Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không?

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Trong quá trình mang thai, việc quản lý tiểu đường là một trong những vấn đề quan trọng mà thai phụ bị tiểu đường cần phải đối mặt. Một trong những lo ngại phổ biến là liệu mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không? Điều này thường khiến nhiều người lo lắng và tìm kiếm câu trả lời chính xác.

Nếu bạn đang tìm kiếm các thông tin liên quan đến câu hỏi “Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không?” thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về bệnh lý đái tháo đường thai kỳ cũng như các ảnh hưởng của bệnh lý này đến trẻ nếu không được kiểm soát, từ đó, giúp bạn giải đáp thắc mắc của mình.

Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ và những thông tin cần thiết

Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ là một loại bệnh lý có thể phát triển trong thai kỳ ở những phụ nữ chưa mắc bệnh lý đái tháo đường. Hàng năm, 2% đến 10% số ca mang thai ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi bệnh lý đái tháo đường thai kỳ. Kiểm soát bệnh lý đái tháo đường thai kỳ sẽ giúp đảm bảo thai phụ có thai kỳ khỏe mạnh.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ là một loại của bệnh lý đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu tiên ở phụ nữ mang thai khi chưa từng mắc đái tháo đường trước đó. 

Bệnh lý đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý trong đó cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách. Insulin là một loại hormone cần thiết để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Insulin giúp đường (glucose) di chuyển từ máu vào tế bào. Khi glucose không thể đi vào tế bào sẽ tích tụ trong máu gây tăng đường huyết.

neu-me-bi-tieu-duong-thai-ky-sinh-con-co-bi-tieu-duong-khong 1
Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Nguyên nhân gây bệnh

Mặc dù nguyên nhân của bệnh lý đái tháo đường thai kỳ chưa được biết rõ nhưng có một số giả thuyết được trình bày giải thích về lý do tại sao xảy ra tình trạng này. Về mặt lý thuyết, nhau thai bên cạnh nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi còn đồng thời sản xuất nhiều loại hormone trong thai kỳ. Các loại hormone được sản xuất như estrogen, cortisol và lactogen nhau thai ở người có thể gây tác dụng ngăn chặn insulin (tác dụng kháng insulin) thường bắt đầu vào từ tuần thứ 20 đến 24 của thai kỳ.

Khi nhau thai phát triển, nhiều hormone được sản xuất hơn dẫn đến nguy cơ kháng insulin sẽ cao hơn. Nguyên nhân được ghi nhận bởi tuyến tụy tạo ra thêm insulin để khắc phục tình trạng kháng insulin, tuy nhiên, khi việc sản xuất insulin không đủ để khắc phục tác dụng của hormone nhau thai sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Yếu tố nguy cơ

Mặc dù bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể phát triển bệnh lý đái tháo đường thai kỳ khi mang thai, tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
  • Đã từng sinh con trước đó nặng hơn 4kg.
  • Tuổi tác (phụ nữ trên 25 tuổi có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn phụ nữ trẻ).
  • Chủng tộc (phụ nữ là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Ấn Độ, người Mỹ gốc Á, người gốc Tây Ban Nha hoặc người La tinh hoặc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ cao hơn).
  • Tiền đái tháo đường, còn được gọi là rối loạn dung nạp glucose.
neu-me-bi-tieu-duong-thai-ky-sinh-con-co-bi-tieu-duong-khong 2
Thừa cân là yếu tố nguy cơ của bệnh lý

Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đến thai nhi và mẹ

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ thường có thể kiểm soát được và phòng ngừa được. Biện pháp phòng ngừa chính là kiểm soát lượng đường trong máu ngay khi chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường thai kỳ.

Trẻ sơ sinh của các bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ dễ bị mất cân bằng hóa học, chẳng hạn như nồng độ canxi huyết thanh thấp và nồng độ magie huyết thanh thấp. Nhìn chung, có hai vấn đề chính của bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến trẻ: Thai to và hạ đường huyết.

  • Macrosomia (thai to): Macrosomia dùng để chỉ một em bé lớn hơn đáng kể so với bình thường. Tất cả các chất dinh dưỡng mà thai nhi nhận được đều được cung cấp trực tiếp từ máu của người mẹ. Nếu máu mẹ có quá nhiều glucose, tuyến tụy của thai nhi sẽ cảm nhận được mức glucose cao và sản xuất nhiều insulin hơn để cố gắng sử dụng lượng glucose này. Thai nhi chuyển hóa lượng glucose dư thừa thành chất béo. Ngay cả khi người mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, thai nhi vẫn có thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết. Sự kết hợp giữa lượng đường trong máu cao của người mẹ và lượng insulin cao ở thai nhi dẫn đến lượng mỡ tích tụ lớn khiến thai nhi phát triển quá lớn.
  • Hạ đường huyết: Hạ đường huyết đề cập đến lượng đường trong máu thấp ở trẻ ngay sau khi sinh. Vấn đề này xảy ra nếu lượng đường trong máu của người mẹ luôn ở mức cao, khiến thai nhi có lượng insulin cao trong tuần hoàn. Sau khi sinh, em bé tiếp tục có lượng insulin cao nhưng không còn nhận được lượng đường cao từ mẹ, dẫn đến lượng đường trong máu của trẻ sơ sinh trở nên rất thấp. Lượng đường trong máu của em bé sẽ được kiểm tra sau khi sinh và nếu mức độ quá thấp, có thể cần phải tiêm glucose vào tĩnh mạch cho em bé.
neu-me-bi-tieu-duong-thai-ky-sinh-con-co-bi-tieu-duong-khong 3
Trẻ có thể gặp phải tình trạng hạ huyết áp

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không?

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không? Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em sinh ra từ một người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 trước 22 tuổi cao gấp đôi. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào đảo tụy sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Ngoài ra, có một số nghiên cứu khác cho thấy rằng con của một người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao gấp sáu lần so với một đứa trẻ khác sinh ra từ một người không mắc bệnh này. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 khác với đái tháo đường tuýp 1 và xảy ra khi tuyến tụy sản xuất insulin kém hiệu quả hơn và cơ thể trở nên đề kháng với insulin.

neu-me-bi-tieu-duong-thai-ky-sinh-con-co-bi-tieu-duong-khong 4
Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không?

Phòng tránh và quản lý đái tháo đường thai kỳ

Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh bệnh lý đái tháo đường thai kỳ:

  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để đảm bảo mức độ đường huyết luôn ở mức khỏe mạnh.
  • Ăn thực phẩm lành mạnh với số lượng phù hợp vào đúng thời điểm. Thực hiện theo kế hoạch ăn uống lành mạnh do bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng lập ra.
  • Lối sống năng động: Hoạt động thể chất thường xuyên với cường độ vừa phải (chẳng hạn như đi bộ nhanh) sẽ làm giảm lượng đường trong máu và khiến bạn nhạy cảm hơn với insulin nên cơ thể không cần nhiều insulin. Đảm bảo thảo luận với bác sĩ về loại hoạt động thể chất bạn có thể thực hiện và loại nào bạn nên tránh.
  • Theo dõi sự phát triển của bé: Tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển và phát hiện các bất thường của bé.

Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến câu hỏi “Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh con có bị tiểu đường không?”. Từ những thông tin đã được trình bày trong bài viết, chúng ta có thể kết luận rằng mẹ bị tiểu đường thai kỳ khi sinh thì trẻ sẽ nguy cơ mắc phải bệnh lý đái tháo đường trong tương lai. Do đó, việc quản lý bệnh lý đái tháo đường thai kỳ trong quá trình mang thai là rất quan trọng. Tuân thủ chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn và tuân thủ các chỉ dẫn y tế, thai phụ có thể đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Chúc các mẹ bầu có được một thai kỳ an lành và hạnh phúc!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin