Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai có nguy hiểm không?
Ngày 23/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai là một trong những tình trạng phổ biến mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối mặt. Khi cơ thể không đủ lượng sắt cần thiết để sản xuất hemoglobin, sự phát triển của thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến việc bổ sung sắt trong suốt thai kỳ trở thành yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai có nguy hiểm không? Cần phải bổ sung sắt cho mẹ bầu như thế nào, mời quý vị độc giả cùng tìm hiểu về tình trạng thiếu máu thiếu sắt này cũng như biện pháp phòng ngừa qua bài viết dưới đây.
Tại sao khi mang thai hay gặp tình trạng thiếu máu thiếu sắt?
Cơ thể con người cần sắt để sản xuất hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các mô. Khi mang thai, nhu cầu sắt của phụ nữ tăng gấp đôi so với người bình thường, nhằm tạo thêm máu để cung cấp oxy cho cả cơ thể thai phụ và thai nhi. Nếu phụ nữ không có đủ lượng sắt dự trữ trước khi mang thai hoặc không bổ sung đủ sắt trong quá trình mang thai, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt sẽ xảy ra. Thiếu máu nhẹ thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng nếu nguyên nhân là do thiếu sắt, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Những phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ bao gồm:
Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá gần nhau.
Mang đa thai (song thai, tam thai hoặc nhiều hơn).
Bị nghén nặng, nôn nhiều và thường xuyên.
Mang thai khi còn ở tuổi vị thành niên.
Không bổ sung đủ sắt.
Trước khi mang thai, chu kỳ kinh nguyệt có lượng máu ra nhiều.
Đã từng bị thiếu máu trước khi có thai.
Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai có nguy hiểm không?
Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, nếu không được phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể:
Đối với mẹ: Phụ nữ mang thai thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ cao bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh và nhiễm trùng hậu sản. Trong đó, băng huyết sau sinh là tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
Đối với thai nhi: Trẻ sinh ra từ mẹ bị thiếu máu thiếu sắt có nguy cơ thiếu máu, nhẹ cân, suy thai, sinh non, và dễ mắc các bệnh sơ sinh hơn. Tình trạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não, do sự thiếu hụt sắt ảnh hưởng xấu đến tế bào oligodendrocyte và quá trình myelin hóa, làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh.
Dấu hiệu tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở mẹ bầu
Các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt khi mang thai có thể kể đến như:
Trong trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
Nhịp tim nhanh;
Huyết áp thấp;
Khó tập trung.
Tuy nhiên, các dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang thai thường không rõ ràng và có thể giống với các triệu chứng thông thường của thai kỳ. Vì vậy, dù có triệu chứng hay không, phụ nữ mang thai vẫn cần xét nghiệm máu để sàng lọc thiếu máu trong suốt thai kỳ.
Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
Dinh dưỡng giữ vai trò thiết yếu đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ con người trong suốt cuộc đời, đặc biệt là khi phụ nữ mang thai. Trong giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ tăng cao để đáp ứng cho cả mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Sắt là một vi chất quan trọng có trong nhiều loại thực phẩm, tồn tại dưới hai dạng là sắt heme và sắt không heme.
Sắt heme, thường có trong thực phẩm nguồn gốc động vật, dễ được hấp thu qua ruột. Một số thực phẩm giàu sắt heme bao gồm các loại thịt, cá có màu đỏ như thịt bò, thịt lợn, cá ngừ,... Thịt gia cầm, với màu trắng, chứa ít sắt hơn. Ngoài ra, các loại nội tạng động vật như gan gà, gan heo, gan bò cũng là nguồn cung cấp sắt dồi dào.
Thực phẩm giàu sắt không heme thường có trong các loại rau xanh như rau dền, rau ngót, rau muống, măng tây, cũng như các loại ngũ cốc và đậu hạt. Việc hấp thu sắt không heme phụ thuộc vào sự hiện diện của một số chất có thể thúc đẩy hoặc cản trở quá trình này. Các thực phẩm như trà, cà phê, và những loại chứa nhiều phytate, tannin, canxi có thể ức chế hấp thu sắt, trong khi vitamin C từ rau quả lại giúp tăng khả năng hấp thu sắt.
Vì vậy, phụ nữ mang thai nên bổ sung đầy đủ trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối,... để hỗ trợ hấp thu sắt từ thực phẩm, đồng thời nên hạn chế uống trà hoặc cà phê trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Hiện nay, có nhiều loại thực phẩm tăng cường vi chất sắt như nước mắm, xì dầu, bột mỳ, bánh quy, ngũ cốc,... Phụ nữ mang thai có thể lựa chọn những sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp trong chế độ ăn hằng ngày.
Để hỗ trợ quá trình tạo máu, phụ nữ mang thai cũng nên bổ sung thực phẩm giàu folate như rau lá xanh, mầm lúa mì, các loại hạt, và trái cây như cam, dâu tây, dưa hấu, lê.
Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai là một vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, gây ra nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân hoặc các biến chứng sau sinh. Do đó, phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng giàu sắt và folate, kết hợp với việc hấp thu sắt hiệu quả từ thực phẩm và bổ sung vi chất cần thiết. Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt mà còn đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.