Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Cách phòng tránh virus Rota như thế nào?

Ngày 17/12/2023
Kích thước chữ

Rota là loại virus gây nên bệnh tiêu chảy cấp và có khả năng lây lan mạnh mẽ. Cùng tìm hiểu ngay cách phòng tránh virus Rota nhé!

Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em là nỗi ám ảnh của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh này là virus Rota. Theo thống kê của WHO, mỗi năm, trên thế giới có đến hơn 215.000 ca tử vong do virus này gây ra. Vậy có cách phòng tránh virus Rota không? Thắc mắc này sẽ được Long Châu giải đáp ngay qua bài viết dưới đây.

Bệnh tiêu chảy do virus Rota là gì?

Tiêu chảy Rota hay còn được biết đến là căn bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch còn yếu, virus Rota có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và phát triển nhanh chóng.

Virus Rota có cấu tạo dạng vòng và được phân thành nhiều nhóm khác nhau là: A, B, C, D, E, F và G. Trong đó, A, B, C là 3 chủng có tỷ lệ gây bệnh cao nhất ở người. Nếu không may mắc phải virus Rota chủng A, trẻ có thể bị tiêu chảy nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Khí hậu nhiệt đới ẩm tại Việt Nam chính là điều kiện thuận lợi để loại virus này phát triển và gây bệnh. Chính vì thế mà Bộ Y tế đã xếp bệnh tiêu chảy Rota vào danh sách những căn bệnh phổ biến ở trẻ em, chỉ xếp sau nhiễm trùng hô hấp trên cấp. Do đó, cha mẹ cần chủ động nâng cao sức đề kháng cho con vào giai đoạn mùa xuân - hè, từ tháng 3 - tháng 9.

Virus Rota có nguy hiểm không? Có cách phòng tránh virus Rota không? 1
Virus Rota tồn tại rất nhiều trong môi trường sinh hoạt hàng ngày 

Triệu chứng của bệnh tiêu chảy Rota

Ban đầu, các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do virus Rota gây ra thường không rõ ràng nên rất dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh cảm cúm, sốt, tiêu chảy,... thông thường. Để xác định được chính xác liệu bé yêu có mắc tiêu chảy Rota hay không, cha mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu đặc trưng của bệnh như sau:

  • Buồn nôn và nôn mửa: Nôn mửa là triệu chứng đầu tiên báo hiệu trẻ bị tiêu chảy Rota. Trẻ sẽ cảm thấy buồn nôn liên tục trong 6 - 24 giờ đầu, trước khi triệu chứng tiêu chảy xuất hiện.
  • Tiêu chảy: Virus Rota làm cho phân thải ra ngoài có màu xanh, nhiều nước và kèm theo nhớt. Đối với trẻ sơ sinh, bé có thể đi ngoài lên đến 20 lần/ngày. Còn với trẻ từ 1 - 5 tuổi, số lần đi ngoài sẽ khoảng 10 lần/ngày.
  • Mất nước: Cơ thể mất nước thường có các biểu hiện bất thường là: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô,… Lúc này, cha mẹ cần nhanh chóng bù nước có chứa thành phần muối cho trẻ để tránh mất nước, mất muối quá lâu dẫn đến tử vong.
  • Mệt mỏi, kiệt sức: Trẻ trở nên nhạy cảm hơn, hay quấy khóc, ăn uống kém,...
  • Sốt cao: Sốt do tiêu chảy cấp thường đi kèm với ho và sổ mũi nhiều.
Virus Rota có nguy hiểm không? Có cách phòng tránh virus Rota không? 2
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy Rota rất dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác 

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy Rota

Dù nguyên nhân sâu xa dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em là virus Rota nhưng cha mẹ vẫn cần xem xét kỹ các yếu tố khách quan khác để điều trị được dứt điểm các triệu chứng của bệnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, virus Rota có nguy cơ cao xâm nhập vào cơ thể trẻ nếu xuất hiện một trong số các nguyên nhân dưới đây:

  • Bình sữa và dụng cụ ăn uống của trẻ không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm khuẩn.
  • Đồ ăn của trẻ không được bảo quản đúng cách sau khi chế biến hoặc đun lại nhiều lần.
  • Thức ăn bị ô nhiễm trong quá trình chế biến, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống như: Thịt bò, thịt gà, thịt lợn, hải sản,...
  • Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm hoặc trẻ uống nước chưa được đun sôi.
  • Cha mẹ không rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, khiến cho virus Rota truyền từ tay người sang đồ ăn.
  • Trẻ có thói quen đưa tay hoặc đồ chơi vào miệng khi chơi đùa.

Có cách phòng tránh virus Rota không?

Cách phòng tránh virus Rota chính là mối quan tâm lớn nhất của hầu hết các ông bố, bà mẹ hiện nay. Trên thực tế, có 2 cách phòng tránh virus Rota đơn giản và hiệu quả nhất mà cha mẹ có thể thực hiện bất cứ lúc nào để bảo vệ trẻ khỏi loại virus nguy hiểm này. Đó là:

Sử dụng vắc xin Rota

Do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên vắc xin Rota chính là cách hiệu quả nhất trẻ tránh xa căn bệnh tiêu chảy. 

Virus Rota có nguy hiểm không? Có cách phòng tránh virus Rota không? 3
Cho trẻ sử dụng vắc xin Rota chính là cách phòng tránh virus Rota hiệu quả 

Nhờ có loại vắc xin này, số lượng trẻ mắc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng đã giảm hơn 84% và giảm đến 85% tỷ lệ tử vong. Thời điểm tốt nhất mà trẻ có thể sử dụng vắc xin Rota là từ 6 tuần tuổi đến trước 6 tháng tuổi.

Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ cung cấp vắc xin Rota chính hãng, giá tốt. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến các chi nhánh Tiêm chủng Long Châu để được bác sĩ khám sàng lọc và thực hiện chủng ngừa.

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày

Bên cạnh biện pháp phòng ngừa bằng vắc xin, cha mẹ cũng cần chủ động xây dựng các thói quen sinh hoạt tốt, giúp nâng cao sức khỏe của trẻ và cả gia đình. Cụ thể:

  • Tuân thủ nghiêm túc quy tắc “ăn chín, uống sôi”.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn kém vệ sinh.
  • Nên tiệt trùng bình sữa và dụng cụ ăn uống của trẻ bằng nước sôi hoặc máy tiệt trùng chuyên dụng trước khi sử dụng.
  • Vệ sinh đồ chơi và khu vực sinh hoạt của trẻ một cách thường xuyên.
  • Bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và men vi sinh để nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ.
Virus Rota có nguy hiểm không? Có cách phòng tránh virus Rota không? 4
Cha mẹ nên thường xuyên làm vệ sinh đồ chơi của bé sạch sẽ 

Bài viết trên đã giúp cha mẹ trả lời câu hỏi: “Có cách phòng tránh virus Rota không?”. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những phương pháp chăm sóc trẻ hiệu quả, khoa học khác nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Tiêm chủng