Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?

Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một trong những thủ tục y tế quan trọng đối với người phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Phát hiện và quản lý kịp thời tình trạng tiểu đường thai kỳ không chỉ giúp giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm mà còn góp phần tối ưu hóa tình trạng sức khỏe của thai nhi, đảm bảo một sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Vậy xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?

Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các thông tin về tiểu đường thai kỳ cũng như trả lời cho câu hỏi liệu xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho bạn nhé!

Tổng quan về tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là một tình trạng khi mức glucose (đường) trong máu tăng cao bất thường do sự thay đổi trong cơ thể của người mẹ trong thời gian mang thai. Điều này xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tiểu đường thai kỳ có thể gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiểu đường thai kỳ được chia thành 2 loại:

  • Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai (Diabetes in pregnancy).
  • Đái tháo đường thai kỳ (Gestational diabetes mellitus).
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-co-duoc-huong-bao-hiem-khong 1
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé

Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ:

  • Tiểu nhiều lần: Do lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ đường qua nước tiểu, khiến phụ nữ mang thai phải đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Khát nước nhiều: Cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ đường bằng cách tăng cường thải nước, do đó người mang thai sẽ cảm thấy khát nước nhiều hơn.
  • Mệt mỏi: Tình trạng đường huyết không ổn định có thể gây cảm giác mệt mỏi, uể oải.
  • Nhiễm trùng đường tiểu: Do nồng độ đường trong nước tiểu cao, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
  • Mắt mờ: Tăng đường huyết có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, khiến thị giác trở nên mờ ảo.
  • Vết thương lành chậm: Tình trạng đường huyết không ổn định có thể làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Viêm nhiễm vùng kín: Nồng độ đường trong máu và nước tiểu cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm gây bệnh.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Trong tiểu đường thai kỳ, cơ thể không thể sử dụng glucose hiệu quả, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Điều này khiến tế bào có ít năng lượng để hoạt động nên cơ thể phải sử dụng chất béo thay thế, dẫn tới tình trạng sụt cân nhanh hơn so với bình thường.
  • Đa ối: Lượng nước ối trong tử cung nhiều hơn mức bình thường.
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-co-duoc-huong-bao-hiem-khong 2
Sụt cân không rõ nguyên nhân là một trong những triệu chứng rõ nhất ở thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ

Nếu phát hiện một hoặc nhiều dấu hiệu trên, bạn nên liên hệ bác sĩ sản khoa để được thực hiện xét nghiệm sàng lọc và theo dõi sức khỏe kịp thời. Việc phát hiện sớm, quản lý tốt tiểu đường thai kỳ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.

Đối tượng nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Phụ nữ có tiền sử tiểu đường: Đã từng mắc tiểu đường type 1 hoặc type 2 trước khi mang thai.
  • Phụ nữ có chỉ số BMI trước khi mang thai cao: BMI từ 25 kg/m2 trở lên được coi là thừa cân. Phụ nữ béo phì (BMI từ 30 kg/m2 trở lên) có nguy cơ rất cao (theo WHO).
  • Lớn tuổi: Tuổi mang thai trên 25 làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Nguy cơ càng cao khi tuổi càng lớn.
  • Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc tiểu đường: Có cha, mẹ, anh chị em ruột mắc tiểu đường.
  • Phụ nữ mang thai con to: Trong những lần mang thai trước, đã sinh con có trọng lượng lớn hơn 4 kg.
  • Phụ nữ mang đa thai: Có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn từ 2 đến 6 lần so với thai đơn. Do sự gia tăng nhu cầu insulin và tăng stress chuyển hóa trong đa thai.
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS liên quan đến tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa, làm gia tăng nguy cơ tiểu đường.

Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ nếu không được quản lý tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi.

Đối với thai phụ:

  • Tiền sản giật và sản giật: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn này, gây tổn thương gan, thận, phù não và thậm chí là tử vong.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ dễ bị các bệnh nhiễm trùng tại bàng quang, thận.
  • Chảy máu nhiều khi sinh: Do cơ bụng và cơ vùng chậu co thắt kém.
  • Đẻ mổ: Nguy cơ cao hơn do thai nhi to, khó đẻ qua đường âm đạo.
  • Tăng huyết áp thai kỳ: Làm tăng khả năng mắc tiền sản giật, sản giật.

Đối với thai nhi:

  • Dị tật bẩm sinh: Tăng nguy cơ dị tật về tim mạch, thần kinh, cơ xương.
  • Suy dinh dưỡng, phát triển chậm: Do mẹ mắc tiểu đường không được kiểm soát tốt.
  • Béo phì, tăng cân quá mức: Do glucose mẹ vượt mức, gây tích tụ mỡ ở thai nhi.
  • Suy hô hấp, vàng da nặng: Do sản sinh insulin quá nhiều, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa.
  • Tử vong sơ sinh: Nguy cơ cao do các biến chứng nêu trên.
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-co-duoc-huong-bao-hiem-khong 3
Dị tật tim bẩm sinh là một trong những biến chứng nghiêm trọng

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một quy trình rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Đây là một loạt các xét nghiệm được thực hiện nhằm phát hiện và theo dõi tình trạng tiểu đường ở phụ nữ có thai.

Các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bao gồm đường huyết đói, xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT), kiểm tra glucose trong nước tiểu và xét nghiệm HbA1c. Mỗi loại xét nghiệm đều nhằm mục đích khác nhau, giúp bác sĩ theo dõi và quản lý tình trạng sức khỏe của thai phụ một cách toàn diện. Việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo lịch trình do bác sĩ chỉ định là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến tiểu đường thai kỳ.

Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là vào tuần 24 - 28 của thai kỳ.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là nghiệm pháp cần thiết đối với giai đoạn mang thai. Bệnh lý tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện và quản lý kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không? Hiện nay, ở Việt Nam, theo Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi năm 2014) có viết rằng khi khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con sẽ được quỹ hiểm y tế chi trả và tùy vào tuyến khám bệnh.

Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường dao động từ 80.000 đồng đến 300.000 đồng tùy vào phương pháp xét nghiệm.

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-co-duoc-huong-bao-hiem-khong 4
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?

Biện pháp phòng chống tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là một tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng khoảng 3 - 20% số ca mang thai. Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát tốt. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa, kiểm soát tiểu đường thai kỳ:

  • Ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc. Hạn chế đường, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hàng ngày. Tránh các hoạt động thể chất mạnh.
  • Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân, béo phì: Giảm cân an toàn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
  • Theo dõi lượng đường huyết thường xuyên nếu đã bị tiểu đường trước khi mang thai.
  • Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ: Sử dụng insulin, thuốc hạ đường huyết theo chỉ định.
  • Kiểm tra sức khỏe trước sinh định kỳ: Bao gồm siêu âm, xét nghiệm đường huyết, nước tiểu,...
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết.
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-co-duoc-huong-bao-hiem-khong 5
Ăn uống lành mạnh là một trong các biện pháp phòng chống bệnh lý hiệu quả

Bằng cách tuân thủ những biện pháp trên, nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ và biến chứng sẽ giảm đáng kể, giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi “Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?” thì sẽ tùy vào tuyến bệnh viện cũng như phương pháp xét nghiệm mà có sự khác biệt về mức độ chi trả của các gói bảo hiểm. Vì vậy, các bà mẹ nên tìm hiểu kỹ về quyền lợi bảo hiểm của mình và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo nhận được dịch vụ chăm sóc tối ưu trong suốt thời kỳ mang thai nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin