Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Chỉ mới 1 tháng kể từ lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, biến thể Omicron hiện đã có mặt tại ít nhất 89 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đúc rút ra 3 điều cần ghi nhớ, đặc biệt trong cuộc chiến với biến thể mới hiện tại và tương lai.
Hiện nay nhiều quốc gia đã áp dụng hàng loạt hạn chế đi lại, thậm chí phong tỏa toàn quốc như Hà Lan. Dù vậy, "thực tế là Omicron có lẽ đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông tin trong một cuộc họp báo mới đây, theo CNN.
“Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang xem nhẹ Omicron. Vì ngay cả khi biến thể này gây bệnh nhẹ hơn, số ca mắc tăng vọt vẫn có thể làm đuối sức các hệ thống y tế một lần nữa”, ông Tedros nói.
“Có thể biến thể Omicron đã ngầm xuất hiện ở hầu hết các quốc gia nhưng chưa được phát hiện, một phần do hệ thống xét nghiệm và năng lực giám sát bộ gien ở một số nước còn hạn chế”, CNN dẫn lời tiến sĩ Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định.'
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở Anh vào ngày 27.11, đến ngày 14.12 Omicron đã vượt qua Delta để trở thành chủng Covid-19 chiếm ưu thế ở London. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không mất nhiều thời gian để biến thể Omicron làm điều tương tự với các nước khác trên thế giới.
Một cuộc nghiên cứu lớn với hơn 3,7 triệu người tham gia được Discovery Health (Nam Phi) công bố hôm 14.12 cho biết Omicron có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, với người đã tiêm đầy đủ vắc xin. Nguy cơ phải nhập viện vì nhiễm biến thể Omicron ở người lớn trong nghiên cứu thấp hơn khoảng 29% so với chủng ban đầu. Trang Bloomberg dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 17.12 cho biết chỉ 1,7% trường hợp nhiễm Covid-19 phải nhập viện trong tuần thứ hai ở đợt dịch thứ tư này, so với 19% ở đợt thứ ba.
Tuy nhiên, ông Shabir Madhi, bác sĩ, chuyên gia về tiêm chủng thuộc Đại học Witwatersrand (Nam Phi), người dẫn đầu các cuộc thử nghiệm vắc xin ở nước này, cảnh báo kinh nghiệm về Omicron của Nam Phi có thể không phải là một chỉ báo tin cậy để áp dụng cho các nước khác. Ông cho biết, mức độ nhiễm Covid-19 cao ở 3 đợt dịch trước đó tại Nam Phi đồng nghĩa với khả năng miễn dịch ở nhiều người đã tăng lên. Vì vậy, mức độ nhập viện và bệnh nặng trong đợt bùng phát của biến thể Omicron tương đối thấp, tỷ lệ ở Nam Phi không chứng minh rằng biến thể này ít độc lực hơn, theo The Guardian.
CNN dẫn lời Giám đốc Y tế của Anh, ông Chris Whitty: “Kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày ở Anh sẽ tiếp tục bị phá vỡ. Cần có thêm thời gian để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron gây ra trên diễn tiến của bệnh nhân Covid-19”.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo khi biến thể Omicron lan rộng, các quốc gia cần tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp phi dược phẩm để hạn chế vi rút lây lan như tăng cường giãn cách, tránh tụ tập, cần làm thoáng đãng không gian trong nhà.
CNN dẫn lời kêu gọi của ông Tedros: “Các quốc gia phải ngăn chặn đà lây lan của Omicron bằng các biện pháp có hiệu quả từ trước. Hãy nhớ, vắc xin không thay thế việc đeo khẩu trang, ý thức giãn cách và khử khuẩn tay thường xuyên. Hãy làm tất cả một cách nhất quán và tốt nhất”.
Tiến sĩ Michael Head cũng cảnh báo, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách song song với việc đảm bảo cho người dân trên khắp thế giới, bao gồm các quốc gia nghèo, được tiếp cận đủ ba liều vắc xin Covid-19 càng nhanh càng tốt.
Thủy Phan
Nguồn Tham Khảo: Báo Thanhnien
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.