Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ và biện pháp phòng tránh

Ngày 11/07/2024
Kích thước chữ

Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường từ tuần thai thứ 24 - 28. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vậy phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý mà thai phụ có thể gặp phải trong quá trình mang thai. Nếu mắc phải tình trạng này, mẹ bầu cần được điều trị kịp thời và đúng cách để hạn chế xảy ra biến chứng tới sức khỏe của cả hai mẹ con. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ về phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về bệnh đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường huyết tăng cao trong quá trình mang thai, thường xảy ra ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ. Nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt thì cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp nguy hiểm.

Thông thường, bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ sinh ra từ những thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào? Biện pháp phòng tránh
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé

Ở phụ nữ mang thai, bánh rau sẽ tăng sản xuất một số loại hormone làm cho lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy có thể sản xuất đủ lượng insulin để xử lý hết lượng đường huyết này thì cơ thể của thai phụ sẽ không xảy ra bất thường. 

Tuy nhiên, nếu tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể của thai phụ xảy ra tình trạng đề kháng với insulin thì sẽ gây ra hiện tượng tăng đường huyết. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Vậy phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Mục tiêu của phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ cần đạt được, gồm có:

  • Chỉ số lượng đường máu khi đói, đường máu trước khi ăn và đường máu trước khi ngủ là 3,9 - 5,5 mmol/l.
  • Chỉ số lượng đường máu sau khi ăn 1 giờ và 2 giờ là từ 5,4 - 7,1 mmol/l.
  • Chỉ số HbA1C < 6%.

Bên cạnh đó, khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách điều chỉnh lượng đường huyết bằng:

  • Chế độ ăn giảm glucid và chất ngọt;
  • Theo dõi lượng đường huyết liên tục 6 lần/ngày.

Nếu sau 2 tuần không đạt được kết quả mong muốn sẽ chuyển sang phương pháp tiêm thuốc insulin để kiểm soát glucose.

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào? Biện pháp phòng tránh 2
Người béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi mang thai

Trong phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần phải điều trị bệnh bằng insulin với những đặc điểm sau:

  • Insulin là một loại thuốc chủ chốt trong điều trị đái tháo đường thai kỳ.
  • Insulin được sử dụng trước bữa ăn và insulin nền dùng vào buổi tối là tốt nhất.
  • Liều khởi đầu tính theo cân nặng: Từ 0,4 - 0,5 đơn vị/kg thể trọng/ngày.
  • Tổng liều lượng insulin cần chia ra là 40 - 50% insulin nền và 50 - 60% insulin trước bữa ăn.
  • Chỉnh liều lượng insulin dần đến mục tiêu đường máu cần đạt được.

Bên cạnh việc áp dụng đúng phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần:

  • Hạn chế tiêu thụ chất tinh bột: Chiếm 35 - 45% tổng số năng lượng, mẹ bầu nên chọn loại thực phẩm có chỉ số tăng đường máu thấp.
  • Chia thực đơn ăn thành 3 bữa chính và từ 2 - 3 bữa phụ. Lượng calo chia như sau: 30% bữa sáng, 30% bữa trưa, 20% cho bữa tối và 20% cho các bữa phụ.
  • Lựa chọn các nhóm thực phẩm giàu chất xơ, hoa quả ít đường, rau xanh, ít chất bão hòa.
  • Tránh tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo, hoa quả nhiều đường.
  • Thực đơn đủ 5 món: Ngũ cốc, rau củ, chất đạm, hoa quả và sản phẩm từ sữa. Đồng thời, mẹ bầu cần bổ sung thêm sắt, acid folic, canxi và multivitamin.

Sau khi sinh con, những sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ cần phải tích cực tập luyện thể dục - thể thao, xây dựng chế độ ăn uống khoa học nhằm ngăn ngừa cũng như trì hoãn sự phát triển thành tiểu đường type 2.

Ngoài ra, sản phụ cần phải xét nghiệm lại các chỉ số về bệnh tiểu đường sau khi sinh em bé từ 6 - 12 tuần, sau đó định kỳ 1 - 3 năm/lần. Hầu hết các trường hợp chị em phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ hết ngay sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, nếu bệnh đái tháo đường vẫn chưa khỏi sau sinh thì sẽ được gọi là đái tháo đường type 2.

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào? Biện pháp phòng tránh 3
Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ

Hiện tại vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu bạn duy trì các thói quen, lối sống lành mạnh trước và trong quá trình mang thai sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ phải căn bệnh này.

Trong trường hợp bạn đã từng bị bệnh đái tháo đường thai kỳ từ trước, việc tuân thủ lối sống lành mạnh cũng hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh trong lần mang thai kế tiếp hoặc phát triển thành đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ, bao gồm:

  • Lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe như thực phẩm giàu chất xơ, ít calo và chất béo, ăn nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Vận động cơ thể thường xuyên: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động như đi bộ, lau dọn nhà cửa, tưới cây… cũng rất tốt cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
  • Duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì chính là tiền nguyên nhân của một loạt các vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, sinh non, tiền sản giật… Chính vì thế, nếu chị em đang có ý định mang thai thì cần đưa cân nặng về mức trung bình.
  • Tăng cân trong thai kỳ theo đúng khuyến nghị: Việc tăng cân quá nhanh trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt dễ xảy ra ở những phụ nữ thừa cân trước khi mang thai. Do vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức độ tăng cân hợp lý trong thai kỳ phù hợp với thể trạng của bạn và thai nhi.
Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào? Biện pháp phòng tránh 4
Thai phụ nên ăn thực phẩm có lợi cho thai kỳ để phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh đái tháo đường thai kỳ và phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ. Chị em phụ nữ cần đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất tốt nhất trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh được các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra trong quá trình mang thai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin