Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thanh Hương

12/03/2025
Kích thước chữ

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị sốt nhiễm khuẩn qua bài viết sau.

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn có thể xuất hiện khi cơ thể bị tấn công bởi vi khuẩn từ bên ngoài hoặc do vi khuẩn nội sinh bùng phát. Tình trạng này không chỉ gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được xử trí đúng cách. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đặc trưng của sốt nhiễm khuẩn và phân biệt với các loại sốt khác đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​.

Nguyên nhân gây sốt nhiễm khuẩn ở người lớn

Sốt nhiễm khuẩn là phản ứng của cơ thể khi bị tấn công bởi vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm và kích hoạt hệ miễn dịch. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây sốt nhiễm khuẩn ở người lớn:

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Các bệnh viêm họng do liên cầu, viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn thường gây sốt cao. Vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (vi khuẩn Hib) có thể tấn công phổi và đường hô hấp dưới. Chúng gây ra nhiều triệu chứng như ho đờm, khó thở, đau ngực trong đó có sốt cao.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Vi khuẩn E. coli, Klebsiella, Proteus thường gây nhiễm trùng thận, bàng quang hoặc niệu đạo. Người bệnh có thể sốt cao kèm tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục và đau vùng hông lưng. Nếu không điều trị, vi khuẩn có thể lan vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​ có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra

Nhiễm khuẩn tiêu hóa

Các bệnh như viêm ruột, viêm dạ dày ruột do vi khuẩn Salmonella, Shigella hoặc E. coli có thể gây sốt. Triệu chứng điển hình gồm sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, mất nước. Một số trường hợp có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu hoặc nhiễm khuẩn huyết nếu không kiểm soát tốt.

Nhiễm khuẩn da và mô mềm

Vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes có thể gây áp xe, nhiễm trùng vết thương hoặc viêm mô tế bào. Bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm vùng da bị sưng, nóng, đỏ, đau, có thể chảy mủ nếu nhiễm trùng nặng.

Nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết)

Nhiễm khuẩn huyết xảy ra khi vi khuẩn từ ổ nhiễm khuẩn lan vào máu, gây phản ứng viêm trên toàn cơ thể. Đây là tình trạng cấp cứu y khoa, với triệu chứng sốt cao, rét run, mệt lả, lơ mơ, huyết áp tụt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng.

Triệu chứng đặc trưng của sốt nhiễm khuẩn ở người lớn

Việc nhận diện sớm các dấu hiệu giúp chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn ở người lớn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có thể gặp những triệu chứng sau:

  • Sốt là dấu hiệu chính của nhiễm khuẩn, thường kéo dài và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường. Người bệnh có thể sốt cao trên 39°C, kèm rét run do co mạch ngoại vi.
  • Cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng để chống nhiễm khuẩn, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, suy nhược. Đau nhức cơ thể cũng thường gặp do sự giải phóng cytokine gây viêm trong quá trình đáp ứng miễn dịch.
  • Nhiễm khuẩn có thể gây đau đầu và chóng mặt do ảnh hưởng đến tuần hoàn và thần kinh.
  • Người bệnh cũng có thể đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt sau các cơn sốt cao. Điều này có thể gây mất nước, rối loạn điện giải nếu không bù nước kịp thời.
Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Tùy vị trí nhiễm khuẩn, người bệnh có thể gặp triệu chứng khác nhau

Ngoài các triệu chứng chung kể trên, tùy theo cơ quan bị nhiễm khuẩn, người bệnh có thể có thêm các dấu hiệu đặc hiệu như:

  • Nhiễm khuẩn hô hấp thường đi kèm triệu chứng ho, khó thở, đau ngực, ho đờm.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, đau vùng hông lưng.
  • Nhiễm khuẩn tiêu hóa có triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
  • Nhiễm khuẩn da xuất hiện cùng tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau tại vùng da bị nhiễm trùng.

Ở giai đoạn nặng, nhiễm khuẩn có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm trùng. Ngoài sốt cao, bệnh nhân còn gặp triệu chứng lơ mơ, hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp. Đây là tình trạng cấp cứu, cần can thiệp y tế ngay để tránh nguy cơ suy đa tạng.

Phân biệt sốt nhiễm khuẩn với sốt do virus và sốt không nhiễm trùng

Việc phân biệt sốt nhiễm khuẩn ở người lớn với sốt do virus và sốt không do nhiễm trùng giúp lựa chọn hướng xử trí phù hợp.

Sốt nhiễm khuẩn

Sốt nhiễm khuẩn thường có khởi phát rõ ràng, liên quan trực tiếp đến các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể như viêm phổi, viêm đường tiết niệu hay áp xe da. Người bệnh có biểu hiện sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc. Bên cạnh sốt, các triệu chứng tại vị trí nhiễm khuẩn (đau nhức vùng viêm, tiểu buốt, ho đờm,...) cũng khá rõ ràng. Đặc biệt, sốt nhiễm khuẩn đáp ứng tốt với kháng sinh phù hợp sau khi được xác định đúng nguyên nhân và vi khuẩn gây bệnh.

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Sốt nhiễm khuẩn khác với sốt do virus và sốt không nhiễm trùng

Sốt do virus

Sốt do virus thường xuất hiện theo từng đợt dịch, chẳng hạn như cúm mùa hay sốt xuất huyết. Người bệnh có thể sốt cao nhưng sốt theo từng cơn, sau đó có thể tự hạ mà không cần dùng kháng sinh. Triệu chứng đi kèm thường là đau mỏi toàn thân, nhức đầu, sổ mũi hoặc phát ban. Sốt do virus không đáp ứng với kháng sinh. Điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, bù nước, hạ sốt và nâng cao sức đề kháng.

Sốt không do nhiễm trùng

Sốt không nhiễm trùng ít gặp hơn, thường liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc rối loạn miễn dịch như cường giáp, sốt do thuốc, ung thư hoặc bệnh tự miễn. Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân, kèm theo các biểu hiện đặc trưng tùy bệnh lý nền. Đối với nhóm sốt không do nhiễm trùng, việc dùng kháng sinh không có tác dụng.

Phương pháp điều trị sốt nhiễm khuẩn ở người lớn

Việc điều trị sốt nhiễm khuẩn ở người lớn cần tập trung vào loại bỏ tác nhân gây bệnh, kiểm soát triệu chứng và theo dõi biến chứng. Kháng sinh là phương pháp điều trị chính trong sốt nhiễm khuẩn. Việc lựa chọn kháng sinh dựa trên vị trí nhiễm khuẩn và kết quả nuôi cấy vi khuẩn. Các nhóm kháng sinh thường dùng bao gồm beta-lactam, macrolide, quinolone, tùy theo tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý dùng kháng sinh để tránh tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn cho điều trị về sau.

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn​: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Sốt nhiễm khuẩn điều trị bằng kháng sinh

Người bệnh có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt, giảm đau theo liều lượng khuyến cáo. Việc bù nước và điện giải rất quan trọng, đặc biệt với trường hợp sốt cao hoặc tiêu chảy. Nên nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, mặc quần áo nhẹ để giúp cơ thể dễ dàng điều hòa nhiệt độ.

Trong một số trường hợp áp xe, nhiễm khuẩn mô mềm, viêm màng trong tim, bác sĩ sẽ dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử. Ngoài ra, cần kiểm soát bệnh nền như tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Đây chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Sốt nhiễm khuẩn ở người lớn không phải lúc nào cũng nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan rất nguy hiểm. Do đó, việc chủ động nhận biết dấu hiệu bất thường, chăm sóc đúng cách và đi khám kịp thời là vô cùng quan trọng. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin