Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ngày 19/08/2023
Kích thước chữ

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là các chị em ở độ tuổi từ 30 trở lên. Việc khám bệnh định kỳ và xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư và có cơ hội thành công cao.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ, nhưng nếu được phát hiện sớm và áp dụng đúng phác đồ điều trị sẽ giúp sức khỏe của người bệnh được cải thiện tích cực, thậm chí là chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc ung thư sớm là rất quan trọng. Vậy có những phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung nào? Hãy cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao nên xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm?

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm do sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào ở cổ tử cung. Có 2 loại ung thư cổ tử cung phổ biến là ung thư biểu mô tế bào vảy (chiếm 80 - 90% số ca mắc bệnh) và ung thư tuyến. Trong trường hợp không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ ngày càng tiến triển lan rộng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ vô sinh hay thậm chí là tử vong.

Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung 1
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung nằm trong top 3 căn bệnh gây tử vong ở nữ giới. Hàng năm, thế giới ghi nhận hơn 500.000 ca mắc mới và lấy đi mạng sống của khoảng 250.000 trường hợp. Ước tính đến năm 2030, con số này có thể tăng lên gấp 2 lần số ca tử vong do biến chứng thai kỳ.

Đáng ngại hơn, tỉ lệ ung thư tử cung ngày càng trẻ hóa và các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường nghèo nàn, không rõ ràng. Điều này dễ khiến bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Chỉ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như chảy máu ngoài kỳ kinh, rong kinh, đau trong quan hệ tình dục... người bệnh mới tìm đến bác sĩ và phát hiện mắc bệnh ung thư. Lúc này, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và gây ảnh hưởng đến cấu trúc mô xung quanh nên việc điều trị cũng sẽ khó khăn hơn. Với trường hợp nặng, người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ tử cung - buồng trứng, xạ trị - hóa trị cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị ung thư cổ tử cung thành công là hoàn toàn có thể. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung là cách duy nhất để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh và can kịp kịp thời.

Các cách xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Cùng với sự phát triển không ngừng của y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung được nghiên cứu áp dụng và mang lại những kết quả tích cực. Một số biện pháp phổ biến thường được sử dụng như:

  • Xét nghiệm Pap Smear: Loại xét nghiệm này còn có tên gọi là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, được sử dụng khá phổ biến. Phương pháp xét nghiệm này được đánh giá sẽ cho kết quả khá chuẩn xác. Kết quả của xét nghiệm này sẽ giúp các bác sĩ nhận biết và chẩn đoán sớm dấu hiệu của ung thư khi phát hiện những đặc điểm hình thái bất thường ở các tế bào tử cung.
  • Xét nghiệm HPV: Phương pháp này tập trung vào việc phát hiện các chủng virus HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung. Mặc dù phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung này sẽ không chuẩn xác 100% nhưng sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Từ đó sẽ có những cách can thiệp và điều trị kịp thời.
Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung 3
Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu của ung thư

Cả hai loại xét nghiệm nói trên đều có mục tiêu chung là tìm ra những dấu hiệu bất thường ban đầu của bệnh để có cách can thiệp và điều trị sớm. Giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe ở phụ nữ.

Các đối tượng nên xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Theo các chuyên gia y tế, việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư tử cung được khuyến nghị cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, đặc biệt đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Cụ thể:

  • Từ 21 - 29 tuổi: Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung đầu tiên được khuyến nghị sử dụng là xét nghiệm Pap, sau đó xét nghiệm lại định kỳ 3 năm/lần.
  • Từ 30 - 65 tuổi: Được khuyến nghị nên kết hợp cả xét nghiệm Pap Smear và xét nghiệm HPV được khuyến nghị. Tần suất xét nghiệm cũng là 3 năm/lần cho đến năm 65 tuổi.
Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung 2
Xét nghiệm sàng lọc ung thư tử cung được khuyến nghị cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên

Ngay cả khi nhận được kết quả khả quan thì bạn cũng không nên chủ quan và vẫn cần phải cảnh giác. Việc theo dõi và thực hiện lịch sàng lọc đều đặn theo lời hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng sai kết quả sàng lọc ung thư, bạn cần:

  • Không nên thụt rửa âm đạo quá sâu, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng thuốc đặt âm đạo hay dung dịch vệ sinh khoảng 48 giờ trước khi tầm soát.
  • Nên thực hiện tầm soát sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày để đảm bảo độ chính xác cao nhất khi xét nghiệm.
  • Nếu bị viêm nhiễm vùng kín, cần điều trị dứt điểm trước khi thực hiện trước khi tầm soát ung thư.

Việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm sẽ giúp mang lại hiệu quả điều trị và phục hồi tốt nhất. Vì vậy, các chị em phụ nữ nên chủ động thăm khám và tầm soát ung thư định kỳ kết hợp với tiêm vắc xin HPV để tăng hiệu quả phòng bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin