Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh Alzheimer có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiện nay

Ngày 07/09/2024
Kích thước chữ

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh Alzheimer là nguyên nhân tử vong phổ biến ở người trên 65 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng trong những năm tới và việc hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp người bệnh điều trị tốt hơn. Vậy bệnh Alzheimer có chữa được không?

Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chức năng não, khả năng tư duy của con người. Vậy bệnh Alzheimer có chữa được không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phương pháp điều trị bệnh lý này trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer thuộc nhóm bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp, tác động nghiêm trọng đến khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và hành vi. Đây là nguyên nhân chính gây ra chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi. Hiện nay, số người mắc bệnh Alzheimer đang gia tăng đáng kể do dân số toàn cầu đang già đi. Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, bao gồm:

  • Tuổi tác cao (nhất là ở những người trên 65 tuổi);
  • Gia đình có người bị Alzheimer;
  • Trầm cảm không được điều trị (mặc dù trầm cảm cũng có thể là triệu chứng của bệnh)...

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer thường tiến triển chậm, khiến việc nhận biết sớm trở nên khó khăn. Nhiều người cho rằng sự suy giảm trí nhớ là do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng bệnh Alzheimer không phải là một phần "bình thường" của sự già đi. Chẩn đoán sớm và chính xác bệnh sẽ giúp người bệnh có cơ hội tốt nhất để lập kế hoạch cho tương lai và tiếp cận các phương pháp điều trị và biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Bệnh Alzheimer có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiện nay 1
Bệnh Alzheimer gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi

Bệnh Alzheimer có chữa được không?

Bệnh Alzheimer dần dần gây tổn thương và phá hủy các tế bào thần kinh trong não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng lý luận và các kỹ năng tư duy khác. Mặc dù thuốc điều trị không thể ngăn chặn quá trình mất tế bào thần kinh nhưng có khả năng hỗ trợ các tế bào khỏe mạnh hoạt động tối ưu. 

Mục tiêu của việc điều trị bệnh Alzheimer là làm chậm quá trình suy giảm các kỹ năng tư duy. Vậy bệnh Alzheimer có chữa được không? Rất tiếc, câu trả lời hiện tại là không. Dù có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu y học, đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều trị sẽ giúp làm chậm diễn biến của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh Alzheimer có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiện nay 2
Bệnh Alzheimer có chữa được không là thắc mắc của nhiều độc giả

Phương pháp điều trị bệnh Alzheimer

Mặc dù chưa có cách chữa trị hoàn toàn nhưng các biện pháp điều trị hiện tại tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp người bệnh duy trì cuộc sống bình thường lâu nhất có thể. Nhiều liệu pháp hỗ trợ cũng được áp dụng, giúp người mắc bệnh sống tự lập tối đa và dễ dàng thực hiện các công việc hàng ngày. Ngoài ra, các phương pháp điều trị tâm lý như liệu pháp kích thích nhận thức có thể được cung cấp để cải thiện trí nhớ, kỹ năng giải quyết vấn đề,...

Sử dụng thuốc

Phần trên đã giải đáp cho độc giả thắc mắc bệnh Alzheimer có chữa được không, vậy các loại thuốc điều trị bệnh lý này là gì? Thuốc điều trị bệnh Alzheimer có thể giúp làm chậm hoặc kiểm soát những thay đổi về khả năng ghi nhớ cũng như các kỹ năng tư duy khác. Việc kiểm soát các triệu chứng này giúp người bệnh duy trì khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, kéo dài sự độc lập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thuốc không mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người và có thể mất dần tác dụng theo thời gian. Những loại thuốc này thường hiệu quả nhất đối với những người mắc Alzheimer ở giai đoạn đầu đến trung bình.

Các loại thuốc như Donepezil, Rivastigmine và Memantine thường được chỉ định để làm giảm triệu chứng.

  • Thuốc ức chế cholinesterase: Khi các tế bào thần kinh bị mất đi, nồng độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine giảm sút. Đây là một sứ giả truyền tin quan trọng đối với trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng phán đoán và các kỹ năng tư duy khác. Các chất ức chế cholinesterase giúp ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, tạo ra nhiều chất truyền tin hơn để hỗ trợ các tế bào thần kinh khỏe mạnh hoạt động tốt hơn.
  • Thuốc memantine: Đây là loại thuốc giúp giảm làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và kỹ năng tư duy, đồng thời góp phần bảo vệ các tế bào thần kinh.
  • Thuốc điều trị hành vi: Trong các giai đoạn sau của bệnh, nhiều bệnh nhân có thể phát triển triệu chứng tâm lý và hành vi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ như tăng kích động và lo lắng, đi lang thang, ảo tưởng và ảo giác. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống loạn thần như risperidone hoặc haloperidol để giảm triệu chứng bệnh.
Bệnh Alzheimer có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiện nay 3
Thuốc giúp làm chậm và kiểm soát những thay đổi về trí nhớ

Phục hồi nhận thức

Phục hồi nhận thức giúp người bệnh tận dụng những phần não còn hoạt động để hỗ trợ cho phần não bị suy giảm chức năng. Các bài tập và kỹ thuật phục hồi thường được thực hiện trong bối cảnh thực tế, chẳng hạn như tại nhà hoặc khi đi mua sắm, để người bệnh có thể áp dụng những gì họ học được vào cuộc sống hàng ngày.

Một số phương pháp khác

Việc sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng của bệnh Alzheimer chỉ là một phần trong quá trình chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể cần kết hợp các biện pháp khác như:

  • Trị liệu tâm lý: Giúp người bệnh duy trì sự minh mẫn, cải thiện khả năng ghi nhớ và giảm căng thẳng.
  • Chế độ ăn dinh dưỡng và vận động: Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và rèn luyện thể thao thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh Alzheimer.

Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer

Mặc dù câu trả lời cho thắc mắc bệnh Alzheimer có chữa được không là không nhưng có nhiều biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn, ăn uống cân bằng và hạn chế các chất có hại như rượu bia và thuốc lá.
  • Rèn luyện trí óc: Tham gia các hoạt động kích thích trí não như đọc sách, giải ô chữ, học ngôn ngữ mới có thể giúp tăng cường trí nhớ.
  • Kiểm soát bệnh nền: Các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì có thể gia tăng nguy cơ mắc Alzheimer, do đó việc quản lý các bệnh nền này là rất quan trọng.
Bệnh Alzheimer có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiện nay 4
Rèn luyện trí óc giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh Alzheimer

Mặc dù hiện nay bệnh Alzheimer chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng với sự phát triển của nền y học, việc chữa trị và phòng bệnh đang được cải thiện. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ về bệnh, nhận biết sớm các triệu chứng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để có một cuộc sống lành mạnh hơn. Hy vọng bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề bệnh Alzheimer có chữa được không. Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm các thông tin bổ ích về phương pháp điều trị bệnh nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin