Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bà bầu bị đi ngoài ra máu có sao không và làm thế nào để "đối phó"

Ngày 07/08/2023
Kích thước chữ

Giai đoạn thai kỳ, cơ thể của mẹ trải qua sự thay đổi lớn, khiến những biểu hiện lạ có thể xuất hiện. Một trong những tình trạng đáng lo ngại là bà bầu bị đi ngoài ra máu có sao không? Liệu đây là hiện tượng do cơ thể thay đổi để thích ứng hay dấu hiệu nguy hiểm?

Nhiều phụ nữ có thể gặp phải các vấn đề không mong muốn trong thai kỳ như việc đi ngoài và phát hiện máu trong phân. Điều này có thể khiến nhiều người lo lắng và bất an. Vậy bà bầu bị đi ngoài ra máu có sao không và cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Dấu hiệu nhận biết bà bầu bị đi ngoài ra máu

Bà bầu khi thấy máu trong phân có thể nhận biết dựa trên màu sắc phân, có thể là màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, thậm chí màu đen tùy theo lượng máu và nguồn chảy máu trong ống tiêu hóa. Đây là tình trạng có thể xuất phát từ bất kỳ phần nào của hệ tiêu hóa.

Bên cạnh việc phát hiện máu trong phân, bà bầu cũng có thể trải qua những biểu hiện khác như đau bụng, phân lỏng và phân bé.

Bà bầu bị đi ngoài ra máu do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bà bầu đi ngoài ra máu khi mang thai:

Màu sắc của thức ăn: Trong một số trường hợp, màu đỏ trong phân không phải là máu mà có thể do màu sắc của thức ăn như củ cải đường, rau dền, quả thanh long.

Táo bón: Táo bón thường gặp ở bà bầu và có thể gây trầy xước và chảy máu hậu môn khi phân khô, cứng.

Bệnh trĩ: Sự giãn ra của tĩnh mạch trong và ngoài ống hậu môn do áp lực của thai nhi và chế độ ăn thiếu chất xơ.

Nứt hậu môn: Xảy ra do táo bón hoặc trĩ kéo dài, gây ra việc đại tiện ra máu tươi và đau rát.

ba-bau-bi-di-ngoai-ra-mau-co-sao-khong-va-lam-the-nao-de-doi-pho-1.jpg
Táo bón hoặc trĩ kéo dài, gây ra tình trạng bà bầu bị đi ngoài ra máu

Viêm loét đại tràng: Các vết loét trên thành đại tràng có thể gây ra chảy máu khi đi ngoài, thường đi kèm với đau bụng.

Polyp đại tràng: Sự xuất hiện của polyp trong đại tràng có thể gây ra phân có màu tươi.

Ung thư trực tràng: Tình trạng này có thể gây chảy máu khi đi tiêu và cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.

Bà bầu bị đi ngoài ra máu có sao không?

Nếu tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn 2 ngày, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi:

Tăng nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ: Việc mất lượng máu lớn từ việc đi ngoài ra máu có thể gây ra tình trạng thiếu máu ở mẹ bầu, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Thai nhi chậm phát triển: Thiếu máu và lượng dưỡng chất không đủ có thể ảnh hưởng đến phát triển của thai nhi, gây ra nguy cơ sinh non hoặc thấp cân.

Nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa và hậu môn: Sự viêm nhiễm tại vùng hậu môn và cơ quan sinh sản có thể xảy ra do các tác nhân ngoại lai khiến mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng.

ba-bau-bi-di-ngoai-ra-mau-co-sao-khong-va-lam-the-nao-de-doi-pho-3.jpg
Bà bầu bị đi ngoài ra máu gây nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa và hậu môn

Mệt mỏi và suy nhược: Mất máu kéo dài cùng với tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy có thể làm mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng đến tinh thần và tâm trạng.

Lo lắng và stress: Tình trạng sức khỏe không ổn định và mất máu có thể gây ra lo lắng và stress cho mẹ bầu, ảnh hưởng đến tâm lý và tình trạng tinh thần.

Nguy cơ sảy thai: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, việc mất máu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng sảy thai.

Vì vậy, nếu gặp tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn 2 ngày, mẹ bầu cần phải thăm bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Điều trị bà bầu đi ngoài ra máu?

Chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng táo bón, bệnh trĩ và xây dựng nền tảng sức khỏe cho mẹ bầu. Dưới đây là những biện pháp có thể giúp điều trị cho bà bầu đi ngoài ra máu:

Bổ sung chất dinh dưỡng: Mẹ bầu cần bổ sung đủ rau xanh, trái cây tươi và các nguồn thực phẩm giàu chất xơ. Sự đa dạng trong thực đơn giúp cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và thai nhi.

Uống đủ nước: Hãy duy trì việc uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp làm mềm phân và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa.

Bổ sung sữa chua: Sữa chua giúp cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn và duy trì cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

Kiêng các thức ăn gây kích ứng: Tránh thức ăn cay nóng, dầu mỡ, thực phẩm nhanh, cũng như hạn chế uống rượu bia.

Thói quen đi đại tiện đúng giờ: Xây dựng thói quen đi đại tiện vào cùng một thời điểm hàng ngày giúp tạo ra phản xạ cho cơ thể và hỗ trợ việc tiêu hóa.

Vận động thường xuyên hơn: Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng giúp cải thiện nhu động ruột và tạo tinh thần thoải mái.

Vệ sinh hậu môn đúng cách: Rửa sạch vùng hậu môn bằng nước ấm sau khi đại tiện thay vì dùng giấy để lau, để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng biện pháp chữa trị mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Việc thường xuyên kiểm tra và tư vấn với chuyên gia y tế là quan trọng để đảm bảo sự an toàn và tốt nhất cho thai kỳ của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thời kỳ mang thai đòi hỏi sự chăm sóc thận trọng đặc biệt cho mẹ bầu. Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong cơ thể, mẹ bầu nên ngay lập tức tìm đến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, cần quan tâm đến những triệu chứng sau đây:

  • Bà bầu đi vệ sinh ra máu không cải thiện sau 1 - 2 ngày.
  • Phân có màu đen, sánh như nhựa đườn.
  • Nếu có đau bụng dữ dội, kéo dài hoặc có các triệu chứng kèm theo như mất máu, bạn cần điều trị tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
ba-bau-bi-di-ngoai-ra-mau-co-sao-khong-va-lam-the-nao-de-doi-pho-2.jpg
Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ 

Việc đề phòng và sớm nhận biết các triệu chứng bất thường giúp mẹ bầu và thai nhi có môi trường mang thai an toàn và tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.