Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách phòng ngừa hội chứng chuyển hóa

Ngày 04/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng chuyển hóa là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến tim mạch, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng như đái tháo đường type 2. Vậy làm cách nào để ngăn chặn hội chứng trên hiệu quả? Mời bạn đón đọc những chia sẻ ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Hội chứng chuyển hóa không phải bệnh lý cụ thể nhưng đây là nguyên nhân dẫn đến những bệnh lý có liên quan, đặc biệt là bệnh tim mạch và đái tháo đường. Nguyên nhân gây ra hội chứng này khá đa dạng và phức tạp. 

Nguyên nhân bị hội chứng chuyển hóa là gì? 

Theo nghiên cứu cho thấy, hội chứng chuyển hóa là tập hợp các nguy cơ và không có nguyên nhân nào là chính xác hoàn toàn cho hội chứng này. Những yếu tố gây hội chứng chuyển hóa phổ biến nhất có thể kể đến như: 

  • Béo phì: Người bị béo phì hoặc thừa cân cũng là một yếu tố được đánh giá cao có khả năng gây nên hội chứng chuyển hóa. Ngoài thừa cân thì dư lượng chất béo và cholesterol cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch nguy hiểm. 
  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra được yếu tố gen di truyền về gia đình, sắc tộc cũng có thể là yếu tố góp phần hình thành hội chứng chuyển hóa. 
  • Lối sống: Lối sống kém lành mạnh, chế độ ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, sử dụng chất kích thích thường xuyên,... là nguyên nhân gây béo phì và cũng dẫn đến nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa. 
  • Lười vận động: Đối với người ăn nhiều chất béo, đường ngọt, sử dụng chất kích thích hoặc béo phì nhưng không thường xuyên vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. 

Cách phòng ngừa hội chứng chuyển hóa 1

Hội chứng chuyển hóa liên quan đến bệnh lý tim mạch và đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa 

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc hội chứng chuyển hóa như: 

  • Số đo vòng eo lớn.
  • Gia đình có người từng mắc hội chứng chuyển hóa, đặc biệt người càng gần huyết thống càng có nguy cơ cao.
  • Lười vận động, không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh, dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn,... mà không có chế độ tập luyện rõ ràng.
  • Đề kháng insulin.
  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh lý cũng có thể gây tác dụng phụ là hội chứng chuyển hóa. 

Những loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như thuốc điều trị tình trạng viêm nhiễm, HIV, thuốc kháng miễn dịch, thuốc dị ứng hay kiểm soát trầm cảm,... với cơ chế làm tăng khả năng thừa cân và thay đổi huyết áp kém ổn định dẫn đến tích tụ cholesterol và đường trong máu cao. 

Khi bị hội chứng chuyển hóa có những triệu chứng nào? 

Để có cách can thiệp đúng lúc và sớm nhất, tăng hiệu quả điều trị thì nhận biết hội chứng chuyển hóa từ sớm là điểm mấu chốt. Theo thông tin từ AHA, các bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng chuyển hóa nếu người bệnh xuất hiện ít nhất 3 trong 5 dấu hiệu sau đây:

  • Mỡ tích tụ nhiều ở nội tạng, xung quanh nội tạng và người bị béo bụng, cụ thể hơn ở nam giới, số đo vòng eo trên 102cm là béo bụng còn ở nữ giới là trên 88cm.
  • Đường huyết đo được khi đói cao trên 100mg/dL cũng là dấu hiệu quan trọng cho thấy hội chứng chuyển hóa.
  • Huyết áp đo được lớn hơn hoặc bằng 135/85 mmHg.
  • Có dấu hiệu tăng triglyceride trong máu vượt ngưỡng 150 mg/dL.
  • Chỉ số HDL đo được ở nam giới thấp hơn 40 mg/dL và ở nữ giới là thấp hơn 50 mg/dL. 

Người có từ 3 dấu hiệu trên đây là người có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cũng như bệnh lý về tim mạch tương đối cao, cần thực hiện thêm một số kiểm tra, xét nghiệm cụ thể hơn để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân và có phương án điều trị, hỗ trợ một cách tốt nhất. 

Cách phòng ngừa hội chứng chuyển hóa 2

Mỡ nội tạng là một trong những triệu chứng của hội chứng chuyển hóa

Phòng ngừa hội chứng chuyển hóa bằng cách nào? 

Theo các chuyên gia y học cũng như chuyên gia dinh dưỡng cho biết, xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh hơn là cách mà bạn có thể chủ động phòng ngừa hội chứng chuyển hóa một cách hiệu quả. Cụ thể là: 

Chế độ ăn ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa

Tuân thủ một chế độ ăn nghiêm ngặt và lành mạnh giúp bạn cải thiện được một số triệu chứng rối loạn lipid trong máu hiệu quả lắm đấy: 

  • Tăng cường ăn nhiều rau xanh hơn, đặc biệt là những loại rau có lá màu xanh đậm và rau có lá vì chứa hàm lượng chất xơ cao hơn những loại rau thông thường.
  • Nên chọn nguồn tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và gạo làm từ lúa mì nguyên cám để cung cấp tinh bột chuyển hóa chậm cho cơ thể cảm giác no lâu hơn, khỏe mạnh, ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa tốt hơn.
  • Nên cắt giảm lượng chất béo từ sữa động vật, bạn có thể chọn uống sữa tách béo hoặc chuyển sang uống sữa thực vật cũng rất thơm ngon.
  • Nên ăn nguồn protein từ các loại thịt nạc nhiều, hạn chế tối đa mỡ như thịt bò, thịt gà (ức gà) và các loại cá,...
  • Sử dụng dầu ăn chứa chất béo không bão hòa để nấu ăn sẽ tốt hơn, thay thế mỡ động vật bằng các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu gạo, dầu oliu, dầu hạnh nhân,...
  • Khi ăn trái cây nên ưu tiên các loại trái cây có vị chua ngọt dịu, không nên ăn những loại quả quá ngọt vì có chứa nhiều đường, không tốt cho người bệnh tiểu đường type 2.
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn và đồ ăn vặt chứa nhiều đường, chất béo, gia vị,...

Cách phòng ngừa hội chứng chuyển hóa 3

Muốn ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa nên ăn thịt nạc nhiều, ít chất béo

Chế độ luyện tập phòng chống hội chứng chuyển hóa

Ngoài ăn uống thì việc tập luyện thường xuyên cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng với người muốn ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa, cụ thể như:

  • Tăng cường hoạt động, vận động nhiều hơn, tránh ngồi hoặc nằm quá lâu gây ì ạch, tích tụ mỡ thừa không tốt cho cơ thể.
  • Có thể lựa chọn tập các môn thiên về sức mạnh để xây dựng hình thể tốt hơn và cũng có lợi cho sức khỏe hơn, đốt mỡ nhiều hơn.
  • Luôn có chế độ tập luyện cá nhân và kiên trì theo đuổi đến cùng, tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa.
  • Khi tập luyện cũng đừng quên khởi động thật kỹ và sử dụng dụng cụ chuyên dụng để giảm tối đa nguy cơ chấn thương.
  • Tập từ từ và nâng dần cấp độ để tránh chán nản, muốn bỏ tập. 

Hy vọng với những chia sẻ trên đây về phương án phòng ngừa hội chứng chuyển hóa đã giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về hội chứng này. Ngoài ra, để phát hiện sớm hội chứng chuyển hóa, bạn cũng cần suy trì khám sức khỏe tổng quát định kỳ, bạn nhé. 

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm