Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu thiếu sắt là căn bệnh phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này để cách phòng tránh hiệu quả.
Những đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất và gặp ở nhiều đối tượng
Những cô gái tuổi từ 15-18: Mới bắt đầu chu kỳ hành kinh thường bị thiếu sắt do mất một lượng lớn máy trong quá trình kinh nguyệt. Bổ sung sắt trong đầy đủ trong thời gian này đóng vai trò quan trọng và làm giảm tình trạng mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt.
Phụ nữ mang thai: Làm tăng nhu cầu sắt của mẹ và thai nhi. Thông thường chế độ ăn uống thiếu chất là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiếu sắt ở mẹ và bé. Sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể cũng khiến cho mẹ khó hấp thụ sắt trong cơ thể
Phụ nữ tiền mãn kinh trong độ tuổi 35-49: Thời kỳ tiền mãn kinh là thời kỳ mà cơ thể chuyển đổi chức năng sinh sản đối với người phụ nữ, mất đi kinh nguyệt cũng đồng thời khiến họ mất đi cơ chế hấp thụ sắt để tăng lượng hồng cầu cần thiết cho cơ thể.
Thiếu máu gây hiện tượng choáng váng chóng mặt
Trẻ từ 1-2 tuổi: Thường bị suy dinh dưỡng cho cơ thể thiếu sắt, vitamin B12, đồng, axit Folic… trong đó thiếu sắt là phổ biến. Nguyên nhân có thể là trẻ thiếu hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ, từ đó khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu gây ra những bệnh như tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Điều này làm do trẻ hấp thu sắt kém. Mỗi trẻ sơ sinh cần được bổ sung sắt thêm 2mg/kg mỗi ngày, tối đa 15 mg/ngày, nếu không sẽ khiến trẻ mệt mỏi, ít hoạt động, ăn kém, lên cân chậm.
Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên: Thường bị suy giảm lượng sắt trong cơ thể do chế độ ăn uống kém và sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể. Họ cũng thường mắc những bệnh tuổi già làm giảm khả năng hấp thụ sắt, trong đó những bệnh về dạ dày là nguyên nhân chủ yếu khiến người cao tuổi không thể hấp thụ sắt trong thức ăn. Thiếu sắt làm giảm sút hoạt động tạo tế bào máu, số lượng tế bào máu xuống quá thấp từ đó không thể cung cấp oxy cho cơ thể, hậu quả là gây ra tình trạng thiếu máu não người già.
Những biến chứng nguy hiểm của việc thiếu sắt đối với từng đối tượng
Với những người lớn bị thiếu sắt thường sẽ cảm thấy mệt mỏi kéo dài, giảm hiệu suất làm việc. Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, khó duy trì nhiệt độ cơ thể, suy giảm chức năng miễn dịch, khó thở và đau ngực.
Mẹ bầu bị thiếu sắt thường có triệu chứng da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, lông, tóc, móng khô dễ gãy. Việc thiếu sắt cũng như rối loạn nội tiết tố sẽ khiến mẹ thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi và gây ra những biến chứng của thai kỳ.
Dấu hiệu cảnh báo thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thường dễ nhận biết với những triệu chứng như: da xanh tái; yếu đuối, cáu gắt và thường xuyên quấy khóc. Tuy nhiên với trẻ sơ sinh bị thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng như sưng tay chân, tăng nhịp tim, khó thở. Đồng thời trẻ cũng xuất hiện những rối loạn hành vi được gọi là “pica” - là khi trẻ thích ăn những chất kỳ lạ, chẳng hạn như chất bẩn.
Trẻ em trong độ tuổi dậy thì nếu thiếu sắt thường sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, môi khô, tóc khô dễ rụng, dễ gãy. Đặc biệt với những bé gái tuổi vị thành niên đang bước vào chu kỳ hành kinh bị thiếu sắt sẽ khiến trẻ ốm yếu, chậm tăng trưởng cân nặng chiều cao so với những bạn cùng lứa.
Thiếu sắt trong thời kỳ tiền mãn kinh sẽ khiến phụ nữ thường xuyên mệt mỏi, uể oải, khó tập trung trong công việc. Ngoài ra họ còn dễ mắc bệnh tim đập nhanh và hội chứng chân không yên
Khi người lớn tuổi thiếu sắt sẽ khiến họ dễ mất sức, mệt mỏi và uể oải. Thông thường thiếu sắt ở người già sẽ dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng, gây nên những biến chứng về tim như tăng nhịp tim, nhịp tim không đều và có thể dẫn tới suy tim. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.
Người già thiếu sắt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng
Qua những thông tin trên cho thấy được có nhiều nguyên nhân gây thiếu sắt trong cơ thể và với mỗi đối tượng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Vì thế chúng ta nên chú trọng bổ sung sắt trong bữa ăn hằng ngày, với những đối tượng như phụ nữ mang thai và người già có thể tăng cường hấp thụ sắt thông qua những thực phẩm chức năng, dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của việc thiếu máu chúng ta nên đến những cơ sở y tế uy tín để khám dinh dưỡng tổng thể, kiểm tra tình trạng tiết máu để có cách chữa trị phù hợp.
Xuân Trúc
Nguồn: Tổng hợp