chất điện giải và protein; sử dụng kháng sinh thích hợp (metronidazole hoặc vancomycin) nếu các triệu chứng nặng hơn.

Thận trọng với người bệnh cao tuổi, cần điều chỉnh liều lượng, do nguy cơ ngộ độc cao, đặc biệt là tai biến cấp đường hô hấp.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Mức độ an toàn đối với phụ nữ có thai: Loại B (theo phân loại của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA).

Cần cân nhắc và thận trọng khi chỉ định nitrofurantoin để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở người mang thai.

Chống chỉ định dùng nitrofurantoin cho phụ nữ mang thai những tháng cuối thai kỳ (38 – 42 tuần).

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Do nitrofurantoin có phân bố một lượng nhỏ qua sữa mẹ, tránh sử dụng thuốc trên phụ nữ cho con bú, đặc biệt ở những bệnh nhân có con bị thiếu hụt enzyme hồng cầu (bao gồm thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase).

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Nitrofurantoin có thể gây buồn ngủ và chóng mặt. Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc khi gặp phải các tác dụng phụ này.

Quá liều

Quá liều Nitrofurantoin và xử trí

Quá liều và độc tính

Chủ yếu là nôn.

Cách xử lý khi quá liều

Để giảm hấp thu, khi dùng quá liều, gây nôn nếu bệnh nhân không tự nôn được.

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, chủ yếu duy trì cung cấp lượng dịch truyền lớn để tăng cường bài tiết thuốc qua nước tiểu. Thẩm tách máu nếu cần loại thuốc nhanh hơn.

Chăm sóc hỗ trợ, chú ý rối loạn tâm thần.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo