Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bướu cổ ở phụ nữ mang thai và những điều cần lưu ý

Ngày 14/08/2022
Kích thước chữ

Phụ nữ có thai khi bị bướu cổ sẽ rất lo lắng vì không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và thai nhi hay không. Dưới đây là những thông tin cần lưu ý về bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai.

Bướu cổ là tình trạng tổn thương của tuyến giáp khiến phần cổ của chúng ta phình to một cách bất thường. Trong đó nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Đặc biệt là phụ nữ có thai vì hormone HCG tiết ra trong quá trình mang thai có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và hơi to ra. Rất nhiều mẹ bầu lo lắng nếu không may bị bướu cổ trong khi mang thai. Vì vậy hãy cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai qua bài viết dưới đây.

Bệnh bướu cổ là gì?

Bướu cổ hay bướu giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá mức các hormone nội tiết tố tuyến giáp thyroxine bên trong cơ thể. Đây là một bệnh lý thường gặp của tuyến giáp với dấu hiệu dễ thấy nhất là xuất hiện khối lồi lên ở vùng cổ vì sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.

Hiện nay bướu cổ là căn bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong đó phụ nữ đang mang thai cũng có thể mắc phải. Bướu cổ được chia thành 3 loại là bướu cổ đơn thuần, bướu cổ cường giáp và bướu cổ ác tính.

Bướu cổ ở phụ nữ mang thai và những điều cần lưu ý 1 Bướu cổ là bệnh lý phổ biến ở tuyến giáp 

Nguyên nhân gây ra bướu cổ ở phụ nữ mang thai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai như:

  • Do cơ thể thiếu hụt một lượng iod nhất định.
  • Do người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc cản quang, thuốc thấp khớp,... hoặc các loại thức ăn nhanh.
  • Do yếu tố bẩm sinh hay mắc phải bệnh lý tự miễn.
  • Do thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai hoặc cho con bú.

Triệu chứng của bệnh bướu cổ

Tùy vào từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng mà người bị bướu cổ sẽ có ít hay nhiều các triệu chứng. Ở giai đoạn khi bướu nhỏ, bạn sẽ không cảm nhận được nhiều. Nhưng khi bướu bắt đầu phát triển lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản thì sẽ có các biểu hiện như:

  • Cổ bị sưng phồng hẳn lên.
  • Khó nuốt, khi nuốt cảm thấy đau.
  • Bị khàn tiếng.
  • Khó thở, thở dốc.
  • Có cảm giác như cổ họng bị vướng, siết chặt.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng ở thai phụ như: Run tay, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, lồi mắt, suy tim,...
  • Cơ thể mệt mỏi, khô da, căng thẳng, giảm trí nhớ, thường xuyên bị lạnh.
  • Trong trường hợp bướu cổ to nằm ở sau xương ức có thể chèn ép trung thất trên gây phù ở mặt, chóng mặt, ngất…

Những điều cần lưu ý về bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai

Bướu cổ là bệnh lý phổ biến ở tuyến giáp mà có nguy cơ xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Bướu cổ không làm cho bệnh nhân vô sinh nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người phụ nữ bị bướu cổ có cường giáp hoặc suy giáp. Bướu cổ ở phụ nữ mang thai khiến cho nhiều người phải lo lắng vì không biết sức khỏe của người mẹ và thai nhi có bị ảnh hưởng hay không.

Phụ nữ nếu bị bướu cổ vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên quá trình thụ thai sẽ có thể gặp khó khăn bởi tình trạng rối loạn kinh nguyệt và các chức năng khác trong bộ phận sinh dục. Đối với phụ nữ mang thai thì tùy thuộc vào loại bướu cổ mà có thể bị ảnh hưởng ít hay nghiêm trọng đến thai nhi:

  • Nếu phụ nữ mang thai bị bướu cổ đơn thuần, nhân tuyến giáp lành tính thì hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Nếu phụ nữ mang thai bị bướu cổ có cường giáp thì có khả năng sảy thai khá cao. Trẻ khi sinh ra có nguy cơ bị cường giáp giống như mẹ.
  • Nếu phụ nữ mang thai bị bướu cổ có suy giáp thì trẻ khi sinh ra có khả năng bị thiểu năng giáp, chậm phát triển trí tuệ, đần độn.
Bướu cổ ở phụ nữ mang thai và những điều cần lưu ý 2 Bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai cần được theo dõi thường xuyên từ bác sĩ

Trong trường hợp phụ nữ bị bướu cổ có cường giáp hoặc suy giáp ở quá khứ nhưng đã được điều trị hoàn toàn, không có biến chứng sau mổ hoặc phẫu thuật thì vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên trong quá trình mang thai, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Theo lời khuyên của chuyên gia thì phụ nữ đang bị bướu cổ nên đợi sau khi điều trị khỏi hoàn toàn sau 3 tháng rồi mới thụ thai. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu như mang thai ngoài ý muốn trong thời gian điều trị bệnh thì mẹ bầu vẫn có thể giữ lại thai. Nhưng phải thường xuyên đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để có phương án chăm sóc tốt nhất cho thai nhi.

Phụ nữ có thai nên làm gì khi bị bướu cổ?

Phương pháp điều trị

Việc điều trị bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau như: tuổi tác, sức khỏe, tuổi thai, mức độ của bướu cổ,... Hầu hết đối với các trường hợp nhẹ sẽ không phải điều trị. Với những trường hợp nặng hơn, nếu cần thiết thì bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng giáp nhằm giảm hormone tuyến giáp.

Một số thuốc kháng giáp tổng hợp như thyrozol, methylthiouracil (MTU), methimazol, carbimazol, propylthiouracil (PTU) đều có tính độc, có thể gây suy giáp thai nhi. Riêng thuốc propylthiouracil PTU ít vào nhau thai hơn nên mức độ độc thấp hơn. Do đó bác sĩ có thể chỉ định cho mẹ bầu bị bướu cổ dùng PTU nhưng chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực. Quá trình điều trị bướu cổ ở phụ nữ mang thai nhất thiết phải có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Trong trường hợp điều trị nội khoa (thuốc kháng giáp) không mang lại hiệu quả thì có thể chuyển sang điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật bướu cổ. Tuy nhiên phương pháp này ít được áp dụng vì việc mổ liên quan đến gây mê, không tốt cho thai nhi. Bướu cổ khi mang thai cũng không được điều trị bằng xạ trị ( iod - phóng xạ). Vì iod - phóng xạ có thể vào thai, gây phá hủy tuyến giáp của thai nhi dẫn đến suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.

Chế độ ăn uống

Phụ nữ mang thai nếu bị bướu cổ đơn thuần có thể bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hàng ngày để có thể hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của bệnh:

  • Cá biển.
  • Hải sản.
  • Các loại sữa, pho mát.
  • Các loại đậu.
  • Khoai tây.
  • Các loại củ quả có màu vàng và rau xanh sẫm.
Bướu cổ ở phụ nữ mang thai và những điều cần lưu ý 3 Phụ nữ mang thai bị bướu cổ nên bổ sung một số thực phẩm giàu iod 

Chế độ sinh hoạt

Phụ nữ bị bướu cổ khi đang mang thai không nên quá lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Hãy cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái và vui vẻ, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga nhằm tăng sức đề kháng cơ thể. Từ đó giúp khắc phục bệnh một cách hiệu quả hơn.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh bướu cổ ở phụ nữ mang thai. Nếu có phát hiện bất cứ triệu chứng bướu cổ nào thì hãy mau chóng đến bệnh viện thăm khám để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Tuyết Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin