Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt xuất huyết ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em để chăm sóc bé và theo dõi những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Sốt xuất huyết là tình trạng bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em. Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp.

Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Sốt xuất huyết ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời các biểu hiện ở trẻ có thể dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong...

cach-dieu-tri-sot-xuat-huyet-o-tre-em 1.jpg
Sốt xuất huyết ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em

Các biểu hiện cảnh báo trẻ mắc sốt xuất huyết:

Triệu chứng sốt đột ngột và cao: Sốt xuất huyết thường gây ra cảm giác sốt đột ngột và nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C, thậm chí cao hơn.

Sốt kéo dài: Sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày, thường kèm theo đau bụng, đặc biệt là ở vùng rốn hoặc bên phải rốn, cùng với cảm giác nôn trớ và phình bụng. Mặc dùng bé đã sử dụng thuốc hạ sốt cũng không giúp giảm tình trạng sốt.

Các triệu chứng xuất huyết đặc trưng: Nổi mẩn và phát ban dưới da thường là những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của sốt xuất huyết. Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện nốt xuất huyết, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Đại tiện ra máu cũng là một triệu chứng quan trọng, đặc biệt là khi xuất huyết nội tạng diễn ra.

Biểu hiện sốc và nguy cơ tử vong: Biểu hiện sốc thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 từ khi bệnh xuất hiện, bao gồm các triệu chứng như tăng cảm giác đau, tay chân lạnh, da thay đổi màu sắc và môi xám xanh. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, sốc có thể dẫn đến tử vong.

Phân loại mức độ của sốt xuất huyết:

  • Độ 1: Sốt nhẹ mà không có triệu chứng xuất huyết.
  • Độ 2: Sốt với triệu chứng xuất huyết.
  • Độ 3: Bắt đầu có dấu hiệu của tình trạng sốc.
  • Độ 4: Tình trạng sốc nặng.

Đối với trẻ mắc sốt xuất huyết, việc xác định và điều trị đúng mức độ bệnh là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và sức khỏe của bé.

Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

Chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết tại nhà là cực kỳ quan trọng, nhằm mục đích giúp phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra và hỗ trợ điều trị cần thiết cho trẻ giúp bé nhanh chóng hồi phục.

cach-dieu-tri-sot-xuat-huyet-o-tre-em 2.jpg
Chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết tại nhà là cực kỳ quan trọng

Theo dõi nhiệt độ: Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ 24/24 giờ bằng cách sử dụng nhiệt kế đo ở nách hoặc hậu môn. Trong trường hợp sử dụng nhiệt kế điện tử, trước khi đo nhiệt độ cho trẻ, nên kiểm tra tính chính xác của nhiệt kế bằng cách đo trên người bình thường trước. Thời điểm nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường là khi trẻ hết sốt, do đó cần theo dõi kỹ lưỡng trong giai đoạn này.

Nghỉ ngơi: Trẻ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh tình trạng chơi đùa hoặc hoạt động nặng. Đồng thời, không nên mặc quá nhiều quần áo cho trẻ hoặc quần áo quá dày trong khi chăm sóc.

Sử dụng thuốc hạ sốt: Nếu nhiệt độ của trẻ cao hơn 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ, thường là từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể, mỗi 6 giờ một lần. Tuyệt đối không nên sử dụng aspirin, vì có thể gây ra các vấn đề về đông máu.

Bổ sung nước và chất điện giải: Trẻ cần được bổ sung nước và các chất điện giải để ngăn ngừa tình trạng mất nước và chất điện giải do sốt cao gây ra. Việc cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước pha từ oresol, có thể giúp cân bằng lượng nước và chất điện giải trong cơ thể. Nếu không có oresol, nước cam hoặc chanh tươi cũng là lựa chọn tốt.

Dinh dưỡng cho trẻ em bị sốt xuất huyết

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của trẻ em bị sốt xuất huyết.

Thức ăn lỏng: Bổ sung cho trẻ các loại thức ăn lỏng giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống và các thức ăn khác. Sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn.

cach-dieu-tri-sot-xuat-huyet-o-tre-em 3.jpg
Bổ sung cho trẻ các loại thức ăn lỏng giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa

Tăng cường lượng thức ăn: Nếu trẻ ăn ít hoặc có dấu hiệu nôn mửa, cần tăng cường lượng thức ăn cho trẻ để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng, từ đó tránh tình trạng suy dinh dưỡng. Trong thời điểm này, cần tránh các loại thức ăn có chứa quá nhiều chất béo.

Hỗ trợ cho trẻ đang bú mẹ: Đối với trẻ đang bú mẹ, cần tăng cường số lần cho trẻ bú và kéo dài thời gian cho mỗi lần bú. Nếu cần thiết, có thể bổ sung sữa công thức để đảm bảo trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng.

Việc chăm sóc dinh dưỡng cũng cần lưu ý đến các yếu tố đặc biệt của từng trường hợp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo trẻ nhận được chăm sóc tốt nhất.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, có một số việc không nên thực hiện để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ:

Không cạo gió: Việc này có thể làm đau và gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Do đó, không nên thực hiện các biện pháp này khi trẻ đang mắc bệnh sốt xuất huyết.

Không cho trẻ uống nước có màu, có ga, nước ngọt: Các loại nước này có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ, do đó cần tránh sử dụng để không làm trầm trọng thêm tình hình của trẻ.

cach-dieu-tri-sot-xuat-huyet-o-tre-em 4.jpg
Không cho trẻ uống nước có màu, có ga, nước ngọt

Không tự ý truyền dịch cho trẻ tại những cơ sở y tế không đủ điều kiện: Việc này có thể gây tình trạng trở nặng và kéo dài bệnh, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như phù nề, suy tim. Chỉ nên thực hiện truyền dịch dưới sự hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở y tế đủ điều kiện.

Không tự ý sử dụng kháng sinh: Sốt xuất huyết thường là do virus gây ra, vì vậy việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng. Chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có sự chỉ định của bác sĩ và dưới sự giám sát của họ.

Ngoài ra, cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo mà trẻ có thể phát hiện để biết khi nào cần nhập viện:

  • Trẻ nôn trớ, đau bụng.
  • Bứt rứt, quấy khóc, lừ đừ; tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi.
  • Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

Những dấu hiệu này cần được chú ý và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời để nhận được sự chăm sóc cần thiết.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về cách chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em. Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Việc chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin