Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn?

Ngày 06/01/2025
Kích thước chữ

Không khí ô nhiễm là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người, gây ra hàng loạt vấn đề từ hô hấp, tim mạch đến thần kinh. Một trong những phản ứng thường gặp nhưng ít được chú ý là buồn nôn khi hít phải không khí chứa các chất độc hại. Hiện tượng này là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị kích thích và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường sống. Vậy tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn?

Ô nhiễm không khí có thể gây kích thích đường hô hấp và dẫn đến nhiều triệu chứng, trong đó có buồn nôn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Public Health cho thấy, việc tiếp xúc ngắn hạn với không khí ô nhiễm cũng có thể gây ra đau đầu, buồn nôn và chóng mặt. Những vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tiếp xúc kéo dài.

Buồn nôn do ô nhiễm không khí là hiện tượng phổ biến mà nhiều người gặp phải. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn trong bài viết dưới đây.

Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn?

Ngay sau đây là những thông tin giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn?"

Hít phải khí độc hại

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí American Thoracic Society, việc hít thở không khí ô nhiễm có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến đường hô hấp và phổi, làm suy giảm chức năng của hệ hô hấp. Các chất gây ô nhiễm như carbon monoxide, sulfur dioxide và nitơ dioxide có trong không khí có thể khiến đường hô hấp bị kích ứng.

 Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn? 1
Hít thở không khí bị ô nhiễm có nguy cơ gây tổn thương đường hô hấp

Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho biết, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra buồn nôn do ô nhiễm không khí. Đây là nhóm hợp chất có áp suất hơi cao và ít tan trong nước. Chúng thường phát sinh từ lốp xe, khí thải từ động cơ ô tô hoặc khí thải công nghiệp. Khi hít phải, VOC có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây chóng mặt và buồn nôn.

Các hạt vật chất (PM)

Vật chất dạng hạt là tập hợp các hạt rắn siêu nhỏ và các giọt chất lỏng lơ lửng trong không khí. Những hạt này, đặc biệt là các hạt có kích thước dưới 10 micromet, có thể dễ dàng đi vào hệ hô hấp, gây viêm phổi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến buồn nôn. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nanomaterials cho thấy, tiếp xúc với PM có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như kích ứng mắt, mũi, da và cổ họng, kèm theo các triệu chứng như khó thở, ho, tức ngực và thở khò khè.

 Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn? 2
Tiếp xúc với hạt vật chất (PM) là một trong những nguyên nhân dẫn đến buồn nôn

Tiếp xúc với ôzôn

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, khi ôzôn kết hợp với các chất ô nhiễm khác, nó tạo thành sương mù quang hóa – một trong những loại ô nhiễm ít được kiểm soát nhưng nguy hiểm nhất tại Hoa Kỳ. Sương mù này có thể gây kích ứng mắt, làm tổn thương niêm mạc mũi và họng, gây cảm giác buồn nôn và khó chịu.

Nên làm gì để bảo vệ sức khỏe trước không khí bị ô nhiễm?

Để bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, ngành Y tế đưa ra khuyến nghị như sau:

Đối với người dân

Bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Theo dõi thường xuyên tình trạng chất lượng không khí qua các kênh thông tin chính thức từ Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương.
  • Hạn chế ra ngoài, tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời khi không khí ở mức ô nhiễm nặng. Khi ra ngoài, nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn và đeo đúng cách để đảm bảo che kín, khít mặt.
  • Vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng và tối, đặc biệt sau khi đi ra ngoài.
  • Rửa mắt với nước muối sinh lý trước khi đi ngủ vào buổi tối.
  • Người hút thuốc nên giảm hoặc từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Người không hút thuốc nên tránh xa khu vực có khói thuốc.
  • Đóng cửa sổ và cửa ra vào khi không khí ô nhiễm, nhất là tại các gia đình gần đường lớn hoặc khu vực có mức độ ô nhiễm cao.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đảm bảo môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ.
  • Giảm thiểu hoặc thay thế bếp than tổ ong, bếp củi, rơm rạ bằng các loại bếp hiện đại như bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.
  • Trồng thêm cây xanh trong và xung quanh nhà để giảm bụi và thanh lọc không khí.
 Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn? 3
Hạn chế ra ngoài hoặc làm việc ngoài trời khi không khí ở mức ô nhiễm nặng

Đối với người mắc bệnh hô hấp, tâm phế mạn tính, tim mạch, suy dinh dưỡng, người cao tuổi và yếu sức

Đây là những đối tượng cần đặc biệt chú ý:

  • Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa đã đề ra.
  • Hạn chế ra ngoài, đặc biệt là khi môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
  • Thực hiện đầy đủ và duy trì phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khó chịu hoặc bệnh tiến triển nặng, cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ngay lập tức.
  • Khi mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi-phế quản hoặc các bệnh lý tim mạch, cần đi khám và điều trị sớm tại cơ sở y tế.
  • Tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch của cơ thể.
 Tại sao hít không khí ô nhiễm có thể gây buồn nôn? 4
Nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch của cơ thể để phòng bệnh

Buồn nôn do hít phải không khí ô nhiễm là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước các chất độc hại, giúp cảnh báo về sự nguy hiểm của môi trường xung quanh. Để giảm thiểu tình trạng này, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không khí ô nhiễm nặng và tăng cường trồng cây xanh. Việc nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường là chìa khóa giúp giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin