Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi bé bị đứt dây thắng môi trên? Khi nào trẻ cần phẫu thuật?

Ngày 10/10/2022
Kích thước chữ

Trẻ em rất hiếu động và thích đùa nghịch. Do đó trẻ thường bị té ngã, va đập dẫn đến nhiều xây xước, chảy máu, thậm chí chấn thương một số bộ phận cơ thể. Có trẻ bị ngã và đứt phanh môi trên. Vậy ba mẹ nên làm gì khi bé bị đứt dây thắng môi trên? Hãy cùng tìm hiểu biện pháp xử lý và cách phòng tránh tai nạn té ngã cho con.

Trẻ em thường hiếu động nên rất dễ bị ngã gây chấn thương miệng. Những tổn thương miệng trẻ thường gặp như rách môi, rách lưỡi, sưng môi, làm bé bị đứt dây thắng môi trên. Vậy cha mẹ nên ứng biến như thế nào khi trẻ gặp tình huống này?

Bé bị đứt dây thắng môi trên có nguy hiểm không?

Trẻ em thường xuyên bị ngã có nguy cơ bị rách dây chằng môi vì môi của trẻ va đập vào một bề mặt cứng hoặc nhọn. Dây chằng môi hay còn gọi là phanh môi là dải dây chằng nối từ điểm giữa của môi trên tương ứng với vị trí nhân trung ở bên ngoài đến mặt ngoài của đường viền nướu tương ứng vị trí giữa của hai răng cửa. Khi bị ngã với lực mạnh thì khả năng đứt dây thắng môi trên là rất cao. Đứt phanh môi trên ở trẻ em không quá nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu đứt dây thắng môi trên quá sâu, có thể ảnh hưởng đến hàm trên của trẻ. Ngoài ra, đứt dây chằng hàm trên còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ sau này của hàm răng, khiến răng mọc lệch lạc và ảnh hưởng đến việc nhai cắn của bé. 

Cách sơ cứu khi bé bị đứt dây thắng môi trên? Khi nào trẻ cần phẫu thuật? 1 Khi bé bị đứt dây thắng môi trên trên ba mẹ nên nhanh chóng cầm máu cho trẻ

Cách xử lý khi trẻ bị ngã đứt dây thắng môi trên

Tuỳ vào mức độ nguy hiểm khi trẻ bị ngã làm đứt dây chằng môi trên mà ba mẹ cần có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách để tránh những biến chứng về sau cho trẻ. Đây là những biện pháp cần thực hiện khi trẻ bị ngã và đứt dây chằng môi trên. 

Cầm máu cho trẻ

Tùy theo mức độ rách dây chằng môi trên của bé mà có các cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ đang bị chảy máu, ba mẹ nên bình tĩnh và thực hiện sơ cứu đúng cách. Nếu mẹ hoảng hốt và khiến trẻ khóc nhiều hơn sẽ khó thực hiện sơ cứu cho trẻ. Các mẹ hãy xoa dịu trẻ, sau đó thực hiện các biện pháp cầm máu sau: 

  • Người cầm máu cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh tay sạch sẽ, khử trùng. Đảm bảo quá trình cầm máu an toàn, tránh nhiễm trùng vết thương.
  • Sau đó, mẹ đặt một miếng gạc nhỏ, sạch và khô hoặc băng y tế lên vết thương đang chảy máu. Cho con khép môi trên để giữ vết chặt vết thương trong vài phút. Thông thường chỉ cần 5 - 10 phút để cầm máu. 
  • Để ngăn chặn tình trạng chảy máu trở lại do cử động miệng. Mẹ có thể dùng một ít đá hoặc nước lạnh để chườm bên ngoài miệng. Việc này giúp thúc đẩy quá trình đông máu nhanh hơn. Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có chuyên môn kiểm tra và có cách xử lý phù hợp.

Trẻ bị đứt phanh môi trên có cần phẫu thuật không?

Phẫu thuật khâu dây chằng môi trên có hoặc không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nếu chấn thương dây chằng môi trên của trẻ nghiêm trọng, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị và thực hiện ca mổ nối dây chằng kịp thời. 

Nếu trẻ bị đứt dây chằng môi trên ít thì mẹ có thể vệ sinh sạch sẽ, phanh môi sẽ tự động lành lại mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, mẹ cũng phải theo dõi mức độ tổn thương của bé để quyết định xem có cần đưa trẻ đi khám và phẫu thuật nối phanh môi hay không.

Nếu ba mẹ lo sợ trẻ rách dây chằng môi trên thì có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra chi tiết. Điều này có thể giúp trẻ tránh được những di chứng về sau ở miệng.

Bé bị đứt dây thắng môi trên bao lâu thì khỏi?

Tùy thuộc vào mức độ của vết rách dây chằng môi trên, thời gian lành sẽ khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp đứt phanh môi trên, sức khỏe của bé không bị ảnh hưởng. Trường hợp trẻ bị đứt dây môi trên nhẹ thì khoảng 1 - 2 tháng sau dây chằng có thể tự động liền lại. Nếu chảy máu, mẹ dùng các biện pháp thích hợp để cầm máu, vết thương sẽ tự lành mà không cần phẫu thuật. Nhưng nếu vết rách đủ sâu, dây chằng môi trên có thể không lành lại như ban đầu, lúc này ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn cách chăm sóc trẻ nhằm giúp trẻ nhanh hồi phục hơn. 

Cách sơ cứu khi bé bị đứt dây thắng môi trên? Khi nào trẻ cần phẫu thuật? 2 Tùy thuộc vào mức độ của vết rách dây chằng môi trên mà thời gian lành vết thương sẽ khác nhau

Chăm sóc trẻ bị đứt dây thắng môi trên tại nhà

Sau khi trẻ bị ngã và rách dây chằng môi trên, mẹ nên chăm sóc trẻ cẩn thận để trẻ nhanh hồi phục hơn. 

  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối: Nước muối có tác dụng kiềm hóa, ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn có hại. Khi đứt dây chằng môi trên sẽ xuất hiện chảy máu lợi nên súc miệng bằng nước muối để giúp sát trùng vết thương
  • Chế độ nghỉ ngơi: Trẻ em có xu hướng mệt mỏi sau khi ngã, vì vậy sau khi sơ cứu để trẻ nghỉ ngơi khoảng 20 phút. Sau đó, mẹ có thể dỗ cho bé ngủ để quên đi cơn đau. Tuy nhiên, ba mẹ cũng phải theo dõi tình trạng của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ, nếu có dấu hiệu bất thường của chấn thương cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
  • Dùng thuốc giảm đau: Nếu trẻ bị đau dữ dội tại vị trí dây chằng bị rách, mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau. Chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp và sử dụng theo đơn của bác sĩ. 
  • Tránh để trẻ chạy nhảy quá nhiều sau khi ngã vì điều này có thể khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn. 
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nhai để hạn chế đau trong miệng. Ăn sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp hạn chế vi khuẩn có hại trong miệng và giảm sưng miệng. Thực phẩm giàu chất sắt và khoáng chất giúp trẻ giảm nhiễm trùng miệng. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm có tính axit, thức ăn cay, nước ngọt.

Phòng tránh trẻ bị ngã đứt dây thắng môi trên

Các biện pháp phòng ngừa để giảm tai nạn thương tích ở trẻ em, tránh trẻ bị ngã làm rách dây chằng môi trên

  • Ba mẹ phải luôn theo dõi trẻ, không để trẻ chơi một mình, nhất là với trẻ mới tập đi, tập bò.
  • Sử dụng hàng rào an toàn cho lối ra cầu thang, hành lang và ban công.
  • Sử dụng nệm và gối mềm để chặn quanh giường, tránh trẻ ngã xuống và hạn chế mức độ chấn thương.
  • Khi sử dụng xe đẩy, ghế ăn cần có dây đai an toàn.
  • Đối với những trẻ đã đi học, ba mẹ nên giải thích hậu quả mà trẻ gặp phải từ việc nghịch ngợm, chạy nhảy và leo trèo.
  • Để những vật dụng có thể gây nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ.
Cách sơ cứu khi bé bị đứt dây thắng môi trên? Khi nào trẻ cần phẫu thuật? 3 Ba mẹ luôn quan sát trẻ mọi lúc, mọi nơi không để trẻ chơi một mình, nhất là khi trẻ mới biết đi, biết bò

Trên đây là những thông tin về trường hợp bé bị đứt dây thắng môi trên. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách sơ cứu khi trẻ bị chấn thương ở miệng, cũng như cách phòng ngừa trẻ khỏi tai nạn thương tích.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin