Bệnh glôcôm là bệnh ở mắt, nếu không có biện pháp kiểm soát làm chậm tiến độ tiến triển sẽ ảnh hưởng và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bên cạnh tuân thủ điều trị thì bệnh nhân cũng nên xây dựng chế độ ăn phù hợp. Vậy bệnh glôcôm kiêng ăn gì, nên ăn gì để kiểm soát bệnh tốt hơn? Mời bạn theo dõi bài viết bên dưới nhé.
Bệnh glôcôm là bệnh gì?
Bệnh glôcôm hay còn gọi là thiên đầu thống/cườm nước/glaucoma. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, gây tổn hại thần kinh thị giác khi làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương trầm trọng, gây suy giảm thị lực thậm chí là mù lòa.
Bệnh được chia thành hai loại:
- Glôcôm nguyên phát: Glôcôm góc mở nguyên phát, Glôcôm góc đóng nguyên phát (thường gặp).
- Glôcôm thứ phát: xảy ra có thể do tổn thương bên trong mắt như viêm màng bồ đào, chấn thương, mắc bệnh lý thể thủy tinh,...
Bệnh Glocom là bệnh gì?
Bệnh Glôcôm kiêng ăn gì?
Trong quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh Glôcôm, chế độ ăn uống rất quan trọng. Nếu bổ sung phải những thực phẩm không tốt có thể khiến bệnh có thể chuyển biến xấu. Chẳng hạn như những thực phẩm khiến huyết áp tăng cao có thể ngăn cản thủy dịch thoát ra đi vào hệ tuần hoàn chung. Hơn nữa, thủy dịch tích tụ lại trong mắt và làm tăng nhãn áp, từ đó gây tổn thương đến thần kinh thị giác.
Thực phẩm nhiều đường
Tinh bột, đường là dạng carbohydrate đơn giản. Nếu bổ sung nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu, điều này thúc đẩy áp lực trong mắt tăng cao hơn, khiến mắt bị tổn thương nhiều hơn.
Do đó, ở những bệnh nhân bị glôcôm nên hạn chế dùng carbohydrate đơn giản như đường, bánh mỳ, kẹo, nước ngọt có gas,... Không thể cắt giảm hoàn toàn lượng carb nên bệnh nhân thay bằng các carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, yến mạch và rau xanh.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Các thực phẩm này sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ vỡ mạch máu mắt, khiến dây thần kinh thị giác bị thiếu dưỡng chất và tổn thương nặng nề. Do đó, những bệnh nhân glôcôm nên hạn chế các thực phẩm dầu mỡ như mỡ lợn, mỡ bò, nội tạng động vật, khoai tây chiên, phô mai, xúc xích, da gia cầm,...
Cà phê, trà
Cà phê, trà và các thực phẩm chứa cafein đã được nghiên cứu chứng minh có tác động làm mắt tăng sản xuất thủy dịch, dẫn đến tăng thêm áp lực trong mắt, gây phá hủy nghiêm trọng hệ thống dây thần kinh thị giác. Do vậy, những người mắc glôcôm nếu vẫn muốn giữ ánh sáng cho đôi mắt thì hạn chế các loại nước uống này nhé!
Bệnh Glocom nên kiêng ăn gì?
Thuốc lá, rượu bia
Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích gây tác động xấu đến sức khỏe của cơ thể. Và đối với những người có bệnh lý về mắt cũng như bị glôcôm thì càng nguy hiểm. Vì những nhóm thực phẩm này làm thị lực giảm sút nhanh chóng
Ngoài ra, thực phẩm nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,... bệnh nhân glôcôm cũng nên tránh xa để tốt cho sức khỏe đôi mắt nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung.
Bệnh glôcôm nên ăn gì để tốt cho mắt?
Người bị glôcôm cần bổ sung dưỡng chất để tốt cho sức khỏe cơ thể và đôi mắt:
Vitamin A: Có vai trò quan trọng trong việc duy trì độ trong suốt của giác mạc. Đồng thời, phòng ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và đục thủy tinh thể - một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh glôcôm. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A: Dầu gan cá, cà rốt, khoai lang, rau bina, bông cải xanh, ớt chuông, bí ngô, cà chua,...
Vitamin C: Chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ mắt trước các gốc gây hại. Ngoài ra, vitamin này còn có khả năng hạn chế tổn thương thần kinh thị giác do tăng nhãn áp. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C: Ớt chuông, kiwi, dâu tây, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà chua, cải brussel, bưởi, ổi,...
Lutein, zeaxanthin: Là các chất chống oxy hóa, ngăn ngừa gốc tự do làm tổn hại thần kinh thị giác. Nguồn thực phẩm giàu chất này bao gồm: Cải bó xôi, cải bắp, bắp vàng, bí đỏ, cải brussel, măng tây, rau dền, đậu xanh,...
Flavonoid: Cũng là chất chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh thị giác có trong các loại thực phẩm như: Các loại quả mọng, nho, táo, cà chua,...
Acid béo không bão hòa: Gồm omega 3, omega 6 không chỉ tốt cho sức khỏe cơ thể, tim mạch mà còn tốt cho đôi mắt sáng khỏe. Thông thường nguồn thực phẩm giàu omega 3 từ các loại cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích,... Còn omega 6 thường đến từ dầu hạt và các loại hạt: Óc chó, hạt chia, hạt hướng dương, dầu olive, dầu hạt lanh, vừng, hạt điều, hạnh nhân, quả bơ,...
Thực phẩm giàu protein: Đây cũng là nguồn dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân glôcôm trong chế độ ăn hằng ngày. Nguồn thực phẩm chứa protein bào gồm: Sữa, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc,...
Bệnh glôcôm nên ăn gì?
Qua bài viết hy vọng giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về bệnh glôcôm kiêng ăn gì và nên ăn gì để có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này giúp cải thiện sức khỏe tốt, cải thiện thị lực và ngăn chặn bệnh glôcôm tiến triển nặng, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Thy Võ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp