Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bướu cổ ở trẻ em là bệnh gì? Trẻ bị bướu cổ có cần đi khám không?

Ngày 15/07/2022
Kích thước chữ

Bướu cổ trẻ em hiếm gặp hơn người lớn, trong nhóm trẻ đi học bị bướu cổ thì trẻ từ 8 – 10 tuổi chiếm nhiều hơn. Phần lớn bệnh bướu cổ lành tính nhưng nếu bướu quá lớn sẽ gây nuốt vướng, khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của trẻ.

Theo số liệu từ bộ y tế, có khoảng 3% trẻ em trong độ tuổi đi học bị mắc bệnh bướu cổ. Loại bệnh này tuy không hoàn toàn gây nguy hại đến tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của con người. Vì thế, để các bạn nhỏ có thể phát triển toàn diện, bố mẹ cần tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh bướu cổ ở trẻ nhỏ.

Bướu cổ ở trẻ em là loại bệnh gì?

Bướu cổ hay còn gọi là cường giáp, tuyến giáp. Tuyến giáp có cấu tạo khá đơn giản, hình dáng như con bướm, nằm trước cổ, sau khí quản. Chức năng chính của nó là tiết ra các hormone giúp cho cơ thể kiểm soát được quá trình trao đổi chất. Đồng thời, điều chỉnh tốc độ sử dụng năng lượng của các cơ quan trong cơ thể.

Bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 10 tuổi

Bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 10 tuổi

Khi tuyến giáp phải làm việc quá sức, hormon T3 và T4 sẽ tiết ra nhiều hơn. Các loại hormon này cùng với máu di chuyển khắp cơ thể để tác động lên các cơ quan liên đới, gây ra sự rối loạn điều hòa hằng định nội môi của cơ thể và khiến cho cơ thể không kiểm soát được. 

Nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ ở trẻ em

Bệnh bướu cổ ở trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cụ thể bố mẹ cần lưu ý như:

  • Thiếu iot: Là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị mắc bệnh bướu cổ. Bởi thiếu iot khiến cho tuyến giáp phải sử dụng lượng iot hiếm hoi trong cơ thể để tạo ra hormon tuyến giáp. Điều này khiến tuyến giáp phình lên và gây ra bệnh bướu cổ ở trẻ.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Sử dụng các thức ăn chứa chất ức chế hormon tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây bướu cổ ở trẻ em. Các loại thực phẩm như rau họ cải, khoai mì, măng,... là những thực phẩm cần tránh.
  • Gen di truyền: Theo số liệu thống kê, các trẻ em sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị cường giáp thì nguy cơ bướu cổ rất cao.
  • Tác dụng của thuốc: Sử dụng lâu dài các loại thuốc kháng giáp, thuốc trị hen, thuốc trị thấp khớp,... cũng có thể dẫn đến tác dụng phụ, gây bướu cổ.
Khoai lang khoai mì là thực phẩm ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp Khoai lang khoai mì là thực phẩm ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp

Dấu hiệu nhận biết bệnh bướu cổ trẻ em là gì?

Triệu chứng cho thấy bệnh bướu cổ ở trẻ tùy vào kích thước của bướu đang phát triển như thế nào hay là nhân giáp đang trú trong tuyến giáp, ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp của cơ thể.

Khi bị bướu cổ liên quan đến tuyến giáp

  • Biểu hiện của sự suy giáp: Mệt mỏi, trẻ chậm phát triển, thường xuyên bị lạnh.
  • Biểu hiện của bệnh cường giáp: Thường bị đổ mồ hôi, run tay, tim đánh trống ngực, sụt cân.
  • Lồi mắt.
  • Giọng nói khàn hơn.

Khi bị bướu cổ trẻ có các triệu chứng ngay ở vùng cổ

  • Đau cổ họng;
  • Chán ăn vì khó nuốt, nuốt đau;
  • Thở dốc, ho nhiều, khó thở đặc biệt khi nằm.

Triệu chứng bướu cổ ở trẻ em

Triệu chứng bướu cổ ở trẻ em

Bướu cổ trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh bướu cổ ngoài việc ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ nhỏ như:

  • Giảm sút trí nhớ: Đây là vấn đề dễ gặp nhất, nếu phát hiện trẻ hay quên, ngay cả việc vừa mới làm thì cha mẹ cần lưu ý. Bướu cổ nặng sẽ khiến trẻ bị suy giảm trí tuệ.
  • Giọng nói thay đổi: Khi tuyến giáp phình to sẽ chèn lên dây thanh quản. Vì thế, trẻ bị bướu cổ thường thay đổi giọng rõ rệt.
  • Sức khỏe giảm sút: Trẻ thường trong tình trạng mệt mỏi, da xanh xao, không muốn vận động. Đường ruột giảm khả năng hoạt động khiến trẻ bị táo bón.
  • Biến chứng các bệnh tim mạch: Có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim.
  • Nhiễm độc giáp cấp: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất khi trẻ không may bị bướu cổ. Bởi nếu không chữa trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Tình trạng này xảy ra khá đột ngột, đi kèm các triệu chứng như thân nhiệt, tiêu chảy, mê sảng, suy tim và cuối cùng là trụy tim.

Bé thường cảm thấy mệt mỏi khi bị bướu cổ

Bé thường cảm thấy mệt mỏi khi bị bướu cổ

Điều trị bệnh bướu cổ ở trẻ em bằng những phương pháp nào?

Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh bướu cổ ở trẻ em. Nếu phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời có thể ngăn chặn các tình trạng biến chứng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bướu cổ ở trẻ em:

Điều trị bướu cổ trẻ em bằng thuốc kháng giáp

Trẻ sau khi chẩn đoán mắc bướu cổ được dùng các loại thuốc kháng giáp, như methimazole hay propylthiouracil để ngăn ngừa sự sản sinh của hormon tuyến giáp thừa. Dù vậy, không được lạm dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ.

Trẻ bắt đầu cải thiện các triệu chứng như kích ứng mắt, ít tiết mồ hôi sau khi dùng thuốc. Bác sĩ sẽ giảm liều lượng thuốc khi thấy nồng độ hormone tuyến giáp bình thường trở lại. Cách vài tuần, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để đo lượng bạch cầu.

Sử dụng thuốc kháng giáp trong thời kỳ đầu điều trị bướu cổ ở trẻ

Sử dụng thuốc kháng giáp trong thời kỳ đầu điều trị bướu cổ ở trẻ

Sử dụng thuốc chẹn beta

Trẻ có thể sử dụng thêm thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng như nhịp tim không đều, trẻ chịu nhiệt kém, lo lắng, run. Loại thuốc này thường sử dụng bằng đường uống, lưu ý không nên dùng với trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc các vấn đề về tim.

Sử dụng liệu pháp i - ốt phóng xạ để điều trị bướu cổ

Bác sĩ sẽ tính liều lượng i ốt đồng vị phóng xạ cần sử dụng dựa trên kích thước của tuyến giáp. Điều này sẽ được xác định trong khi chẩn đoán bằng siêu âm hoạc xét nghiệm hấp thu i - ốt phóng xạ. Tuy vậy, trẻ cần uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp để tránh bệnh suy giáp. Liệu pháp này vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam.

Phương pháp phẫu thuật điều trị bướu cổ trẻ em

Đây là một trong những phương pháp hiệu quả. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp đối với trẻ không có khả năng điều trị với thuốc. Lưu ý, phẫu thuật có các rủi ro đi kèm nên bố mẹ cần theo dõi để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Phẫu thuật bướu cổ ở trẻ em

Phẫu thuật bướu cổ ở trẻ em

Cách phòng bệnh bướu cổ ở trẻ em như thế nào?

Bệnh bướu cổ bắt nguồn từ bên trong cơ thể nên bố mẹ hầu như không phòng tránh được hoàn toàn cho trẻ nhỏ. Vì thế, bố mẹ cần theo dõi, chăm sóc trẻ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu và có phương pháp điều trị kịp thời. Bố mẹ nên áp dụng biện pháp dưới đây để tránh các rủi ro cho trẻ như:

  • Sử dụng gia vị là muối i - ốt sạch, có thể dùng dầu i - ốt đường tiêm hoặc uống khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Bổ sung thực phẩm giàu i - ốt tự nhiên như khoai tây, bột tỏi, hải sản, phomai, bột nghệ.
  • Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch cho gia đình.
  • Luôn vệ sinh chỗ ở, nhà cửa thường xuyên sạch sẽ.
  • Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám khi phát hiện dấu hiệu bướu cổ.
  • Đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị phòng tránh bướu cổ. Không tự ý thay đổi thuốc hoặc liều dùng mà chưa được sự cho phép từ chuyên gia.

Bướu cổ ở trẻ em là căn bệnh phổ biến gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sự phát triển của trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh cần hết sức chủ động trong việc nhận biết phòng ngừa và tìm cách điều trị cho con khi phát hiện triệu chứng bệnh. Hy vọng, bài viết có thể giúp các ba mẹ hiểu hơn về bệnh bướu cổ ở trẻ. 

Cẩm Thơ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin