Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Với nhu cầu làm đẹp ngày nay, phương pháp thẩm mỹ bọc răng sứ đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người gặp tình trạng đau sau khi bọc răng sứ trở nên khá lo lắng và có xu hướng tìm phương pháp giải quyết. Vậy nguyên nhân gây đau nhức sau khi bọc răng sứ là gì? Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?

Thực tế, không ít trường hợp gặp phải tình trạng sau khi bọc răng sứ bị đau nhức kéo dài. Điều này gây khó khăn trong việc sinh hoạt và ăn uống. Vì thế, hãy cùng tham khảo bài viết sau để biết bọc răng sứ bị nhức phải làm sao nhé!

Tại sao bị nhức sau khi bọc răng sứ?

Bọc răng sứ là một trong những phương pháp thẩm mỹ phổ biến hiện nay được nhiều bạn lựa chọn với mong muốn khắc phục được những nhược điểm của răng như răng thưa, răng lệch lạc, răng ngả màu, sứt mẻ,... Khi bọc răng sứ, để tăng độ bền, các nha sĩ sẽ tiến hành mài lớp men răng ở xung quanh với một tỷ lệ tiêu chuẩn. Sau đó tiến hành bọc răng sứ giả lên trên phần cùi răng thật. Tỷ lệ mài răng sẽ không vượt quá 2mm. Vì thế sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc của tủy răng và răng. Sau khi hoàn thành quá trình bọc răng sứ, bạn có thể sẽ có cảm giác bị ê buốt, đau nhức trong 1 đến 2 ngày đầu. Nguyên nhân bị nhức sau khi bọc răng sứ có thể là do:

Răng yếu

Trước khi tiến hành phương pháp thẩm mỹ bọc răng sứ, các nha sĩ sẽ khám tổng quát cho bạn về tình trạng của răng. Việc làm này sẽ xuất phát hiện được bạn có bị mắc các vấn đề gì về nướu hoặc răng hay không. Nếu như nền răng của bạn yếu, tình trạng ê buốt hay đau nhức sau khi bọc răng sứ có thể xảy ra.

Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao 1
Nền răng yếu có thể gây đau buốt sau khi bọc răng sứ

Nướu răng chưa kịp thời thích nghi

Khi các nha sĩ tiến hành lắp mão răng sứ, nướu răng của bạn sẽ nhạy cảm hơn. Vì thế mà có thể xuất hiện cảm giác đau nhức. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, nướu sẽ thích nghi và bạn cũng sẽ không còn cảm giác đau nhức hay ê buốt nữa.

Lệch khớp cắn

Lệch khớp cắn trong khi thực hiện lắp răng sứ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây đau nhức. Cụ thể, nếu như thao tác nắn chỉnh khớp cắn của nha sĩ không đúng chuẩn sẽ làm răng sứ bị nhô cao hơn so với bình thường hoặc bị lệch đi so với răng đối diện. Điều này sẽ khiến lực nhai của bạn dồn về phía răng sứ, gây vướng cộm và có cảm giác đau nhức ở thái dương hàm. Nếu tình trạng ê buốt, đau nhức này không được điều trị kịp thời có thể sẽ làm ảnh hưởng đến cấu trúc của răng thật.

Viêm tủy chưa điều trị dứt điểm

Nếu răng của bạn bị viêm tủy nhưng không được điều trị dứt điểm và không được phát hiện trước khi tiến hành bọc răng sứ có thể sẽ khiến răng hoại tử và tác động lên dây thần kinh gây tình trạng đau nhức và sưng kéo dài, thậm chí có thể phải nhổ bỏ răng. Tình trạng nhức răng này có thể khiến bệnh nhân mất ngủ, khó chịu và suy nhược cơ thể.

Men răng bị mài nhiều hoặc lắp răng sứ không đúng kỹ thuật

Nếu các nha sĩ tiến hành mài răng sai tỷ lệ hoặc động tác mài răng không đúng chuẩn có thể sẽ khiến men răng bị mài với tỷ lệ vượt quá mức cho phép và đồng thời làm lộ ngà răng. Bên cạnh đó, nếu răng sứ không khít với nướu sẽ làm bám lại các mảng thức ăn. Từ đó gây viêm và đau nhức kéo dài.

Mắc bệnh lý về răng miệng

Bọc răng sứ có thể bị đau bởi các vấn đề liên quan đến răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng,... nếu tình trạng sâu răng không được các nha sĩ nạo sạch vết sâu trước khi tiến hành bọc răng sứ có thể sẽ khiến vi khuẩn tấn công nhiều hơn vào tủy răng gây tình trạng viêm tủy hoặc nặng hơn có thể hình thành áp xe răng. Khi viêm nha chu, nướu răng có xu hướng sẽ tụt khỏi vị trí chân răng, không giữ chắc răng ở cung hàm. Vì thế, việc không điều trị sớm có thể sẽ làm giảm tuổi thọ của những chiếc răng sứ hoặc nặng hơn có thể mất luôn cả răng thật.

Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao 2
Nếu tình trạng sâu răng không được điều trị trước khi bọc răng sứ có thể gây đau nhức, ê buốt

Thói quen xấu

Thói quen nghiến răng sẽ vô tình làm cho những răng đối diện tác động mạnh lên răng sứ, khiến chúng chịu áp lực lớn và gây ra cảm giác ê buốt, đau nhức.

Keo nha khoa rò rỉ

Nếu bạn vô tình thực hiện bọc răng sứ ở cơ sở nha khoa không có các máy móc thiết bị đạt chuẩn có thể sẽ mắc tình trạng keo nha khoa rò rỉ ra ngoài và làm bạn cảm giác ê buốt hoặc có thể rơi răng sứ.

Vật liệu của răng sứ không tốt

Nếu răng sứ của bạn được làm bằng chất liệu không đảm bảo, không có nguồn gốc rõ ràng có thể sẽ không đảm bảo được tính dẫn nhiệt. Từ đó có thể ảnh hưởng xấu đến răng thật của bạn khi ăn thực phẩm lạnh hay nóng và gây tình trạng đau nhức, ê buốt cho răng.

Chế độ ăn không phù hợp

Sau khi bọc răng sứ, nếu bạn ăn đồ quá cứng hay day có thể sẽ khiến răng ê buốt, đau nhức. Bên cạnh đó, nếu không vệ sinh răng miệng sau khi ăn, cũng có thể tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng xấu đến răng.

Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?

“Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?” là thắc mắc của nhiều bạn gặp tình trạng đau nhức, ê buốt răng sau khi thực hiện mọc răng sứ. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn giảm tình trạng khó chịu này:

Dùng thuốc giảm đau

Sử dụng các thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen có thể sẽ giúp bạn giảm cơn đau răng sau khi bọc răng sứ. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh việc lạm dụng quá nhiều gây nhờn thuốc hoặc dùng quá liều có thể gây hại cho sức khỏe.

Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao 3
Thuốc giảm đau có thể giúp bạn giải đáp "Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?"

Chườm đá lạnh

Chườm đá lạnh cũng là một giải pháp giảm đau hiệu quả. Bạn có thể cho các viên đá vào một chiếc khăn mềm và chườm lên vùng răng bị đau. Lưu ý không được chườm trực tiếp lên vị trí của răng sứ vì việc làm này có thể khiến cảm giác ê buốt và đau nhức càng nặng hơn.

Sử dụng hàm bảo vệ

Nếu tình trạng nghiến răng gây ra cảm giác đau sau khi bọc răng sứ, bạn có thể dùng hàm bảo vệ để tránh tình trạng những răng khác va chạm vào răng sứ vừa bọc.

Súc miệng với nước muối

Nước muối có thể giúp làm sạch các chất nhờn bám xung quanh răng sứ và loại bỏ các vi khuẩn. Từ đó làm giảm cảm giác đau nhức.

Đến khám tại nha khoa

Nếu tình trạng đau nhức sau khi bọc răng sứ kéo dài, bạn nên đến nha khoa uy tín để các nha sĩ giải đáp được thắc mắc “bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?”.

Những điều cần lưu ý sau khi thẩm mỹ bọc răng sứ

Để không phải tìm cách giải quyết cho vấn đề “bọc răng sứ bị nhốt phải làm sao?”, bạn nên lưu ý chăm sóc răng miệng như sau:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải phù hợp có lông mềm và thực hiện chải nhẹ nhàng để loại bỏ những mảng bám trên răng đồng thời ngăn ngừa hôi miệng.
  • Vệ sinh răng miệng với nước súc miệng và chỉ nha khoa.
  • Sau khi bọc răng sứ, trong thời gian đầu, bạn nên tránh thức ăn dai, cứng, đồ ăn lạnh, nóng hoặc thực phẩm chứa nhiều axit. Nên cắt nhỏ thức ăn và chờ thức ăn nguội và thưởng thức.
  • Nên cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo mảng bám và vôi răng không ảnh hưởng đến chân răng bọc sứ.
Bọc răng sứ bị nhức phải làm sao 4
Nên cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần 

Việc bọc răng sứ đang ngày càng phổ biến với nhu cầu làm đẹp, đặc biệt là đối với những bạn trẻ. Nếu bạn đang phân vân “bọc răng sứ bị nhức phải làm sao?”, nên tham khảo những cách vừa được chia sẻ ở trên. Tuy nhiên, nếu như tình trạng đau nhức, ê buốt vẫn kéo dài, nên tìm đến các nha sĩ tại những nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Răng sứ Titan có mấy loại? Một số thông tin về răng sứ Titan

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin