Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bụi mịn và thuốc lá có độc hại như nhau không?

Ngày 07/10/2019
Kích thước chữ

Bụi mịn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến tất cả mọi người và là nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không truyền nhiễm đứng hàng thứ hai, chỉ xếp sau hút thuốc lá. Vậy bụi mịn là gì? Bụi mịn và thuốc lá có độc hại như nhau không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Bụi mịn gây ô nhiễm không khí, khiến bệnh tim và  bệnh phổi nặng hơn, các triệu chứng hô hấp gia tăng, góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và người già. Thế nhưng bụi mịn là gì? Bụi mịn và thuốc lá có độc hại như nhau không?

Bụi mịn là gì?

Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như khí thải của phương tiện giao thông, hoạt động của nhà máy, xây dựng, sinh hoạt đun nấu trong gia đình, từ khói thuốc lá…

Khi tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn đến mắt, mũi, họng và phổi gây ra ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguy hiểm hơn, bụi PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan…

Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính… Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, với cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn. Trẻ nào càng sống gần mặt đường, gần các công trình xây dựng nguy cơ bệnh hô hấp cao từ 19-25% so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó phát triển chiều cao toàn diện nếu liên tục sống trong môi trường ô nhiễm không khí.

bui-min-la-gi-bui-min-va-thuoc-la-co-doc-hai-nhu-nhau-khong-1Bụi mịn có kích thước nhỏ hơn cả sợi tóc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Bụi mịn và thuốc lá có độc hại như nhau không?

Xét về phương diện không khí, một người hít thở lượng không khí có nồng độ 21,6 microgram bụi PM2,5/m3 sẽ phải chịu hậu quả về sức khỏe như hút một điếu thuốc lá mỗi ngày. Tại Hà Nội, con số này có lúc lên đến 10 điếu.

Berkeley Earth là tổ chức phi lợi nhuận độc lập có trụ sở tại Berkeley, California, Mỹ. Tổ chức này chuyên phân tích dữ liệu cho ngành khoa học khí hậu. Theo Berkeley Earth, việc hít thở bầu không khí có mức độ ô nhiễm bụi mịn 21,6 microgram bụi PM2,5/m3 một ngày có tác hại tương đương với việc hút một điếu thuốc lá/ngày.

Berkeley Earth từng xác định ô nhiễm không khí ở thành phố Hàm Đan tại Trung Quốc vào khoảng 120 microgram bụi PM2,5/m3 . Điều đó có nghĩa là hít thở bầu không khí tại Hàm Đan một ngày có tác dụng xấu đến sức khỏe tương đương việc hút 5,5 điếu thuốc trong ngày đó. 

Theo ứng dụng AirVisual, ô nhiễm không khí tại Hà Nội vào 6h ngày 30/9 ở một số địa điểm lên đến 215,4 microgram bụi PM2,5/m3. Điều này có nghĩa nếu thở lượng không khí này trong một ngày tương đương hút 10 điếu thuốc lá. Khi chỉ số ô nhiễm ở Bắc Kinh lên đến 550 microgram bụi PM2,5/m3, việc hít thở bầu không khí thủ đô Trung Quốc trong một ngày tương đương hút 25 điếu thuốc/24 giờ.

Lưu ý, đó là chỉ số ở thời điểm cao nhất. Nếu trung bình chỉ số này ở mức 100-150 microgram bụi PM2,5/m3 vào những ngày ô nhiễm, mỗi người sống tại Hà Nội hít thở không khí tương đương hút 4,6-7 điếu thuốc lá/ngày.

Tại TP.HCM, lượng bụi đo được từ ứng dụng AirVisual cũng dao động mức 30-100 microgram bụi PM2,5/m3. Điều này có nghĩa mỗi người sống tại TP.HCM cũng bị tác động đến sức khỏe tương tự việc hút 1-5 điếu thuốc lá mỗi ngày.

Các hạt bụi mà thông thường chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Riêng các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Khi chúng ta hít vào phổi, bụi mịn sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Trong đó, những người dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này là người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

bui-min-la-gi-bui-min-va-thuoc-la-co-doc-hai-nhu-nhau-khong-2Bụi mịn và thuốc lá đều độc hại và gây nguy hiểm đến sức khoẻ

Chúng ta phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Bụi mịn PM2.5 và khói độc tràn lan những ngày gần đây tại TP.HCM và Hà Nội, loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp "sương mù", giảm tầm nhìn.

Vì vậy, nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi. Người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.

Bên cạnh đó, để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày.

Song song với đó, cần phải phủ xanh môi trường sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người, cộng đồng. Nếu không cần thiết thì hãy tránh xa các nguồn gây ô nhiễm không khí, khi ra đường thì hãy đeo khẩu trang.

bui-min-la-gi-bui-min-va-thuoc-la-co-doc-hai-nhu-nhau-khong-3Nếu không cần thiết thì hãy tránh xa các nguồn gây ô nhiễm không khí

Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao hệ thống miễn dịch bằng cách lên kế hoạch ăn uống với khẩu phần ăn giàu chế độ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây giàu vitamin...để giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, giúp cơ thể có thể chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxy cho tế bào.

Nhân Tâm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin