Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh

Ngày 01/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hầu hết trẻ em bị mắt lác được chẩn đoán trong giai đoạn từ 1 đến 4 tuổi. Trong đó, một tỉ lệ không nhỏ phát triển ở trẻ sơ sinh mà nguyên nhân chính là do yếu tố di truyền. Vậy có cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh không? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.

Lác mắt là khi mắt không thẳng hàng hoặc khi một hoặc cả hai mắt đi lang thang. Ở trẻ, hiếm khi có thể bị lác mắt sau 6 tuổi mà thường rơi vào giai đoạn sơ sinh. Trọng tâm bài viết sau sẽ đi sâu tìm hiểu về cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh.

Mắt lác ở trẻ sơ sinh là gì?

Mắt lác, đôi khi còn được gọi là mắt lé hoặc mắt lười, là tình trạng hai mắt không thẳng hàng với nhau. Điều này có nghĩa là khi một mắt đang nhìn thứ gì đó, mắt kia sẽ quay vào, ra ngoài, lên hoặc xuống. Tùy trường hợp mà mắt lác có thể được nhận thấy ở mọi thời điểm hoặc thỉnh thoảng mới xuất hiện. Mắt lác thường biểu hiện sớm ở trẻ em, có thể ngay từ khi mới sinh.

Khi hai mắt không nhìn thẳng và làm việc cùng nhau, mỗi mắt sẽ gửi đến não một hình ảnh khác nhau. Để ngăn chặn sự nhầm lẫn, bộ não đôi khi sẽ bỏ qua một phần hình ảnh từ một bên mắt. Nếu một mắt trở nên trội hơn, nó có thể dẫn đến giảm thị lực ở mắt còn lại, đây chính là tình trạng nhược thị.

Lác mắt cũng ảnh hưởng đến khả năng phán đoán khoảng cách của trẻ, điều này có thể dẫn đến sự vụng về và phối hợp tay mắt kém.

Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh 1 Mắt lác thường biểu hiện sớm ở trẻ em, có thể ngay từ khi mới sinh

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị mắt lác

Tình trạng mắt lác hầu như có ở mọi lứa tuổi, mắt lác ở trẻ sơ sinh có thể thấy được từ khi trẻ sinh ra đến 6 tháng tuổi. Đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mắt lác ở trẻ sơ sinh:

  • Mất cân bằng trong sự phối hợp giữa hai mắt: Bình thường, hai mắt hoạt động nhịp nhàng do sự điều khiển của các dây thần kinh và 12 cơ chéo ở 2 bên mắt. Khi một trong các yếu tố này bất thường, đôi mắt của bé sẽ không cùng nhìn về một hướng, đây cũng là dấu hiệu của mắt lác.
  • Bị tật về mắt như: Cận thị, viễn thị, loạn thị. Cận thị thì thường dẫn đến lác ngoài, viễn thị thì gắn với lác trong.
  • Bất thường một hay nhiều các nhóm cơ tại nhãn cầu.
  • Bị tổn thương thần kinh hay có vấn đề về phát triển trí não: Những loại tổn thương này có thể đưa đến sự bất thường về khả năng vận động của cơ mắt ở trẻ. Bởi vậy, trẻ sinh non hoặc bị các chứng như bại não, hội chứng Down, chấn thương não có khả năng cao sẽ bị mắt lác.
  • Trải qua cơn sốt cao, co giật: Có thể gây biến chứng mắt lác ở trẻ.
  • Trẻ đã từng có những tổn thương về mắt như nhiễm trùng, chấn thương, đục thủy tinh thể, bệnh Toxoplasma, nhược thị, ung thư võng mạc…
  • Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy mắt lác ở trẻ sơ sinh phần lớn đến từ gia đình. Ước tính khoảng 20% người bị mắt lác trong đó có trẻ sơ sinh được xác định nguyên nhân là bắt nguồn từ yếu tố tiền sử gia đình có người bị mắt lác.

Nhận biết mắt lác ở trẻ sơ sinh

Cách đơn giản nhất để nhận biết trẻ bị mắt lác là hai mắt không nhìn cùng về một hướng. Trong đó, thường thì một mắt đang nhìn đúng vào vật thể đang hướng đến, mắt còn lại có thể nhìn theo một hướng khác:

  • Hướng trong: Một hoặc cả hai mắt quay vào trong về phía mũi. Đây là loại lác phổ biến nhất và ảnh hưởng đến từ 2 đến 4% trẻ em.
  • Hướng lên: Hai bên mắt bị lệch, trong đó có một bên nằm cao hơn mắt còn lại một cách bất thường. Loại này ảnh hưởng theo tần suất cứ 400 trẻ em thì có 1 trẻ mắc.
  • Hướng xuống: Trái ngược với hướng lên, mắt lác hướng xuống thường sẽ nằm thấp hơn mắt còn lại.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể phát hiện trẻ sơ sinh bị mắt lác thông qua một số dấu hiệu như:

  • Thường xuyên nheo mắt hoặc chớp mắt, nhất là khi gặp ánh sáng chói, đây có thể là một tín hiệu của chứng song thị ở trẻ sơ sinh.
  • Không có phản ứng nhạy với ánh sáng hoặc không tập trung nhìn vào một vật cụ thể nào đó, ví dụ như một món đồ chơi.
  • Thường xuyên quay đầu hoặc nghiêng đầu, đây có thể là dấu hiệu trẻ đang cố gắng để vật thể rơi vào trong tầm nhìn.
Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh 2 Theo dõi để sớm nhận biết dấu hiệu mắt lác ở trẻ sơ sinh

Khi nào trẻ sơ sinh cần đi khám mắt lác?

Mắt trẻ sơ sinh nhìn lệch trong khoảng thời gian ngắn cho đến khi được bốn tháng tuổi là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng mắt lác xuất hiện rất thường xuyên, hoặc ngày càng trở nên rõ ràng, là điều không bình thường và cần được thăm khám bởi Bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Mắt lác đôi khi có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe và mắt nghiêm trọng. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là việc quan trọng nhằm mang lại kết quả phục hồi thị lực tốt nhất cho trẻ.

Mắt trẻ sơ sinh bị lác không chỉ là một vấn đề đáng lo về mặt thẩm mỹ mà thị giác của trẻ có thể đang bị đe dọa. Bởi vì, theo thời gian bên mắt chiếm ưu thế sẽ bù đắp cho mắt bị lác, lâu dài não sẽ dần dần bỏ qua các tín hiệu thị giác của nó và dẫn đến mắt nhìn lệch này bị giảm thị lực. Đây thực chất chính là chứng nhược thị.

Hầu hết các trường hợp mắt lác ở trẻ sơ sinh nên được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Các chuyên gia về mắt, bao gồm bác sĩ nhãn khoa (bác sĩ mắt), chuyên gia chỉnh hình và bác sĩ đo thị lực sẽ sử dụng nhiều loại xét nghiệm để xem mắt của trẻ có nhìn thẳng và hoạt động cùng nhau hay không. Sau đó, tùy từng tình trạng lác mà sẽ có lộ trình điều trị phù hợp cho trẻ.

Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh

Điều trị nhằm mục đích cải thiện sự phối hợp của đôi mắt, cải thiện khối cơ ở mắt yếu và tăng cường thị lực. Dưới đây là một số cách chữa mắt lác cho trẻ sơ sinh được ứng dụng phổ biến:

  • Kính đeo mắt: Mục đích là để canh chỉnh thị lực sao cho bên mắt yếu phải tăng cường thị lực hoặc làm giảm đi thị lực ở mắt khỏe hơn.
  • Miếng che mắt: Trẻ không thể sử dụng mắt khỏe hơn bằng cách đeo miếng che đi bên mắt này. Điều này buộc trẻ phải sử dụng mắt yếu hơn, giúp mắt khỏe hơn theo thời gian.
  • Thuốc nhỏ mắt: Hoạt động tương tự như miếng che mắt, giúp làm mờ tầm nhìn của mắt khỏe. Đây có thể là một là một lựa chọn thay thế phù hợp ở trẻ sơ sinh khó chịu với miếng che mắt.
  • Bài tập cơ mắt: Đôi khi trẻ được dạy thực hiện một số bài tập cơ mắt để giúp tập trung cả hai mắt theo cùng một hướng.
  • Phẫu thuật mắt lác.

Đối với các trường hợp trẻ sơ sinh mắt lác nghiêm trọng hơn mà tất cả các phương pháp trên đều không đạt hiệu quả, ba mẹ nên nghĩ đến việc cho trẻ thực hiện phẫu thuật.

Phẫu thuật lác trên cơ mắt giúp điều chỉnh mắt phù hợp và cho phép thị lực phát triển tốt. Phẫu thuật thường được thực hiện để điều chỉnh sự thẳng hàng của mắt ở trẻ sơ sinh.

Phẫu thuật lác thường được thực hiện ở trung tâm phẫu thuật ngoại trú. Trẻ sẽ được gây mê toàn thân để có thể ngủ hoàn toàn. Bác sĩ sẽ thực hiện cắt một vết cắt nhỏ trong mô bao phủ mắt để có thể tiếp cận các cơ mắt. Các cơ sau đó được định vị lại để giúp mắt hướng về cùng một hướng.

Phẫu thuật có thể cần được thực hiện ở một hoặc cả hai mắt. Một số trẻ em có thể cần phẫu thuật lần thứ hai để điều chỉnh mắt nếu lần một chưa đạt hiệu quả. Sau khi phẫu thuật, hầu hết trẻ có thể trở lại sinh hoạt hàng ngày trong khoảng 2 - 3 ngày.

Phẫu thuật chữa mắt lệch thường là một cách an toàn và hiệu quả để điều trị mắt lệch. Tuy vậy, cũng như bất kỳ phẫu thuật nào, phẫu thuật mắt lác vẫn có những rủi ro nhất định. Tuy hiếm nhưng chúng có thể nghiêm trọng. Bác sĩ nhãn khoa sẽ thảo luận với ba mẹ của trẻ về những rủi ro và lợi ích này của phẫu thuật.

Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh Hiện nay y học đã có rất nhiều cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh

Nếu đang tìm kiếm thông tin về cách chữa mắt lác cho trẻ sơ sinh, hi vọng bài viết này đã mang đến giá trị cho bạn. Đừng quên theo dõi trang web Nhà thuốc Long Châu hằng ngày để nắm bắt những tin tức sức khỏe bổ ích nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin