Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em

Ngày 19/05/2022
Kích thước chữ

Buồn nôn và nôn là tác dụng không mong muốn của những phương pháp điều trị ung thư trẻ em. Nếu không kiểm soát được buồn nôn và nôn ở trẻ, có thể gây ra những hiện tượng như: Mất nước, thay đổi hóa học trong cơ thể, thay đổi tinh thần, mất cảm giác ngon miệng và suy dinh dưỡng… Do đó, buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em phải được kiểm soát nhằm giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Phương pháp hóa trị hoặc liệu pháp sinh học có thể gây kích ứng dạ dày và kích hoạt trung tâm trong não làm cho trẻ buồn nôn và nôn. Buồn nôn và nôn có thể xảy ra khoảng vài giờ ngay sau khi điều trị hoặc đối với một số trẻ sẽ muộn hơn một vài ngày sau khi điều trị.

Bên cạnh đó, không phải tất cả những loại thuốc hóa trị và sinh học nào cũng đều gây ra buồn nôn ở trẻ. Thậm chí, tần suất và thời gian nôn xảy ra phụ thuộc rất nhiều vào loại thuốc và liều lượng sử dụng.

Buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em1 Buồn nôn và nôn có thể là do tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư

Buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em

Khi một bệnh nhân nhi có thể cảm thấy buồn nôn và có hoặc không nôn mửa đi kèm, bạn hãy nói cho bác sĩ hoặc y tá biết. Nếu hóa trị là nguyên nhân thì triệu chứng buồn nôn có thể xảy ra vào ngày đứa trẻ được điều trị và có thể kéo dài trong một vài ngày. Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc rất nhiều vào loại thuốc trẻ sử dụng. Xạ trị vào bụng, ngực, não, hoặc xương chậu có thể gây ra buồn nôn kéo dài trong vài giờ. Buồn nôn và nôn có thể xuất hiện từ nhiều nguyên nhân khác nữa.

Có những loại thuốc có thể kiểm soát được những vấn đề này rất tốt. Thuốc nên được uống theo một thời gian biểu đều đặn trong ngày (sáng hoặc tối) và theo kê đơn của bác sĩ. Nếu một loại thuốc nào đó không có tác dụng với trẻ, bác sĩ hoặc y tá có thể kê cho bạn một loại khác. Bạn có thể phải thử vài lần để có thể tìm ra được loại thuốc tốt nhất cho con của bạn.

Buồn nôn và nôn có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể là những nguyên nhân dưới đây:

  • Bệnh nhân sử dụng số loại thuốc hóa trị.
  • Trẻ sử dụng một số loại thuốc điều trị sinh học.
  • Trẻ xạ trị vào vùng ngực, dạ dày hoặc vùng lưng, não, xương chậu…
  • Trẻ bị đau do khối u.
  • Một số trẻ lo lắng nhiều cũng dẫn đến buồn nôn.
  • Trẻ bị táo bón.
  • Vị trí của khối u ung thư.
  • Một số loại thuốc như thuốc giảm đau chứa opioid.
  • Thuốc gây mê trong phẫu thuật ung thư cũng gây buồn nôn.
  • Mức độ bất thường của các chất điện giải - khoáng chất trong máu.
  • Lượng đường trong máu cao đột ngột.
  • Trẻ có vết thương bị nhiễm trùng hoặc các bệnh khác.
Buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em2 Một số loại thuốc hóa trị có thể làm cho trẻ buồn nôn và nôn

Nên làm gì khi con của bạn thấy buồn nôn và nôn?

Nếu con bạn cảm thấy buồn nôn và nôn, dưới đây là một số điều bạn có thể làm:

  • Nếu trẻ nôn, bạn nên khuyến khích con uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Con của bạn có thể nhâm nhi nước lọc, nước ép trái cây, nước uống tăng lực trong thể thao, nước trái cây và các chất lỏng chứa lượng calo không màu khác trong suốt cả ngày. Các loại nước mát trong như nước, chanh, nước mát… thường tốt hơn so với nước nóng. Kem cũng là cách tốt để có giúp trẻ nạp chất lỏng vào cơ thể.
  • Khi những triệu chứng nôn và buồn nôn đã dừng lại, bạn hãy khuyến khích trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, chẳng hạn như súp, cháo, cháo ngũ cốc.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn mát thay vì thức ăn nóng hoặc thức ăn cay.
  • Nếu con của bạn cần nghỉ ngơi, hãy giúp con ngồi dậy hoặc ngả mình với đầu được kê cao trong vòng ít nhất một giờ sau khi ăn.
  • Thử cho trẻ ăn các loại thức ăn nhạt, mềm, dễ tiêu hóa trong những ngày trẻ được điều trị theo lịch trình.
  • Hướng dẫn con bạn biết sử dụng nước súc miệng trước và sau bữa ăn.
  • Trẻ lớn hơn có thể thử ngậm kẹo cứng như kẹo bạc hà hoặc kẹo chanh nếu con vẫn còn bị có mùi hôi, mùi khó chịu trong miệng.
  • Sau khi trẻ nôn, giúp cho trẻ súc miệng và đợi nửa tiếng đồng hồ trước khi trẻ thử ăn.
  • Ngay cả khi trẻ không thể ăn được, hãy cố gắng uống ít nhất 8 đến 10 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước.
  • Ăn mỗi lần một lượng thức ăn nhỏ. Ăn chậm và nhai kĩ.
  • Thở chậm và thở sâu bằng miệng đôi khi giúp cảm giác buồn nôn qua đi.
  • Nên mở cửa sổ hoặc đi ra ngoài nếu đủ sức khỏe để hít thở không khí trong lành.
  • Khi cảm thấy buồn nôn có thể đánh lạc hướng trẻ bằng các hoạt động như: Đọc truyện, sách, nghe nhạc, chơi game, xem ti vi… hoặc làm theo sở thích cá nhân.
  • Cố gắng nghỉ ngơi hợp lý.
  • Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung vitamin vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
  • Đặc biệt khi muốn nôn, nên đỡ trẻ ngồi dậy, nhằm tránh chất nôn tràn xuống phổi.
  • Một số trường hợp nặng hơn, phụ hunh có thể tham vấn ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống nôn.
Buồn nôn và nôn trong ung thư trẻ em3 Nên cho trẻ uống đủ lượng nước cần để tránh mất nước

Không nên làm gì khi con của bạn cảm thấy nôn và buồn nôn?

  • Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có mùi nồng, tanh… dễ làm triệu chứng nôn của trẻ trầm trọng hơn.
  • Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn quá ngọt, nhiều dầu mỡ, chiên rán, nhiều gia vị chẳng hạn như các món tráng miệng nhiều đường và khoai tây chiên, bơ thực vật, thịt đỏ, phô mát…
  • Không nên ăn trong một căn phòng quá nóng, bí, hoặc trong một căn phòng kín có mùi thức ăn hoặc các mùi khác để giúp giảm tình trạng nôn ói ở trẻ.
  • Không nên uống nước trong các bữa ăn nhưng nên uống nhiều nước giữa các bữa ăn.
  • Không nên nằm xuống ngay sau khi ăn xong dù mệt mỏi mà hãy ngồi hoặc tựa đầu lên cao.

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Khi trẻ buồn nôn và nôn có những dấu hiệu dưới đây, phụ huynh hoặc người chăm sóc cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Trẻ đau hoặc rất đau ở bụng.
  • Nôn ra máu.
  • Bã nôn giống như bã cà phê.
  • Trẻ chóng mặt, đặc biệt khi di chuyển đứng lên.
  • Trẻ ít đi tiểu.
  • Nước tiểu trẻ sẫm màu.
  • Giảm nhiều hơn 2 kg trong một tuần hoặc 4 – 5 kg trong vòng một tháng.
  • Trẻ không thể uống nước.
  • Trẻ nôn nhiều hơn 2 lần mỗi ngày.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm