Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bướu cổ viêm tuyến giáp và tất cả thông tin về bệnh

Ngày 06/07/2022
Kích thước chữ

Bướu cổ viêm tuyến giáp là bệnh tuyến giáp hay mắc phải. Những triệu chứng như xuất hiện bướu cổ, đau, khó nuốt là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng bệnh này nhé!

Bướu cổ viêm tuyến giáp là cách nói khác của bệnh viêm tuyến giáp. Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Hiện nay bệnh đã có cách điều trị, tuy nhiên, cần phải phát hiện bệnh sớm để được chữa trị kịp thời.

Bướu cổ viêm tuyến giáp là gì?

Bướu cổ viêm tuyến giáp và tất cả thông tin về bệnh 1 Tuyến giáp là bộ phận tạo ra các hormone kiểm soát trao đổi chất

Sở dĩ có nhiều người hay gọi bệnh viêm tuyến giáp là bướu cổ - viêm tuyến giáp bởi bệnh này thường gây sưng ở cổ và gần giống như bướu. Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm nằm ở trước cổ. Nó có nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Viêm tuyến giáp là bệnh lý bao gồm sự thấm nhuận tế bào viêm hoặc mô xơ tại tuyến giáp. Viêm tuyến giáp có thể khiến các hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều hoặc ít. Từ đó nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh 

  • Kháng thể kháng tuyến giáp.
  • Nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus hay bị các vi sinh vật gây bệnh tấn công.
  • Tia bức xạ từ bên ngoài, có thể do xạ trị ung thư hay i ốt phóng xạ.
  • Viêm do tác dụng phụ của thuốc như thuốc Amiodarone, Interferon, Lithium, Cytokine.

Diễn biến bệnh lý viêm tuyến giáp

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn cường giáp. Tình trạng tuyến giáp bị nhiễm độc, bị viêm và tiết ra quá nhiều hormone.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn bình giáp. Sau giai đoạn cường giáp, tuyến giáp có thể ổn định tạm thời trước khi sang giai đoạn suy giáp hoặc có thể trở lại hoàn toàn sau khi bị viêm.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn suy giáp. Tình trạng tuyến giáp không đủ hormone để giải phóng sau một thời gian dài tiết ra quá nhiều hormone.

Những loại bướu cổ viêm tuyến giáp thường gặp

Viêm tuyến giáp cấp tính

Đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm cấp tính do vi trùng sinh mủ. Người bệnh mắc viêm tuyến giáp cấp tính thường gặp những biểu hiện sau:

  • Người bệnh bị sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi.
  • Vùng cổ trước bị đau và sưng, cơn đau nặng có thể lan tới tai hoặc hàm dưới gây khó nuốt, khó nói.
  • Có thể hình thành các vùng áp xe ở vùng tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp bán cấp

Bướu cổ viêm tuyến giáp và tất cả thông tin về bệnh 2 Bệnh bướu cổ viêm tuyến giáp gây đau lan toả ra vùng dưới hàm hoặc kéo lên tai

Viêm tuyến giáp bán cấp được chia thành 2 bệnh lý khác gồm:

Viêm tuyến giáp bán u hạt bán cấp tính: Bệnh gây đau, có thể do virus gây ra. Bệnh thường thứ phát sau khi bị quai bị, sởi, cúm. Biểu hiện của bệnh thường đi qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn cấp tính: Người bệnh bị sốt nhẹ, đau cơ, đau họng. Tuyến giáp bị đau thường là đau một bên. Sau đó cơn đau lan ra vùng dưới hàm hoặc lan lên tai gây khó thở, khó nuốt. Trong giai đoạn này người bệnh hay ra nhiều mồ hôi, sụt cân, tim đập nhanh.
  • Giai đoạn bình giáp: Kéo dài khoảng 1 đến 2 tuần và bắt đầu đến giai đoạn suy giáp.
  • Giai đoạn suy giáp: Người bệnh thường mệt mỏi, táo bón, khô da và khó tập trung. Ngay sau suy giáp thì bệnh bước vào giai đoạn phục hồi. Tuyến giáp co lại, cơn đau không còn và tuyến giáp trở lại trạng thái bình thường.

Viêm tuyến giáp Lympho bào bán cấp tính: Bệnh không gây đau. Bệnh phổ biến ở nữ hơn nam. Nếu tuyến giáp bị viêm không có triệu chứng đau xuất hiện ở phụ nữ sau sinh thì gọi là viêm giáp sau sinh. Người bệnh thường có các biểu hiện sau:

  • Giai đoạn cường giáp: Bướu giáp lan tỏa to, không đau. Người bệnh hay hồi hộp, đánh trống ngực, toát nhiều mồ hôi, sụt cân mặc dù ăn nhiều.
  • Giai đoạn bình giáp: Đây là giai đoạn tuyến giáp dần giải phóng hết lượng hormone của nó. Bướu giáp thu lại.
  • Giai đoạn suy giáp: Sau giai đoạn bình giáp, có khoảng gần 30 đến 40% người bệnh chuyển sang suy giáp. Người bệnh sẽ bị mạch chậm, khả năng chịu lạnh kém và da khô.

Viêm tuyến giáp mạn tính

Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính còn được chia thành hai bệnh lý khác nhau:

  • Bệnh Hashimoto: Đây là bệnh tự miễn do rối loạn hoạt động hệ miễn dịch gây ra. Hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp. Người bệnh thường có các biểu hiện như: Bướu giáp to vừa phải, không đau. Bướu chèn ép vùng cổ gây cảm giác vướng, nuốt nghẹn. Ở giai đoạn bệnh nặng, bệnh nhân có thể sợ lạnh, táo bón và mạch chậm.
Bướu cổ viêm tuyến giáp và tất cả thông tin về bệnh 3 Bệnh Hashimoto sinh ra do các kháng thể hệ miễn dịch tấn công tế bào tuyến giáp
  • Bệnh Riedel: Còn được gọi là viêm giáp xơ hoá xâm lấn. Đây là bệnh hiếm gặp. Các xơ dày làm tuyến giáp bị xơ cứng mà mất dần chức năng. Người bệnh thường có biểu hiện sau: Cổ to ra trong nhiều năm, không đau và dần chèn ép gây khó nuốt, khó thở. Nếu tình trạng xâm lấn lớn thì có thể bị xơ hóa sau màng bụng, trung thất, xơ hoá sau nhãn cầu.

Điều trị và phòng ngừa bướu cổ viêm tuyến giáp

Điều trị

Bệnh nhân có thể phải thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến giáp (T3, T4) trong máu cho kết quả người bệnh mắc loại viêm giáp nào, từ đó bác sĩ có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Nhằm đo nồng độ kháng thể kháng giáp (TPO) hoặc kháng thể kích thích thụ thể tuyến giáp (TRAb).
  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Để kiểm tra tình trạng viêm.
  • Siêu âm: Giúp bác sĩ phát hiện sự tăng trưởng bất thường và mật độ của tuyến giáp. Sự thay đổi của lưu lượng máu.

Viêm cấp tính: Bệnh nhân thường điều trị bằng thuốc kháng sinh. Rạch, dẫn mủ nếu tuyến giáp có dấu hiệu ổ áp xe.

Các dạng viêm khác được điều trị theo giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn cường giáp: Dùng thuốc giảm triệu chứng, thuốc chống viêm Aspirin hoặc Ibuprofen để ngắt cơn đau. Thuốc chẹn Beta để giảm triệu chứng run tay, mồ hôi ra nhiều, tim đập nhanh.
  • Giai đoạn suy giáp: Có thể dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Phẫu thuật thường áp dụng cho người bệnh có bướu giáp to, không trở lại hoàn toàn bình thường như trước.
Bướu cổ viêm tuyến giáp và tất cả thông tin về bệnh 4 Xét nghiệm TSH để kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp

Phòng ngừa

  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh sớm.
  • Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học. Bổ sung nhiều vitamin và chất khoáng để tăng hệ miễn dịch, hạn chế virus, vi khuẩn tấn công cơ thể.
  • Luyện tập thể thao thường xuyên.
  • Tránh để stress, lo âu.
  • Nếu mắc bệnh, phải đi khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bướu cổ viêm tuyến giáp là bệnh lý không thể chủ quan. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường ở cổ họng, bạn phải đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán bệnh. Phòng ngừa bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, hãy duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ bản thân khỏi viêm tuyến giáp.

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.