Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân phải làm sao?

Ngày 11/03/2022
Kích thước chữ

Sưng phù hay phù chân là tình trạng tích tụ chất lỏng ở trong các mô. Vấn đề này có thể gây ra do việc nước và muối bị giữ lại khi sử dụng một số loại thuốc. Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân là tình trạng khá phổ biến. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng này nhé!

Ung thư phổi bị phù chân thường có rất nhiều nguyên nhân như: Dinh dưỡng kém, do việc muối và nước tích trữ lại hoặc do các hạch bạch huyết chèn ép... Bên cạnh đó, bệnh cũng đi kèm theo các biến chứng như suy thận, tim... Tuy nhiên, bị phù chân là tình trạng phổ biến nhiều ở bệnh nhân ung thư phổi. Sưng phù có thể là tình trạng tích tụ chất lỏng ở các mô. 

Vấn đề này gây khó khăn cho việc đi lại, vận động và làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này nhé!

Yếu tố gây ra hiện tượng bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân

Phù nề là tình trạng sưng phù do sự tích tụ bất thường của dịch ở trong cơ thể, rất thường gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Lúc này dịch thường tích tụ dưới da hoặc ở bên trong cơ thể. Tình trạng phù nề xảy ra phổ biến nhất ở cẳng chân và ở bàn chân. Bên cạnh đó, phù nề thường xảy ra ở các vị trí khác như: Cẳng tay, bàn tay, mặt, bụng và ngực. Dưới đây là các yếu tố có thể gây ra hiện tượng phù chân ở bệnh nhân ung thư phổi:

  • Các liệu pháp điều trị bệnh ung thư phổi như bao gồm: Xạ trị, phẫu thuật gây tổn thương hoặc có thể làm tắc nghẽn dòng lưu thông của dịch bạch huyết.
  • Thuốc hóa trị như: Cisplatin và docetaxel.
  • Một số loại thuốc khác như: Corticosteroids làm giảm sưng, hormone thay thế.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) như: Ibuprofen hoặc naproxen… và một số loại thuốc hạ huyết áp.
  • Protein trong máu thấp do giảm sản xuất protein ở gan.
  • Các bất thường ở thận làm mất protein thông qua nước tiểu hoặc cơ thể không thể hấp thu được protein trong thực phẩm.
  • Bệnh nhân không vận động khiến chất lỏng tích tụ tập trung ở bàn chân và cẳng chân.
Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân1 Ung thư phổi bị phù chân thường do rất nhiều nguyên nhân

Các triệu chứng của phù chân?

Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật giúp tiêu diệt tế bào ung bướu. Tuy nhiên cũng tiêu diệt cả tế bào lành ở mô phổi và cơ quan trong cơ thể. Do đó bệnh nhân dễ suy giảm hệ miễn dịch, điều này khiến tốc độ nhân lên của tế bào khối u lại càng nhanh hơn, bệnh nặng hơn và gây ra nhiều tác dụng phụ hơn như: Mệt mỏi, phù chân, tóc rụng, chán ăn... Dưới đây là các triệu chứng cơ bản của việc phù chân:

  • Chân sưng phù hoặc cảm giác nặng ở chân.
  • Bệnh nhân cảm thấy giày dép bị chật.
  • Bệnh nhân cảm thấy giảm sự linh hoạt của khớp chân.
  • Tại da vùng chân cảm thấy dày, căng và cứng hơn.
  • Da chân có thể bị lõm khi ấn vào.
  • Người bệnh tăng cân đột ngột.
  • Người bệnh giảm lượng nước khi đi tiểu.
Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân2 Chân sưng phù hoặc cảm giác nặng ở chân là triệu chứng của phù chân do ung thư phổi

Chẩn đoán phù chân do bệnh ung thư phổi

Để chẩn đoán phù chân, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem da ở vùng chân bị sưng có bị lõm khi ấn vào không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể nghe phổi của bệnh nhân và khám bụng của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra về tình trạng tăng cân gần đây, việc cảm giác gò bó, chật chội khi mặc quần áo hoặc đeo trang sức… và các triệu chứng liên quan khác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cần phải xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra tình trạng tim mạch và chụp X – Quang.

Ung thư phổi bị phù chân phải làm sao?

Để cải thiện triệu chứng phù chân cho người bị ung thư phổi là việc rất quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh. Quá trình này được gọi là cải thiện triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân.

Để điều trị cho người bị ung thư phổi giai đoạn cuối bị phù chân cần tập trung tác động vào nguyên nhân gốc rễ gây ra việc tích tụ dịch. Phù chân có thể cải thiện nếu nguyên nhân là do thuốc điều trị, mất cân bằng hormone, bệnh tim, huyết khối, bệnh thận hoặc các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Phù chân có thể khó điều trị khi nguyên nhân là do các dạng ung thư không còn khả năng đáp ứng với việc điều trị. Trong những tình huống này, phù chân có thể là vĩnh viễn. Người bệnh có thể tham khảo những giải pháp sau đây để giảm triệu chứng phù chân:

  • Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về việc thuốc lợi tiểu có tác dụng loại bỏ dịch thừa trong cơ thể.
  • Người bệnh nên giảm lượng muối nạp vào trong cơ thể.
  • Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng giúp lưu thông khí huyết.
  • Tránh đứng lâu hoặc ngồi khoanh chân.
  • Mang vớ y khoa giúp ép dịch ứ đi vào lại hệ thống tuần hoàn.
  • Nếu bàn chân hoặc cẳng chân bị sưng phù, hãy nằm nghỉ ngay tại gường và kê hai chân lên chiếc gối.
  • Người bệnh không tự ý giảm lượng nước khi chưa trao đổi với bác sĩ.
  • Nên trao đổi với bác sĩ điều trị về vật lý trị liệu hoặc đi khám chuyên khoa về phù bạch huyết.
Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân3 Mang vớ y khoa có thể làm giảm cảm giác khó chịu khi bị phù chân

Bệnh nhân cần gọi ngay cho bác sĩ điều trị ung thư khi nào?

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng phù chân ở bệnh nhân ung thư phổi. Trong số đó có thể do các hạch bạch huyết bị tắc nghẽn hoặc khi bị cắt bỏ khiến cho viêc lưu thông bạch huyết bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng phù bạch huyết. Do đó, khi bệnh nhân có các triệu chứng dưới đây nên lập tức liên hệ bác sĩ sớm nhất nhé:

  • Bụng cảm thấy căng cứng.
  • Nhận thấy vùng bị sưng phù đỏ lên và sờ cảm thấy nóng.
  • Tim đập nhanh và khó thở.
  • Cả ngày không ăn được.
  • Cả ngày không đi tiểu được hoặc đi tiểu ít.
  • Chỉ có một chân bị sưng lên.
  • Khi ấn một ngón tay vào vùng sưng nhận thấy vết lõm xuống vẫn còn sau khi nhấc tay ra.
  • Vùng sưng lan ra chân hoặc cả cánh tay.
  • Bị sưng luôn cả vùng mặt và cổ, nhất là vào buổi sáng.
  • Tăng cân đột ngột trong vài tuần hoặc có thể ít hơn.
Bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân4 Bệnh nhân cần gặp bác sĩ ngay nếu triệu chứng phù chân có dấu hiệu nặng hơn

Trên đây là những điều giải thích sơ lược về tình trạng bệnh nhân ung thư phổi bị phù chân, người chăm sóc cũng như người bệnh cần hết sức lưu tâm. Khi cơ thể bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện những triệu chứng trên nên nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được thăm khám và can thiệp sớm nhất. Chúc cho sức khỏe của các bệnh nhân ung thư phổi mau dần dần phục hồi!

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin