Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các loại muỗi truyền bệnh là những loại nào?

Ngày 22/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Muỗi là loài côn trùng nhỏ nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Theo thống kê, mỗi năm, có tới hơn 1 triệu người tử vong bởi các bệnh do muỗi gây ra. Vậy các loại muỗi gây bệnh là những loại nào? Làm thế nào để phòng ngừa?

Muỗi là loài động vật nhỏ, với chiều dài chỉ vài mm và nặng tối đa 2,5g. Nhưng loài này lại là tác nhân lan truyền rất nhiều các căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao như sốt xuất huyết, sốt vàng, sốt rét, viêm não Nhật Bản,...

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra không phải loài muỗi nào cũng lan truyền bệnh gây hại cho sức khoẻ con người. Để làm sáng tỏ hơn về điều này, hãy cùng đọc tiếp bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Có bao nhiêu loại muỗi?

Theo nghiên cứu của GS. Steven Sinkins - Nhà nghiên cứu Sinh vật học và Y học Nhiệt đới của Trung tâm Nghiên cứu Virus tại Đại học Glasgow ở Scotland, trên thế giới có khoảng 3.500 loài muỗi. Nhưng chỉ có khoảng 100 loài gây hại và truyền bệnh cho con người.

Mặc dù số lượng muỗi gây hại không nhiều nhưng muỗi vẫn được xếp vào nhóm động vật nguy hiểm nhất hành tinh. Theo thống kê, những loài bệnh do muỗi truyền nhiễm đều là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Hằng năm, số ca tử vong bởi các bệnh truyền nhiễm do muỗi lên tới hơn 1 triệu người.

Các loại muỗi truyền bệnh là những loại nào? 01
Muỗi là loài vật nhỏ bé nhưng cực kỳ nguy hiểm

Riêng bệnh sốt xuất huyết, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết đã tăng tới 30 lần trong 50 năm qua. Mỗi năm, ước tính, có hơn 50 triệu ca mắc mới, 500.000 trường hợp sốt xuất huyết thể nặng phải nhập viện. Tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 1%. Cá biệt ở một vài quốc gia, tỷ lệ này có thể lên tới 3 - 5%.

Các loại muỗi nào gây bệnh?

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có khoảng 100 loài muỗi gây bệnh. Trong đó, có 3 loại muỗi lan truyền nhiều bệnh nguy hiểm nhất gồm:

  • Muỗi Anopheles gây ra bệnh sốt rét, bệnh giun chỉ bạch tuyết.
  • Muỗi Culex gây ra bệnh viêm não Nhật Bản, giun chỉ bạch huyết, virus Tây sông Nile.
  • Muỗi Aedes gây ra bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, viêm não.

Cụ thể đặc điểm từng loại muỗi như sau:

Muỗi Anopheles

Muỗi Anopheles là tác nhân chính gây ra căn bệnh sốt rét nguy hiểm. Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật học, trên toàn thế giới có khoảng 400 loài muỗi Anopheles. Trong đó, có 60 loài có khả năng gây lan truyền bệnh sốt rét. Tại Việt Nam, con số này là 15 loài bao gồm:

  • 3 loài lan truyền bệnh thường xuyên gồm: Anopheles Dirus, Anopheles Minimus và Anopheles Epiroticus.
  • 12 loài lan truyền bệnh phụ gồm: Anopheles Aconitus, Anopheles Jeyporensis, Anopheles Maculatus, Anopheles Sinensis, Anopheles Campestri, Anopheles Subpictus, Anopheles Vagus, Anopheles Indefinitus.

3 loài muỗi lan truyền bệnh thường xuyên phát triển mạnh vào mùa mưa. Loài Anopheles Dirus phân bố chủ yếu ở khu vực rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam. Loài Anopheles Epiroticus tập trung ở khu vực nước lợ từ Phan Thiết trở vào phía Nam. Cuối cùng, loài Anopheles Minimus sinh sống chủ yếu ở khu vực rừng, đồi núi có độ cao dưới 1000m.

Thời gian hoạt động chính của 3 loại muỗi Anopheles Dirus, Anopheles Minimus và Anopheles Epiroticus chủ yếu vào ban đêm. Trong đó, thời điểm muỗi Anopheles Minimus đốt phổ biến từ 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Loài này thường trú ngụ ở tường vách, dụng cụ treo trong nhà, sau tủ, gầm bàn, gần giường, quần áo,... Thời điểm loài Anopheles Dirus hoạt động phổ biến từ 8 đến 12 giờ đêm. Còn loài Anopheles Epiroticus hoạt động đốt máu liên tục suốt đêm.

Muỗi Aedes

Muỗi Aedes (hay tên dân gian là muỗi vằn) là loài trung gian truyền nhiễm căn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), loài muỗi này có đặc điểm nhận dạng như sau: Màu đen; vùng bụng, thân và chân có các khoang đen trắng; vùng ngực có các đốt trắng xếp thành hàng.

Các loại muỗi truyền bệnh là những loại nào? 02
Muỗi vằn Aedes là tác nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm 

Muỗi Aedes sinh sống chủ yếu ở những nơi có ánh sáng yếu như các góc tối trong nhà, chăn màn, dây phơi, quần áo. Loài này đốt người chủ yếu vào thời điểm ban ngày, đỉnh điểm vào sáng sớm và tối.

Muỗi Aedes phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, thời tiết nồm ẩm và nhiệt độ trung bình trên 20 độ C. Bởi vậy, với những vùng thời tiết lạnh, nhiệt độ dưới 20 độ, muỗi vằn gần như không có khả năng hoạt động.

Muỗi Culex

Muỗi Culex là loại gây ra căn bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ở trẻ em trong độ 2 - 8 tuổi. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong và để lại những di chứng nặng nề lên tới 35%. Một vài các di chứng của bệnh như liệt, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, co giật,...

Muỗi Culex tập trung nhiều ở các khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Đặc biệt, những vùng trồng nhiều lúa nước, kết hợp chăn nuôi lợn và khu vực trung du bán sơn địa trồng nhiều hoa quả kết hợp nuôi lợn sẽ là nơi sinh sống yêu thích của loài mỗi này. Muỗi Culex thường hoạt động mạnh vào thời điểm chập tối, phát triển nhiều vào mùa nắng nóng và mưa nhiều.

Làm thế nào để hạn chế muỗi lan truyền bệnh nguy hiểm?

Theo các chuyên gia y tế, nguyên tắc đầu tiên đó là phải tiêu diệt hết lăng quăng, bọ gậy. Những gia đình có các chum, vại đựng nước hoặc trồng cây cảnh cần thường xuyên dọn dẹp, sử dụng các loại thuốc diệt muỗi hoặc cồn y tế để không cho muỗi sinh sôi, nảy nở.

Những gia đình ở gần các ao, mương nước cần phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat và rắc lên các ao nước, mương nước hàng tuần. Với những gia đình ở gần các rãnh nước thải, hãy đổ dầu hoả lên bề mặt rãnh nước để muỗi không thể đẻ trứng.

Các loại muỗi truyền bệnh là những loại nào? 03
Chum nước, ao tù,... là những khu vực sinh sống yêu thích của muỗi 

Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần hạn chế mở cửa vào thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất để tránh muỗi có thể bay vào nhà và trú ngụ tại các góc tối, trên quần áo,... và đốt chúng ta.

Ngoài ra, để phòng chống sự phát triển của muỗi gây bệnh, mọi người có thể sử dụng hương muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo hương muỗi chỉ có tác dụng làm muỗi ngất hoặc bay đi nơi khác, không tiêu diệt được muỗi hoàn toàn. Bởi vậy, nếu sử dụng hương đuổi muỗi, mọi người cần sử dụng liên tục tối thiểu trong 1 tuần.

Đối với những gia đình có trẻ em, có thể sử dụng các loại thuốc xịt chống muỗi làm từ thảo dược và bôi lên da của trẻ. Các gia đình cũng không nên tự ý sử dụng các loại hoá chất phun khử khuẩn trong nhà. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em.

Các gia đình cũng có thể trồng những loại cây như húng lủi, cúc vạn thọ, sả, gừng,... để đuổi muỗi. Những loại này đều có mùi hương muỗi không ưa. Mọi người cũng cần phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt như mắc màn khi ngủ, hạn chế tới những khu vực nhiều muỗi và tiêm phòng đầy đủ vaccine đối với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa.

Các loại muỗi truyền bệnh là những loại nào? 04
Sử dụng màn khi đi ngủ là cách hạn chế muỗi đốt hiệu quả

Trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc “Các loại muỗi gây bệnh là loại nào?”. Đồng thời cung cấp thêm những thông tin cần thiết về đặc điểm từng loại muỗi và cách phòng tránh. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây hữu ích với mọi người.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm