Ở Singapore, mỗi năm có hơn 3000 trường hợp ung thư vú được chẩn đoán và vào năm 2020 có khoảng 900 phụ nữ đã chết vì căn bệnh ung thư vú này.
Nhìn vào số liệu thống kê, không có gì ngạc nhiên khi ung thư vú là loại ung thư số 1 được chẩn đoán ở phụ nữ Singapore và chiếm khoảng 32% tổng số bệnh ung thư ở phụ nữ. Mặc dù con số này đáng báo động, tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ phát triển ung thư vú và khắc phục căn bệnh này bằng cách phát hiện và điều trị sớm.
Ai có nguy cơ mắc ung thư vú?
Những phụ nữ có độ tuổi trên 40 thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Bên cạnh đó những yếu tố nguy cơ dưới đây cũng đáng được quan tâm:
Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc bệnh ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ đó tăng gấp đôi nếu người thân thế hệ thứ nhất, chẳng hạn như mẹ hoặc chị gái của bạn, bị ung thư vú, vì 5 đến 10% trường hợp ung thư vú là do di truyền. Bệnh nhân có đột biến gen di truyền gây ung thư thường có nhiều họ hàng thế hệ thứ nhất và thứ hai mắc bệnh ung thư vú hoặc các bệnh ung thư khác liên quan đến đột biến. Các đột biến gen phổ biến như BRCA 1 và 2 làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú trong đời lên tới 60 - 80%.
Tiền sử Sản khoa: Nếu bạn trì hoãn việc có con đến ngoài 35 tuổi, có kinh nguyệt bắt đầu trước 12 tuổi hoặc bạn bước vào thời kỳ mãn kinh muộn sau 55 tuổi, điều đó có nghĩa là bạn tiếp xúc với hóc môn estrogen lâu hơn so với những người phụ nữ khác, từ đó có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Lối sống: Cân nặng và thói quen ăn uống của bạn cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thừa cân, hạn chế vận động, đặc biệt là sau mãn kinh, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Việc có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật và rượu có thể làm tăng nguy cơ. Ngược lại, việc lựa chọn các sản phẩm đậu nành, dầu omega 3 từ cá và chế độ ăn giàu selen, vitamin A, C và E có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tật.
Tiếp xúc với hormone: Việc sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone (Hormone replacement Therapy - HRT) kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Hãy thảo luận với bác sĩ khi bạn có dự định thực hiện liệu pháp hormone.
Ung thư vú không chỉ là căn bệnh của phụ nữ lớn tuổi
Từ năm 2011 đến 2015, 4.616 phụ nữ dưới 54 tuổi ở Singapore được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Sự gia tăng các trường hợp ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh có thể là do lối sống tại thành thị ngày nay - phụ nữ thường có xu hướng trì hoãn việc sinh con ở độ tuổi 30 và thường có ít con hơn. Đồng thời lối sống không lành mạnh và ít vận động, hút thuốc và lạm dụng rượu cũng là các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú cao.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư vú?
Với 1 trong 13 phụ nữ ở Singapore có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trong đời. Chính vì vậy, chúng ta cần có những nhận thức về các biện pháp để giảm nguy cơ mắc ung thư vú như:
Tự kiểm tra vú
Bạn nên tự kiểm tra vú hàng tháng (từ ngày 7 đến ngày 10 của chu kỳ kinh nguyệt) xem có bất kỳ thay đổi nào không. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi như lõm trên da, thay đổi hình dáng ở núm vú…, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Sàng lọc ung thư vú
Bắt đầu sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh hàng năm khi bạn 40 tuổi hoặc sớm hơn 10 năm tuổi so với tuổi của thành viên trong gia đình khi được phát hiện mắc bệnh K vú. Đây hiện là phương pháp sàng lọc ung thư vú đáng tin cậy nhất vì nó có thể phát hiện sự hiện diện của các khối u ung thư ngay cả trước khi chúng ta có thể cảm nhận khi tự kiểm tra vú.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Duy trì cân nặng hợp lý, áp dụng chế độ ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, giảm uống rượu và không hút thuốc. Theo một số khảo sát cho thấy những phụ nữ tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải có bổ sung dầu ô liu nguyên chất và các loại hạt hỗn hợp dường như đã thành công hơn trong việc ngăn ngừa ung thư vú. Chế độ ăn kiêng này chủ yếu dựa trên thực vật và bao gồm các chất béo lành mạnh như dầu ô liu thay vì bơ, cá hay thịt đỏ.
Tư vấn di truyền và xét nghiệm di truyền
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, bạn có thể cân nhắc tư vấn di truyền để đánh giá nguy cơ ung thư vú của mình. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao có thể đề nghị được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các biện pháp phòng ngừa. Các lựa chọn bao gồm liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng.
Phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng
Phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú có thể lựa chọn thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú một bên hoặc cắt bỏ cả hai vú trước khi phát hiện bất kỳ bệnh ung thư nào. Điều này giúp giảm 90 - 95% nguy cơ xảy ra ung thư vú. Tạo hình vú hai bên thường sẽ được thực hiện cùng lúc nhằm tạo thẩm mỹ, giúp bệnh nhân ít chịu áp lực tâm lý xã hội nhất.
Chẩn đoán ung thư vú
Chụp X-quang tuyến vú hay còn gọi là chụp nhũ ảnh không chỉ có giá trị trong sàng lọc ung thư vú mà còn hỗ trợ chẩn đoán rất tốt ung thư vú. Sử dụng tia X-quang mềm cung cấp hình ảnh các mô bên trong vú. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, có thể cần thêm thăm dò hình ảnh bổ sung khác để đưa ra những đánh giá chính xác hơn.
Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện được vôi hóa và khối u ở vú, tuy nhiên không thể xác định chúng là do ung thư vú. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sâu hơn như sinh thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Công nghệ chụp X-quang tuyến vú đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là với sự ra đời của kỹ thuật chụp X-quang tuyến vú 3D mang lại nhiều lợi ích vượt trội giúp phát hiện những bất thường ở cả những phụ nữ có mô vú dày đặc.
Phụ nữ trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ mắc ung thư vú cao nên chụp X-quang tuyến vú định kỳ mỗi năm. Đây là xét nghiệm đơn giản nhưng có thể giúp phát hiện sớm ung thư vú, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và cứu sống bệnh nhân.
Hy vọng những thông tin về cách phòng ngừa ung thư vú trong bài hữu ích với bạn đọc. Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm, chính vì vậy việc phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bạn tránh căn bệnh này. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện các biện pháp sàng lọc ung thư vú để phát hiện sớm nhằm tăng hiệu quả điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.