Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bé bị hăm cổ: Dấu hiệu nhận biết và cách để chăm sóc

Ngày 31/07/2022
Kích thước chữ

Bé bị hăm cổ thường bị có mẹ phớt lờ hoặc chăm sóc đúng cách, dẫn đến các bệnh lý về da liễu khác nghiêm trọng hơn ở trẻ. Hãy cùng tìm hiểu để cảnh giác tình trạng hăm cổ ở trẻ nhé!

Bé bị hăm cổ là một tình trạng thường gặp nhưng không nhiều bố mẹ biết cách để khắc phục khiến bệnh tái diễn nhiều lần. Các bậc phụ huynh hãy cùng với Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể về tình trạng hăm cổ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc tốt nhất cho con trẻ nhé! 

Dấu hiệu để nhận biết bé bị hăm cổ 

Hăm da cổ ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng tương đối phổ biến, đặc biệt thường gặp ở những trẻ sơ sinh bụ bẫm hơn bởi khi đó trẻ có nhiều nếp gấp (ngấn da) tạo nên các kẽ nhỏ cổ, đùi và tay. Những kẽ nhỏ này sẽ tạo điều kiện cho mồ hôi, sữa, bụi bẩn đọng lại, dẫn đến hăm da. 

Tuy hăm da ở cổ không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng trẻ sơ sinh bị hăm cổ sẽ thường xuyên quấy khóc vì khó chịu. Nếu để lâu ngày mà không chữa trị hoặc trường hợp bố mẹ chăm sóc hăm cổ sai cách thì có thể dẫn đến viêm da, loét da gây đau đớn và nguy hiểm cho trẻ. 

Dấu hiệu để mẹ nhận biết tình trạng bé bị hăm cổ như sau: 

  • Có những mảng da đỏ theo đường ngấn cổ, đôi khi có hiện tượng sưng bì. 
  • Đi kèm theo đó là những mụn nước nhỏ và nổi rộng khắp cổ (tương tự như rôm sảy). 

Dấu hiệu nhận biết bé bị hăm ở cổ

Nổi mụn nước như rôm sảy cũng là dấu hiệu cho thấy bé bị hăm cổ

Nguyên nhân gây hăm cổ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bé bị hăm cổ, bố mẹ có thể tham khảo để phòng tránh: 

  • Mồ hôi: Vùng cổ thường dễ bị đổ mồ hôi vào mùa nóng nực như mùa hè. Hơn thế nữa, những nếp ngấn ở cổ cũng khó để vệ sinh hơn những vùng da khác. Từ những yếu tố này đã tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển gây bị hăm da cổ.
  • Giữ gìn vệ sinh da kém: Sữa, thức uống, đồ ăn có thể chảy xuống cổ và đọng lại nếu bố mẹ vệ sinh cho con không kỹ. Từ đó khiến vùng da này bị ẩm ướt, hầm bí và dẫn đến hăm da. 
  • Quần áo quá chật: Khi trẻ mặc quần áo quá chật sẽ gây cọ xát vào cổ, gây mẩn đỏ và hăm da. 
  • Sử dụng các loại nước giặt, sữa tắm có chứa thành phần gây kích ứng. Da của bé rất nhạy cảm vì thế khi dùng những sản phẩm có chứa chất hóa học tạo mùi rất dễ dẫn đến kích ứng và mẩn ngứa. 

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bé bị viêm da, tổn thương da ở vùng cổ cũng có biểu hiện như hăm cổ. 

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị hăm cổ

Mồ hôi, sữa, thức ăn đọng lại mà không được làm sạch là nguyên nhân gây hăm cổ

Cách khắc phục hăm cổ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để khắc phục tình trạng hăm da cổ, tay hay bẹn, bố mẹ cần tham khảo qua ý kiến từ bác sĩ. Dưới đây là một số lời khuyên để bước đầu các bậc phụ huynh có thể áp dụng để chăm sóc trẻ khi bị hăm cổ: 

Sử dụng các loại kem chống hăm cho bé 

Dùng các loại kem chống hăm cho bé sẽ giúp cho bé cưng của bạn thoát khỏi những vết hằn đỏ khó chịu trên cổ. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm kem bôi trị hăm cho trẻ tại các nhà thuốc, hiệu thuốc. Để dùng kem chống hăm cũng rất đơn giản, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng da cổ và thoa một lớp kem mỏng lên. Sau đó không cần rửa lại với nước. 

Lưu ý: Bạn chỉ nên bôi một lớp kem mỏng cho bé và nên chọn các sản phẩm có thành phần chiết xuất tự nhiên. Không dùng các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bôi lên da trẻ. 

Dùng các loại lá trị hăm theo dân gian 

Đây là cách để trị hăm cổ ở trẻ được lưu truyền từ lâu đời. Một số loại thảo dược được nhiều mẹ lựa chọn áp dụng là: Lá trầu không, trà xanh, quả khổ qua, lá ổi,… Các loại lá này hầu hết đều chứa thành phần kháng khuẩn tự nhiên, có tác dụng làm dịu và mát da. 

Cách thực hiện: Bạn có thể cho thảo dược vào nồi nước. Nấu sôi lên, sau đó để nguội và pha loãng thêm nước lạnh để tắm cho bé. Sau khi tắm bằng nước lá thuốc xong, bạn nên tắm sạch lại cho bé bằng nước ấm. Lưu ý, mẹ tuyệt đối không nên cho bé tắm nước lá trị hăm trong những trường hợp vết hăm cổ bị bong tróc. 

Thực hiện phương pháp tắm lá dân gian cho bé bị hăm cổ

Tắm bằng các loại lá kháng khuẩn là cách trị hăm cho trẻ theo dân gian

Những biện pháp điều trị và phòng ngừa hăm cổ khác 

Ngoài những biện pháp kể trên, bạn có thể thử một số mẹo nhỏ sau đây để giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị hăm cổ:

  • Đổi loại quần áo khác cho bé với chất liệu vai nhẹ mà thấm hút tốt hơn như chất liệu cotton. 
  • Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho da bé, có độ pH tốt nhất là trong khoảng 4,5 - 5,5.
  • Chườm lạnh có thể giúp làm dịu vùng da bị viêm do hăm cổ. Khi chườm lạnh, mẹ chuẩn bị một chậu nước lạnh và một miếng khăn sạch. Sau đó đắp khăn đã nhúng trong chậu nước này lên vùng da bị hăm trong 5 - 10 phút. 
  • Thường xuyên vệ sinh vùng da cổ nhất là sau khi cho con ăn hay uống sữa. Lưu ý, nên lau qua vùng cổ nhẹ nhàng bằng nước ấm, không chà mạnh hoặc cọ xát quá nhiều làm tổn thương da.
  • Có thể sử dụng bột ngô và phấn rôm để giúp da trẻ khô thoáng hơn, hạn chế tình trạng hăm da cổ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì có nguy cơ khiến hăm cổ trở nên nặng hơn. 

Hăm cổ cũng như bất kỳ tình trạng hăm da nào khác ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần được chăm sóc đúng cách. Vì thế, khi thấy bé bị hăm cổ bố mẹ không nên chủ quan mà cần chăm sóc theo dõi con cẩn thận và đưa con đi khám bác sĩ ngay khi cần thiết nhé! 

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin