Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Ngày 10/08/2023
Kích thước chữ

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nặng nề ở trẻ sơ sinh, vô cùng nguy hiểm vì ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ và có thể gây ra biến chứng khác. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể con người chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân bên ngoài có thể gây nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh khá yếu và cần có thời gian để phát triển điều này khiến trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm trùng. Chính vì thế mà bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh để bạn có để dự phòng không để bé tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn nào.

Nhiễm trùng máu là gì?

Trong nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch bị quá tải, gây ra tình trạng máu có khả năng gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đây là bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan kèm du khuẩn huyết, xảy ra trong tháng đầu sau sinh.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể được phân loại là nhiễm trùng sơ sinh khởi phát sớm và khởi phát muộn.

  • Nhiễm trùng máu sơ sinh khởi phát sớm: Nhiễm trùng máu phát triển trong vòng 72 giờ đầu đời.
  • Nhiễm trùng máu sơ sinh khởi phát muộn: Nhiễm trùng máu phát triển sau ba ngày tuổi.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu thường có tác nhân là vi khuẩn, nhưng trong một số ít trường hợp, nó cũng có thể là do nhiễm virus hoặc nấm.

Vi khuẩn thường gây nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh bao gồm E.coli, Streptococcus nhóm B, Neisseria meningitidis, Salmonella, Haemophilus influenzae loại b và Listeria monocytogenes. Họ virus Herpes Simplex cũng có thể gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?  1
Vi khuẩn là tác nhân thường gặp gây nhiễm trùng máu sơ sinh

Các triệu chứng của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, nhiễm trùng sơ sinh có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau như:

  • Bỏ bú hay bú kém,
  • Nôn sau khi bú,
  • Sốt ≥ 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 36,5 độ C,
  • Lừ đừ, hôn mê hay tăng kích thích, co giật,
  • Giảm hoặc tăng trương lực cơ.
  • Giảm các phản xạ nguyên phát.
  • Thay đổi nhịp tim, có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng.
  • Có cơn ngừng thở ≥ 20 giây hoặc ngừng thở ≤ 20 giây kèm nhịp tim chậm, thở nhanh, thở co lõm.
  • Tím tái, da nhợt nhạt, lạnh, nổi bông.
  • Vàng da, xuất huyết da niêm.
  • Tiêu chảy, chướng bụng, nôn ra máu, đi cầu ra máu.
  • Giảm đi tiểu - không đi tiểu trong hơn 12 giờ.
  • Rốn mủ, mủ da.
  • Thóp phồng.
  • Hạ huyết áp.
  • Giảm số lượng tiểu cầu trong máu.
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?  2
Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng máu

Nếu trẻ sơ sinh biểu hiện nhiều hơn hai trong số các triệu chứng này, nên hỏi ý kiến ​​​​bác sĩ. Vì nhiễm trùng máu là một tình trạng tiến triển nhanh chóng nên việc điều trị chậm trễ có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng sơ sinh khởi phát sớm

Nhiễm trùng sơ sinh khởi phát sớm bị nhiễm trùng từ mẹ trước hoặc trong khi sinh. Những bệnh nhiễm trùng này xảy ra khi trẻ tiếp xúc với một số loại vi khuẩn. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng sơ sinh sớm như:

  • Các vi khuẩn như GBS đã xâm nhập vào âm đạo của mẹ khi mang thai.
  • Chuyển dạ sinh thường trước 37 tuần.
  • Ối vỡ sớm > 18 giờ đối với trẻ sinh non.
  • Nhiễm trùng ối, viêm màng đệm.

Nhiễm trùng sơ sinh khởi phát muộn

Nhiễm trùng sơ sinh khởi phát muộn là nhiễm trùng sau khi sinh. Trẻ có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn trong môi trường mới chứ không phải do vi khuẩn từ mẹ. Vi khuẩn có thể lây lan sang trẻ sơ sinh thông qua các thiết bị y tế như sonde dạ dày, sonde tiểu… Những yếu tố thúc đẩy cho sự nhiễm trùng bao gồm:

  • Trẻ có cân nặng khi sinh thấp.
  • Trẻ thở máy.
  • Trẻ đang điều trị kháng sinh.
  • Trẻ phải đặt sonde dạ dày, sonde tiểu lâu dài.
  • Nằm viện lâu ngày vì một bệnh lý nào đó.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá các triệu chứng lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh và kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của trẻ.

Các xét nghiệm có thể dùng để chẩn đoán cho trẻ như:

  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn bộ, cấy máu và protein phản ứng C.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu.
  • Chọc dò tủy sống: Xét nghiệm dịch não tủy.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang hoặc siêu âm ngực.
  • Và một số xét nghiệm cần thiết khác như khí máu, nồng độ điện giải, đường huyết…

Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Sử dụng kháng sinh là điều trị đặc hiệu trong nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh. Trong nhiễm trùng sơ sinh khởi phát sớm, điều trị ban đầu nên bao gồm ampicillin và gentamycin. Viêm màng não mủ thường không phổ biến trong nhiễm trùng sơ sinh sớm, nhưng nếu nghi ngờ, trẻ nên được chọc dịch não tuỷ. Trong trường hợp trẻ quá nặng không thể chọc dịch não tuỷ được thì nên thêm kháng sinh cefotaxime. Kháng sinh cần được thay đổi sang nhóm nhạy cảm cao nhất khi có kết quả cấy bệnh phẩm dương tính hoặc có kháng sinh đồ.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào? 3
Kháng sinh đường tĩnh mạch là điều trị đặc hiệu của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng sơ sinh khởi phát muộn cũng nên được điều trị bằng ampicillin cộng với gentamicin hoặc ampicillin cộng với cefotaxime. Nếu nghi ngờ viêm màng não gram âm, có thể sử dụng ampicillin, cefotaxim và aminoglycoside. Trong nhiễm trùng máu bệnh viện khởi phát muộn, điều trị ban đầu nên bao gồm vancomycin cộng với một aminoglycoside. Nếu tại cơ sở y tế hiện tại P. aeruginosa là tác nhân hay gặp thì có thể được sử dụng bổ sung ceftazidime, cefepime hoặc piperacillin-tazobactam có thể được sử dụng bổ sung.

Về đường dùng kháng sinh luôn là tiêm truyền tĩnh mạch với liều lượng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ và thời gian kéo dài thường 7 đến 14 ngày, có thể kéo dài hơn nếu đồng nhiễm với vi nấm. Ngoài ra, trẻ được điều trị hỗ trợ hô hấp, ổn định huyết động, duy trì thân nhiệt, nâng đỡ dinh dưỡng,....

Dự phòng nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Vì bệnh gây ra những di chứng và hậu quả nặng nề nên không gì quan trọng hơn là công tác phòng ngừa, hạn chế rủi ro mắc phải. Sản phụ cần chú ý giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ. Thậm chí, tốt nhất là mọi sự chuẩn bị những kiến thức cần thiết, tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.

Trước sinh

  • Sàng lọc và điều trị hiệu quả các trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo do liên cầu B.
  • Sử dụng kháng sinh thích hợp trong trường hợp vỡ ối non.
  • Hạn chế sinh mổ không theo chỉ định sản khoa.

Trong và ngay sau sinh

  • Thực hiện tốt chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm bao gồm: Lau khô ngay sau sinh, da kề da với mẹ, kẹp cắt rốn muộn và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhất là bú sữa non trong những ngày đầu sau đẻ.
  • Hạn chế cách ly mẹ con khi không cần thiết.

Tại đơn vị chăm sóc tích cực

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?  4
Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nặng nề cần chăm sóc tích cực
  • Rửa tay: Là biện pháp hiệu quả nhất trong việc làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng có liên quan đến chăm sóc y tế
  • Thủ thuật vô trùng trong khi làm thủ thuật.
  • Thường xuyên đánh giá đường truyền, kịp thời phát hiện những trường hợp thoát dịch, chảy máu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Cho ăn đường miệng sớm sau khi ổn định trẻ và dinh dưỡng bằng sữa mẹ.
  • Chăm sóc Kangaroo cho trẻ sinh non.

Tóm lại, nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là bệnh lý thường gặp, tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng nề. Việc phát hiện sớm và có các biện pháp đề phòng vô cùng cần thiết, giúp cho trẻ có những ngày tháng đầu đời vững chắc nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.