Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ nhỏ. Bệnh mang đến những triệu chứng khó chịu và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nếu biết được nguyên nhân gây bệnh, chúng ta sẽ biết cách phòng và bệnh hiệu quả.

Trong các bệnh viêm đường hô hấp trên, nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp hơn nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Và nhiễm trùng hô hấp trên cấp là tình trạng nhiễm trùng xảy ra bất ngờ với các triệu chứng kéo dài dưới 14 ngày. Nếu nhiễm trùng cấp tính không sớm được phát hiện và điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới thậm chí trở thành nhiễm trùng mãn tính.

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp là bệnh gì?

Đường hô hấp trên của hệ hô hấp con người bao gồm các bộ phận như mũi, tai, xoang, họng, hầu, thanh quản,… Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở một hoặc nhiều hơn một trong số các cơ quan kể trên. Có nhiều dạng nhiễm trùng hô hấp trên. Mỗi dạng sẽ biểu hiện thành những triệu chứng khác nhau, trong đó cũng có nhiều triệu chứng giống nhau.

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên xuất hiện đột ngột với các triệu chứng dồn dập, bất ngờ nhưng không kéo dài. Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp thường gặp nhất là các dạng: Cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản,...

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp. Tuy nhiên, người lớn có tần suất mắc bệnh thấp hơn, thường ít nhất mỗi năm 1 lần. Trẻ em với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sẽ có tần suất mắc bệnh dày đặc hơn. Thời gian diễn ra mỗi đợt nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp trên thường là 3 - 14 ngày. Các trường hợp nhiễm trùng diễn ra lâu hơn gọi là nhiễm trùng mãn tính.

nhiem-trung-ho-ap-tren-cap-1.jpg
Phân định đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới

Nhiễm trùng hô hấp trên thường đi kèm các triệu chứng như chảy nhiều dịch mũi, ho nhiều, hắt hơi nhiều, đau rát họng, sốt,… Đây là những triệu chứng khá bình thường nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị tốt, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, biến chứng ngoài phổi, biến chứng tim,…

Cơ chế nhiễm trùng hô hấp trên cấp

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp chủ yếu được gây ra bởi virus, vi khuẩn. Chúng dễ dàng lây nhiễm qua giọt bắn hô hấp từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh. Cơ chế lây nhiễm tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như sau:

Khi chúng ta hít thở, lớp niêm mạc bên trong đường hô hấp sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận luồng không khí. Nhiệm vụ của nó là làm ấm không khí, lọc sạch không khí, giữ lại bụi bẩn, virus, vi khuẩn,... trước khi không khí đi vào khí quản. Các lông mao và dịch nhầy trên lớp niêm mạc các cơ quan hô hấp trên sẽ làm việc này.

Tuy nhiên, do bám giữ virus, vi khuẩn cùng bụi bẩn mà niêm mạc cơ quan hô hấp trên có thể bị tấn công gây viêm nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân mà bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên phổ biến hơn so với nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Cơ chế này cũng giải thích vì sao đường hô hấp trên thường xuyên bị nhiễm trùng hơn và thường nhiễm trùng trước đường hô hấp dưới.

nhiem-trung-ho-ap-tren-cap-3.jpg
Virus, vi khuẩn - kẻ thù số một của hệ hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng hô hấp trên cấp không phải là bệnh nguy hiểm. Nhưng triệu chứng của các nhiễm trùng này ít nhiều sẽ gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Mức độ ảnh hưởng của nhiễm trùng cấp tùy thuộc vào từng tình trạng cụ thể.

Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng cấp ở đường hô hấp trên kéo dài, không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Việc này cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, hen phế quản và nhiều biến chứng khác.

Vào thời điểm giao mùa, nhiễm trùng cấp ở đường hô hấp trên hoàn toàn có thể bùng lên thành dịch. Lý do là điều kiện thời tiết lúc này rất lý tưởng để thúc đẩy sự bùng phát của tác nhân gây bệnh. Điều này khiến những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người yếu bệnh dễ bị lây nhiễm bệnh.

Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng hô hấp trên cấp

Khi nhiễm trùng hô hấp trên cấp phát triển, nhiễm trùng sẽ lan xuống gây nhiễm trùng hô hấp dưới. Lúc này, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ biến chứng như:

  • Nhiễm trùng lan đến các thùy phổi khiến người bệnh bị suy hô hấp cấp tiến triển. Biến chứng này rất nguy hiểm khi có tỷ lệ tử vong lên đến 60%, nhất là khi bệnh nhân bị áp xe phổi.
  • Nếu nhiễm trùng lan vào máu có thể hình thành các ổ áp xe tại nhiều cơ quan nội tạng và các vị trí khác trên cơ thể. Nhiễm trùng lan rộng có thể gây suy đa phủ tạng, tràn dịch màng tim, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng.
  • Nếu bị nhiễm trùng hô hấp trên do phế cầu khuẩn, người bệnh cần cảnh giác với biến chứng tim mạch. Phế cầu khuẩn có thể tấn công tim gây những biến chứng nặng nề như rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc cấp, suy tim do sốc,…
  • Người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cũng thường gặp triệu chứng sốt từ 38 đến 40 độ C. Tuy nhiên, nếu nhiễm khuẩn không được kiểm soát, bệnh nhân có thể bị sốt cao liên tục dẫn đến co giật, mê sảng, lú lẫn.
nhiem-trung-ho-ap-tren-cap-4.jpg
Cảnh giác với những biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng hô hấp trên

Làm sao để tránh xa nhiễm trùng đường hô hấp trên?

Có thể thấy, nhiễm trùng hô hấp trên cấp không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh, bản thân mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức chủ động phòng tránh bệnh. Để phòng ngừa nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, bạn có thể làm những việc sau:

  • Nếu là người hút thuốc, bạn hãy cai thuốc lá. Nếu trong gia đình có người hút thuốc, bạn hãy động viên họ từ bỏ thuốc lá. Không nên ở gần những người hút thuốc lá.
  • Đi ra ngoài đường hay đến nơi công cộng cần đeo khẩu trang cẩn thận. Nếu đang bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hãy đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hay khi đến chỗ đông người để không làm lây bệnh.
  • Rửa tay bằng xà phòng, khử trùng tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt là người đang mắc bệnh.
  • Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, chế độ tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường đề kháng của cơ thể.
  • Duy trì thói quen súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Biết cách vệ sinh mũi sẽ giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh.
nhiem-trung-ho-ap-tren-cap-2.jpg
Mỗi người đều cần nâng cao ý thức phòng bệnh

Các nhiễm trùng hô hấp trên cấp trong hầu hết các trường hợp đều không quá nghiêm trọng. Trẻ em khi bị bệnh thường có triệu chứng nặng hơn người lớn. Cũng chính điều này làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở nhiều người khiến nhiễm trùng lan rộng và trở nặng. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu nhận biết đầu tiên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị ngay nhé!

Xem thêm: Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm