Cách chăm sóc người già bị lẫn mà bạn có thể tham khảo
Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng lú lẫn là một loại bệnh gây tình trạng mất trí nhớ, thường gặp ở người cao tuổi, được xếp vào nhóm bệnh chuyên khoa tâm thần. Người già mắc bệnh lẫn thường nguyên do là vì hệ thần kinh của họ đã suy yếu, vì vậy việc chăm sóc người già bị lẫn yêu cầu rất nhiều sự kiên nhẫn. Người mắc bệnh lẫn sẽ có những biểu hiện dễ nhận biết như không phân biệt được phương hướng, trí nhớ suy giảm, không nhận ra người thân..
Bản thân người bệnh thường không nhận biết được việc mình mắc bệnh lẫn. Tuy nhiên, những người xung quanh, đặc biệt là gia đình người bệnh có thể dễ dàng phát hiện ra tình trạng của họ. Vậy nên, việc chăm sóc người già bị lẫn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và người thân của họ.
Trước khi tìm hiểu về những cách chăm sóc người già bị lẫn, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin về hội chứng lú lẫn ở người cao tuổi, nguyên nhân và triệu chứng thường gặp ở tình trạng này.
Hội chứng lú lẫn là gì?
Bệnh lú lẫn, hay còn gọi là hội chứng suy giảm trí nhớ, là căn bệnh gây mất trí nhớ và mất khả năng tư duy nghiêm trọng, gây trở ngại lớn cho cuộc sống của người bệnh. Căn bệnh này thường thấy ở người cao tuổi. Hội chứng lú lẫn sẽ dần chuyển biến xấu theo thời gian khiến việc chăm sóc người già bị lẫn trở nên rất khó khăn, người nhà cần hết sức kiên nhẫn và thận trọng với người bệnh.
Mặc dù triệu chứng có thể khác nhau đối với mỗi người, tuy nhiên dấu hiệu phổ biến nhất là tính hay quên, những triệu chứng khác bao gồm mất nhận thức về phương hướng, đi lạc ở những nơi quen thuộc, để đồ đạc sai chỗ, ánh mắt ngơ ngác, rối loạn cảm xúc, gặp khó khăn khi nói và viết,… Tuy rất hiếm nhưng hội chứng này vẫn có thể xảy ra ở người trẻ tuổi và trẻ em.
Nguyên nhân gây ra bệnh lú lẫn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lú lẫn, có thể kể đến vài điều như sau:
Tổn thương não: Người bình thường có thể mắc bệnh lẫn do chấn thương đầu. Chấn thương ở đầu có thể gây tổn thương đến não bộ, làm suy giảm nhận thức của người bệnh, từ đó gây mất trí nhớ.
Ảnh hưởng của quá trình lão hoá: Quá trình lão hoá gây ra sự phá huỷ các myelin từ đó làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, kết quả là làm chết dần các tế bào thần kinh. Vì vậy nên người già thường là đối tượng mắc bệnh lẫn.
Cơ thể bị mất nước: Nếu cơ thể liên tục bài tiết nhưng không được cung cấp đủ lượng nước bổ sung thì sẽ dẫn đến tình trạng mất nước. Việc cơ thể thiếu nước trầm trọng sẽ gây rối loạn chất điện giải, ảnh hưởng đến các hoạt động thần kinh và gây ra triệu chứng lú lẫn.
Ảnh hưởng của thuốc: Vài loại thuốc trị bệnh có tác dụng phụ có hại cho thần kinh, triệu chứng lú lẫn là biến chứng thường gặp ở những người điều trị ung thư, thuốc hoá trị có thể ảnh hưởng đến tế bào thần kinh, làm cho hoạt động chức năng của não bị ảnh hưởng.
Các nguyên nhân khác: Một số tác nhân khác cũng dẫn đến hội chứng lú lẫn bao gồm: hạ đường huyết, nhiễm trùng, bệnh liên quan đến thần kinh, đột quỵ, nồng độ oxy thấp,…
Những triệu chứng thường gặp ở người già bị lẫn
Các triệu chứng người già mắc bệnh lú lẫn phải trải qua thường phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ suy giảm chức năng thần kinh của họ. Các triệu chứng bao gồm:
Suy giảm khả năng nhận thức và trí nhớ
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là mất trí nhớ, người già bị lẫn thường khó ghi nhớ thông tin. Khi mắc bệnh lẫn, trí nhớ ngắn hạn của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Họ không thể ghi nhớ những sự kiện xảy ra trong thời gian gần nhưng vẫn có thể ghi nhớ những trải nghiệm cũ, tuy nhiên phần trí nhớ còn lại cũng sẽ mất dần theo thời gian. Khả năng tập trung của người bệnh bị ảnh hưởng khiến họ gặp khó khăn trong việc phân biệt phương hướng và thời gian.
Đặt đồ vật sai vị trí
Người già bị lẫn thường sẽ cất đồ vật ở nơi khác so với nơi họ thường xuyên để đồ vật đó, họ thường sẽ không thể tìm thấy các đồ vật của mình và thậm chí còn nghĩ mình bị mất cắp, việc này sẽ diễn ra với tần suất ngày càng nhiều khi bệnh tình chuyển biến xấu.
Gặp khó khăn khi giao tiếp
Người mắc bệnh lẫn thường gặp khó khăn khi tham gia một cuộc trò chuyện, họ không thể diễn đạt từ ngữ và suy nghĩ của mình một cách trôi chảy, tệ hơn là quên nghĩa của các từ, điều này khiến việc giao tiếp hàng ngày của họ càng ngày càng khó hơn.
Thay đổi hành vi và tâm trạng không ổn định
Tâm trạng và tính cách của người bệnh có thể thay đổi, họ dễ dàng nổi nóng và trở nên bối rối, sợ hãi, chán nản. Người bệnh bắt đầu né tránh việc giao tiếp xã hội, những thói quen trước kia sẽ dần trở nên khó khăn và xa lạ với họ.
Không phân biệt được thời gian, địa điểm
Người bệnh có thể quên mất ngày, tháng, không phân biệt được mùa và sự chuyển biến của thời gian, không nhớ những địa điểm mình đã đi qua; họ không thể nhớ được mình làm sao đến được địa điểm đó, đến đó làm gì.
Cách chăm sóc người già bị lẫn
Gia đình, người thân của người bệnh cần thường xuyên quan tâm, chú ý chăm sóc để cải thiện tình trạng sức khỏe của họ.
Áp dụng các biện pháp điều trị
Riêng với những người già bị lẫn, khả năng phục hồi của họ khá hạn chế nên việc điều trị chủ yếu giúp trấn an tinh thần người bệnh, giảm mức độ ảnh hưởng thần kinh. Có hai loại phương pháp điều trị là không sử dụng thuốc và sử dụng thuốc, biện pháp phục hồi chức năng mà không sử dụng thuốc nên được ưu tiên. Việc sử dụng thuốc để điều trị cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ và gia đình.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và giám sát người bệnh chặt chẽ
Cần nhắc nhở người bệnh ăn cơm, đi ngủ, uống thuốc đúng giờ. Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng để tránh bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng, khuyến khích người bệnh vận động cơ thể thường xuyên. Khi chăm sóc người già bị lẫn, cần giúp đỡ họ vệ sinh cá nhân, giám sát kỹ càng để phòng trừ các rủi ro không đáng có như trượt ngã, bỏng. Tất cả các vật dụng sắc nhọn và có thể gây nguy hiểm cần được để xa tầm tay người bệnh, thay ổ khoá mở cửa và gắn hệ thống camera để phòng trường hợp người bệnh tự ý đi ra ngoài một mình. Cho bệnh nhân mang theo giấy tờ ghi đầy đủ thông tin liên lạc phòng khi họ đi lạc.
Lưu ý trong sinh hoạt để phòng tránh bệnh lú lẫn
Để phòng tránh bệnh lú lẫn hiệu quả, bạn có thể áp dụng một số gợi ý như sau:
Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên;
Nghỉ ngơi đầy đủ, đúng giờ;
Theo dõi lượng đường trong máu để tránh huyết áp cao hoặc huyết áp thấp;
Không sử dụng chất kích thích.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh lú lẫn và cách chăm sóc người già bị lẫn. Dựa trên những thông tin này, khi phát hiện người thân có những dấu hiệu mắc bệnh, nên đưa họ đi thăm khám sớm nhất có thể để có biện pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.