Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ thở nhanh nhưng không sốt cảnh báo bệnh gì?

Ngày 22/05/2024
Kích thước chữ

Trẻ thở nhanh nhưng không sốt là một trong những biểu hiện bệnh lý không rõ ràng và dễ nhầm tưởng với các triệu chứng cảm cúm, sụt sịt do thay đổi thời tiết thông thường. Thực chất, dấu hiệu này có thể là do bệnh lý viêm phổi gây ra.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ. Một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh đó chính là tình trạng trẻ thở nhanh nhưng không sốt, thở khò khè làm cho bố mẹ dễ sinh tâm lý chủ quan mà bỏ qua lời cảnh báo này.

Dấu hiệu trẻ thở nhanh nhưng không sốt

Các bác sĩ cho biết, hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh tự ý mua thuốc ho, thuốc kháng sinh về điều trị cho con mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Lý do là bởi nhận thấy con có các biểu hiện ho, sổ mũi, thở nhanh nhưng không sốt, thở khò khè nên bố mẹ nhầm tưởng các dấu hiệu này với các tình trạng cảm cúm do thay đổi thời tiết thông thường. Tuy nhiên, thực chất mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Dấu hiệu trẻ thở nhanh nhưng không sốt chính là biểu hiện ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em, bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ khiến cho bệnh chuyển biến nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, thậm chí trong trường hợp xấu nhất trẻ có thể tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.

Trẻ thở nhanh nhưng không sốt cảnh báo bệnh gì?1
Thở nhanh nhưng không sốt có thể cảnh báo bệnh lý viêm phổi ở trẻ nhỏ

Một số dấu hiệu khác của bệnh viêm phổi

Nhìn chung, bệnh viêm phổi ở trẻ em sẽ được chia ra làm 2 loại bao gồm viêm phổi thùy và viêm phổi phế quản. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây bệnh viêm phổi, tuy nhiên phổ biến nhất là do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae gây ra. Khi bị mắc viêm phổi, ngoài dấu hiệu thở nhanh, trẻ có thể xuất hiện thêm một số dấu hiệu khác như:

  • Thở nhanh, thở rít, thở khò khè, khó thở.
  • Sốt, ho, nghẹt mũi.
  • Ớn lạnh.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Đau tức vùng ngực.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Mệt mỏi, mất năng lượng, ít vận động.
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng.
  • Môi, đầu móng tay chuyển màu xanh hoặc xám.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thở nhanh chính nhưng không sốt chính là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Bằng cách đo nhịp thở của trẻ tại nhà, bố mẹ có thể phát hiện sớm tình trạng này, cụ thể:

  • Trẻ dưới 2 tháng được cho là thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng thở nhanh nếu nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
  • Trẻ 12 tháng đến dưới 5 tuổi thở nhanh nếu nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.

Nếu không may trẻ bị mắc viêm phổi thì bố mẹ cũng không cần quá lo lắng vì không phải trường hợp viêm phổi nào cũng cần nhập viện điều trị. Nếu trẻ bị mắc viêm phổi ở mức độ nhẹ thì có thể thăm khám và theo dõi, điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ tại nhà.

Trẻ thở nhanh nhưng không sốt cảnh báo bệnh gì?2
Bệnh viêm phổi có thể gây ra thêm nhiều những dấu hiệu khác

Khi nào trẻ mắc viêm phổi cần nhập viện?

Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng một cách rất nhanh chóng. Nếu trẻ không được nhập viện điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần theo dõi trẻ sát sao, cho trẻ nhập viện ngay khi trẻ có những biểu hiện sau đây:

  • Sốt cao kéo dài: Sốt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác không riêng bệnh viêm phổi, tuy nhiên nếu trẻ bị sốt cao kéo dài từ 2 - 3 ngày liên tục mà không thuyên giảm thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi nặng.
  • Co lõm lồng ngực: Đây cũng là một triệu chứng điển hình của tình trạng viêm phổi nặng. Có thể thấy, khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào. Cần lưu ý, phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là tình trạng rút lõm lồng ngực.
  • Cơ thể tím tái: Da của trẻ trở nên tím tái và nhợt nhạt, đặc biệt là ở vùng mặt, tay, chân, thậm chí là cả toàn thân. Trẻ trong tình trạng này cần được đi cấp cứu kịp thời, nếu không bệnh có thể gây nhiều biến chứng và nguy hiểm nhất là tử vong.
  • Một số các triệu chứng khác: Đau ngực, môi khô, mệt mỏi, nổi vân tím toàn thân, ngủ li bì, co giật, bỏ ăn, không thể ăn uống,...

Hàng năm đều ghi nhận một tỷ lệ lớn trẻ em tử vong vì viêm phổi do không được chẩn đoán từ sớm và điều trị đúng cách. Trẻ có thể gặp phải những biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tràn mủ màng phổi, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng tim, trụy tim, viêm phúc mạc,... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất đó chính là tử vong. Quan trọng là bố mẹ cần đưa trẻ nhập viện càng nhanh càng tốt, dựa vào thể trạng trẻ cũng như mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho con, giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.

Trẻ thở nhanh nhưng không sốt cảnh báo bệnh gì?3
Đưa trẻ nhập viện để điều trị kịp thời, tránh khiến cho sức khỏe trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm

Qua bài viết này, chắc hẳn bố mẹ đã nắm được về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm phổi. Vì thế, một khi thấy cơ thể con xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa con đi thăm khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng trẻ cũng như đưa ra phương pháp can thiệp điều trị khi cần thiết. Ngoài ra, hãy đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để giảm thiểu tối đa nguy cơ con mắc bệnh viêm phổi cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin