Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Sức khỏe giới tính/
  4. Mô vú dày đặc

Mô vú dày đặc có nguy hiểm hay không? Những điều cần lưu ý

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin

Mô vú dày đặc là một chẩn đoán được phát hiện dựa vào chụp X-quang tuyến vú. Mô vú dày đặc là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Tuy nhiên, không phải ai có tình trạng này cũng sẽ mắc ung thư vú. Do đó, hãy tầm soát ung thư vú theo chỉ định của bác sĩ và khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi những bất thường trong cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung mô vú dày đặc

Mô vú dày đặc là gì?

Vú của nữ giới được cấu tạo gồm:

  • Mô liên kết: Giúp hỗ trợ, bảo vệ và cố định các cơ và mô trong vú đúng vị trí.
  • Mô tuyến: Được tạo thành từ các tuyến sữa (chịu trách nhiệm tạo sữa) và ống dẫn (đưa sữa đến núm vú).
  • Mô mỡ: Lấp đầy các khoảng trống giữa mô liên kết và mô tuyến.

Các mô liên kết và mô mỡ này sẽ tạo ra hình dạng ngực cho nữ giới. Vú của mọi người đều giống nhau trước khi bắt đầu dậy thì. Khi bạn bắt đầu thời kỳ dậy thì, mô vú của nữ giới sẽ bắt đầu phát triển về kích thước và số lượng.

Mô vú dày đặc là tình trạng số lượng mô liên kết và mô tuyến cao hơn so với mô mỡ. Đây là một chẩn đoán dựa vào X-quang tuyến vú. X-quang tuyến vú cũng sẽ giúp bạn xác định mô nào chiếm ưu thế.

Mô vú dày đặc khá phổ biến, khoảng 50% chụp X-quang tuyến vú cho thấy có tình trạng mô vú dày đặc. Tình trạng này thường thấy ở người còn chu kỳ kinh nguyệt vì sau mãn kinh các mô mỡ thường nhiều hơn các mô còn lại.

Triệu chứng mô vú dày đặc

Những dấu hiệu và triệu chứng của mô vú dày đặc

Không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào báo cho bạn biết mình đang có tình trạng mô vú dày đặc. Nhìn bên ngoài, bạn sẽ thấy mình có một bộ ngực đầy đặn, và cũng không lớn hơn hay nhỏ hơn so với người khác. Do đó, để biết được chính xác mình có mô vú dày đặc, hãy đi chụp X-quang tuyến vú.

Tác động của mô vú dày đặc đối với sức khỏe

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có mô vú dày đặc có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn gấp 4 đến 6 lần. Vì những người có mô vú dày thường có số lượng ống dẫn sữa và tuyến sữa nhiều hơn và ung thư thường phát sinh ở những nơi này. Tuy nhiên, khi bạn có mô vú dày đặc không có nghĩa là bạn sẽ mắc ung thư vú. Ngoài ra, mô vú dày đặc khiến việc phát hiện sớm ung thư vú gặp khó khăn trên phim chụp hơn, do đó những người có mô vú dày đặc thường mắc ung thư vú cao hơn những người không có tình trạng này.

Lưu ý một số tình trạng sau cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú nếu đi kèm với những người có mô vú dày đặc:

  • Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú;
  • Tuổi tác;
  • Tiền sử mắc bệnh ung thư khác;
  • Các khối u lành tính khác ở vú;
  • Sử dụng rượu bia;
  • Sinh con (nhất là con đầu lòng) sau 30 tuổi;
  • Không có con (vô sinh);
  • Điều trị liệu pháp hormone thay thế;
  • Chỉ số BMI cao;
  • Không hoạt động thể lực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mô vú dày đặc không gây ra triệu chứng và dấu hiệu nào, cũng như bạn không thể phát hiện khi sờ nắn vùng ngực. Do đó, hãy đi khám nếu bạn có bất cứ yếu tố nguy cơ nào kể trên để được chẩn đoán sớm.

Mô vú dày đặc có nguy hiểm hay không? Những điều cần lưu ý 5
Hãy đi khám bác sĩ khi có bất cứ yếu tố nguy cơ nào

Nguyên nhân mô vú dày đặc

Nguyên nhân dẫn đến mô vú dày đặc

Hiện tại vẫn chưa biết lý do tại sao mô vú ở một số nữ giới có tình trạng tăng số lượng mô liên kết và mô tuyến hơn mô mỡ. Một số yếu tố đã được ghi nhận thường xuất hiện trên những người có mô vú dày đặc:

Di truyền: Di truyền có thể đóng một vai trò trong việc quyết định mật độ vú. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những người có mẹ hoặc chị gái có tình trạng mô vú dày đặc thì người đó khả năng cao cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.

Nội tiết tố: Việc thay đổi nồng độ hormone hoặc sử dụng các thuốc có chứa hormone như estrogen hoặc progesterone có thể làm thay đổi tỷ lệ mô vú của nữ giới. Ví dụ, mô vú của bạn sẽ chứa nhiều mô mỡ hơn khi bạn bước vào giai đoạn mãn kinh, lúc này nồng độ estrogen giảm sút.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)