Đau bụng buồn nôn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách can thiệp
Ngày 26/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Vì sao đau bụng buồn nôn xảy ra cùng lúc và làm thế nào để can thiệp hiệu quả đối với tình trạng này? Đó là những nội dung chính được phân tích chi tiết trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Khi bị đau bụng buồn nôn, bạn hãy xác định nhanh vị trí, đánh giá mức độ để dự đoán qua về vấn đề đang gặp phải. Nếu các triệu chứng xuất hiện rầm rộ, biểu hiện cấp tính và mỗi lúc một nặng hơn thì hãy thăm khám ngay để loại trừ rủi ro không đáng có.
Triệu chứng điển hình
Đau bụng buồn nôn là hai triệu chứng xuất hiện đồng thời và điển hình nhất trong trường hợp này. Ngoài ra bạn cũng có thể bắt gặp một vài dấu hiệu khác như:
Ợ hơi, ợ chua hoặc ợ nóng;
Chuột rút;
Căng tức vùng bụng;
Nhu động ruột thay đổi;
Đau rút vùng thắt lưng;
Tiêu chảy hoặc đi táo.
Nguyên nhân gây đau bụng buồn nôn
Đau bụng buồn nôn có thể do ăn uống, sinh hoặt sai cách hoặc do các bệnh lý gây ra.
Ăn uống sai cách
Ăn với lượng quá nhiều hoặc quá ít có thể tác động tiêu cực đến chức năng tiêu hóa của dạ dày và ruột. Từ đó dẫn đến tình trạng kích thích niêm mạc, tăng cường co thắt và gây ra và tình trạng đau bụng, buồn nôn.
Ăn với tâm lý không thoải mái, thường xuyên căng thẳng. Ăn quá nhanh khiến thức ăn chưa được làm nhỏ kỹ, chưa thấm đều dịch tiêu hóa nên làm xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, đau bụng, buồn ói.
Chế độ ăn thiếu lành mạnh, dùng nhiều thực phẩm có tính axit, ăn nhiều đồ chiên rán, các loại thịt đỏ nên gây áp lực lên các cơ quan tiêu hóa.
Mắc bệnh lý
Viêm loét dạ dày là nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng kèm theo tình trạng buồn ói, nôn mửa. Ngoài triệu chứng trên, người bệnh còn bị nóng rát, đau vùng thượng vị, ợ hơi, chán ăn,...
Người mắc hội chứng ruột kích thích bị rối loạn nhu động ruột nên rất dễ bị quặn bụng, đầy hơi, nôn hoặc buồn nôn.
Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, dịch vị sẽ di chuyển ngược dòng nên người bệnh cảm thấy nôn nao, khó chịu và đau rát vùng bụng trên.
Viêm ruột có thể gây đau ở mọi điểm trong vùng bụng, đặc biệt là viêm đại tràng. Khi tổ chức này bị tổn thương, viêm nhiễm thì nhu động ruột sẽ tăng lên, từ đó làm phát sinh triệu chứng quặn bụng, buồn nôn.
Liệt dạ dày là bệnh lý hiếm gặp nhưng cũng là nguyên nhân không thể loại trừ khi bị đau bụng, buồn nôn. Khi đó hoạt động co bóp của bao tử sẽ bị bất hoạt, không thể đẩy thức ăn xuống tá tràng như bình thường. Hệ quả là ăn nhanh no, dễ gây đầy bụng, nôn ói.
Khi bị khó tiêu, bạn cũng thường bị đau bụng từ nhẹ đến nặng kèm theo tình trạng buồn nôn. Nguyên nhân chủ yếu do ăn các thực phẩm khó hấp thu, đồ ăn lạ hoặc thức uống có tính axit mạnh. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian chóng vánh và có thể can thiệp hiệu quả theo nhiều cách.
Đau bụng đi kèm buồn nôn cũng có thể do táo bón gây ra. Khi bạn đi ngoài ít hơn 3 lần mỗi tuần, chất thải không tống ra ngoài nên việc tiêu hóa, dung nạp nguồn dưỡng chất mới gặp nhiều khó khăn. Bụng thường đau, ì ạch khó chịu. Áp lực tăng lên ở dạ dày và ruột non nên buồn nôn là hệ quả rất dễ xảy ra.
Viêm đường tiết niệu dễ gây đau bụng dưới, cùng với đó là triệu chứng buồn nôn từ nhẹ đến vừa. Nếu bạn vừa đau bụng, vừa buồn nôn đi kèm tiểu rắt, tiểu khó thì hãy xem xét đến nguyên nhân này.
Các bệnh lý viêm phụ khoa như viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung, u nang, u xơ,... rất dễ gây đau bụng, buồn nôn đi kèm tiêu chảy. Các triệu chứng này rất giống với viêm ruột hay rối loạn tiêu hóa. Vậy nên người bệnh có thể bỏ sót nguyên nhân nói trên.
Sự hình thành sỏi mật/sỏi thận sẽ gây cọ xát lên các mô mềm, làm tắc đường đi của nước tiểu, dịch mật. Chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng triệu chứng đau bụng, đau thắt lưng, buồn nôn,...
Ngoài những nguyên nhân thường gặp nói trên thì đau bụng, buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, ruột, tụy,...). Vậy nên việc thăm khám sớm ngay khi xuất hiện các triệu chứng là điều rất có ý nghĩa trong chẩn đoán phân biệt và điều trị bệnh.
Phương hướng can thiệp
Thay đổi lối sống và xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh
Đối với những trường hợp bị buồn nôn, đau bụng do ăn uống thiếu hợp lý. Nếu triệu chứng nhẹ thì việc sử dụng thuốc là không cần thiết. Lúc này bạn chỉ cần thay đổi lối sống, chế độ ăn thì các dấu hiệu trên sẽ thuyên giảm ngay. Cụ thể như sau:
Giữ cho tâm lý được bình ổn, thư giãn, thoải mái. Tránh xa những tác nhân gây căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu.
Làm bạn với tập luyện, đảm bảo duy trì đúng tần suất, nhịp độ để cơ thể luôn dẻo dai, khỏe mạnh.
Ăn chậm rãi, nhai kỹ, chia làm nhiều bữa nhỏ thay vì dùng một bữa lớn mỗi lần.
Tránh xa điện thoại, ti vi, máy tính khi dùng bữa, tập trung cao độ trong mỗi bữa ăn.
Nói không với đồ chế biến sẵn, thực phẩm có tính cay, nóng gây bào mòn niêm mạc đường tiêu hóa. Đưa bia, rượu, nước ngọt có gas,... vào danh sách loại trừ.
Không ăn quá no, không dùng bữa khi đang cảm thấy căng thẳng, khó chịu.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và đưa vào chế độ dinh dưỡng nhiều loại rau củ quả, cá béo, thịt trắng,...
Sau khi dùng bữa nên ngồi nghỉ ngơi tối thiểu 30 phút. Không hoạt động mạnh, không làm việc và tránh nằm sau khi ăn.
Dùng thuốc điều trị bệnh
Trong trường hợp đau bụng, buồn nôn do bệnh lý cấp và mạn tính thì tùy vào từng vấn đề sức khỏe cụ thể mà bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa lên phác đồ đích.
Đối với mỗi bệnh lý, căn cứ vào tình trạng nặng nhẹ mà bác sĩ có thể kê thuốc điều trị tại nhà (trào ngược, khó tiêu, ruột kích thích, táo bón, viêm dạ dày, viêm đại tràng,...) hoặc điều trị nội trú tại bệnh viện với nhiều phương pháp can thiệp phức tạp hơn (liệt dạ dày, sỏi mật, sỏi thận,...).
Tuy nhiên kể cả khi được điều trị đích thì người bệnh vẫn cần phải phối hợp với việc điều chỉnh lối sống, chế độ ăn để ngăn ngừa nguy cơ vấn đề sức khỏe nói trên sẽ quay trở lại một lần nữa.
Trên đây tổng hợp các triệu chứng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau bụng buồn nôn và phương hướng can thiệpcho từng trường hợp cụ thể. Sau cùng, chúc bạn tìm thấy những thông tin bổ ích trong bài viết này và có thể nhận diện, xử trí nhanh khi tình huống xảy ra! Trân trọng!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Đã kiểm duyệt nội dung
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.