Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi chảy máu cam

Ngày 10/07/2022
Kích thước chữ

Theo thống kê có khoảng 60% dân số thế giới bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sơ cứu đúng cách khi chảy máu cam. Một số sai lầm khi mắc phải có thể khiến tình trạng chảy máu trở nên trầm trọng hơn.

Chảy máu cam là tình trạng chảy máu từ một hoặc hai bên mũi, rất phổ biến và gây ra không ít sự phiền toái, khó chịu cho người mắc phải. Phần lớn việc chảy máu cam thường không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm, mà là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Phần lớn tình trạng này thường nhẹ và có thể xử lý tại chỗ. Tuy nhiên nếu không biết cách xử trí đúng cách, kịp thời, người bệnh rất có thể rơi vào các vấn đề nguy hiểm, thậm chí để lại nhiều biến chứng sau này.

Dưới đây là cách sơ cứu khi bị chảy máu cam đúng cách mà bạn đọc có thể tham khảo. Sau khi thực hiện các bước sơ cứu, nếu bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu chảy máu cam không cầm được hoặc xuất huyết quá nhiều, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân cũng như có cách điều trị kịp thời nhất.

Nguyên nhân chảy máu cam thường gặp

Chảy máu cam hay còn được gọi là chảy máu mũi là trường hợp phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa số các trường hợp chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu tại mũi bị tổn thương. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

  • Do có sự tổn thương tại mũi như người bệnh ngoáy mũi quá mạnh, làm trầy xước mũi, làm đứt hoặc rách các mạch máu tại cơ quan này.
  • Do có xảy ra chấn thương mạnh, do va đập trực tiếp tại cơ quan mũi, dẫn đến xuất huyết mũi.
  • Do người bệnh mắc các bệnh lý như rối loạn đông máu, cao huyết áp hoặc bệnh bạch cầu…
  • Chảy máu mũi còn xảy ra ở phụ nữ mang thai do rối loạn nội tiết tố.
  • Do mũi hít phải không khí quá khô, khiến mũi giảm độ ẩm quá nhanh và chảy máu mũi.
  • Do người bệnh hít phải những hóa chất như xăng, amoniac, khói thuốc lá…
  • Chảy máu mũi ở trẻ em có thể do thiếu vitamin C, K, chất sắt và Kali…
  • Do lệch vách ngăn mũi bẩm sinh.
  • Do viêm đường hô hấp.
  • Do có dị vật bên trong mũi, khiến người bệnh chảy máu mũi.
  • Do cơ thể người bệnh bị nóng do tiêu thụ quá nhiều chất kích thích, trà, cà phê…
  • Một số ít trường hợp chảy máu cam không rõ nguyên nhân, đột ngột tự chảy và tự cầm được.
Cách sơ cứu khi chảy máu cam1 Chảy máu cam là tình trạng rất phổ biến có thể xảy ra ở tất cả mọi người

Những sai lầm trong việc xử lý chảy máu cam

Chảy máu cam tuy là tình trạng rất phổ biến tuy nhiên cũng rất nhiều người xử lý sai cách. Khi mắc phải những sai lầm trong việc sơ cứu sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục của bệnh nhân. Dưới đây là những sai lầm thường gặp trong việc sơ cứu cho bệnh nhân bị chảy máu cam.

Nhét bông hoặc gạc vào mũi

Khi chảy máu cam, không ít người nghĩ ngay tới việc nhét bông, gạc hoặc giấy ăn vào mũi vì cho rằng việc làm này sẽ giúp bệnh nhân cầm máu.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa không khuyến khích việc này. Tất cả những vật liệu thông thường đều không đảm bảo điều kiện vô khuẩn, nhất là khi phải tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc mũi. Nếu những vật dụng cầm máu không đảm bảo sạch có thể gây ra nhiễm trùng và mưng mủ không mong muốn. Không những thế, bệnh nhân cũng tuyệt đối không tự dùng tay để bịt kín lỗ mũi nhằm ngăn ngừa tình trạng chảy máu.

Cho bệnh nhân đầu ra phía sau khi chảy máu cam

Khi bị chảy máu cam, rất nhiều người thường được khuyên là hãy ngửa đầu ra sau. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn sai lầm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Hành động ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam mặc khác còn làm cho máu chảy ngược xuống cuống họng, khiến người mắc phải nuốt phải máu, từ đó chạy qua lỗ thông khí có thể gây sặc máu, buồn nôn, ói… làm nghiêm trọng hơn tình trạng chảy máu cam.

Cách sơ cứu khi chảy máu cam2 Nên dùng tay kẹp chặt cánh mũi và không nên ngửa đầu ra sau khi sơ cứu chảy máu cam

Lạm dụng nước muối sinh lý

Ngoài hai sai lầm trên, rất nhiều người cho rằng việc nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi, tránh tình trạng khô mũi và ngăn chảy máu cam. Tuy nhiên, việc lạm dụng nước muối sinh lý được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá không hề đúng. Bởi nhỏ nước muối sinh lý liên tục vào niêm mạc mũi không phải là một giải pháp lâu dài giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam, vì nước muối chỉ tức thời làm ẩm mũi. Khi sử dụng lâu dài, nước muối sinh lý còn khiến mũi khô hơn.

Thay vì lạm dụng nước muối sinh lý tạo độ ẩm bên ngoài, bạn đọc hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để tăng cường đề kháng, tăng cường chất xơ nhằm chăm sóc sức khỏe từ bên trong, tránh bị chảy máu cam hiệu quả.

Cách sơ cứu khi bị chảy máu cam đúng cách

Khi chảy máu cam nên làm gì? Dưới đây là các bước sơ cứu đúng cách khi bị chảy máu cam mà bạn đọc có thể cân nhắc áp dụng:

  • Bước 1: Khi bị chảy máu cam, hãy bình tĩnh và cho người bệnh ngồi xuống tại chỗ bằng phẳng.
  • Bước 2: Cho người bị chảy máu cam cúi nhẹ đầu về phía trước, dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ấn chặt phần cánh mũi đang chảy máu. Tránh bịt ngay lỗ mũi khiến cho bệnh nhân khó chịu.
  • Bước 3: Có thể dùng khăn giấy hoặc bông cotton sạch thấm phần máu chảy ra. Lưu ý, tuyệt đối không đưa khăn giấy sâu vào trong mũi.
  • Bước 4: Trong điều kiện cho phép, bạn có thể đặt một túi đá nhỏ trên mũi để giảm chảy máu, vì nhiệt độ lạnh có thể làm cho mạch máu co lại.
Cách sơ cứu khi chảy máu cam3 Cách sơ cứu khi bị chảy máu cam đúng cách mà bạn đọc có thể tham khảo

Trong trường hợp nếu sau 15 phút, bệnh nhân vẫn bị chảy máu, máu không tự cầm được… hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được sơ cứu kịp thời và tìm ra nguyên nhân gây chảy máu cam.

Lưu ý, lúc này bệnh nhân tuyệt đối không ngoáy mũi, không nhét khăn giấy vào mũi, không đưa ngón tay vào mũi hoặc xì mũi trong vài giờ sau khi chảy máu cam. Đối với những người có thói quen hút thuốc lá, hạn chế sử dụng trong vài giờ sau khi chảy máu cam vì khói thuốc có thể làm niêm mạc mũi kích ứng và tiếp tục chảy máu.

Trên đây là cách sơ cứu kịp thời khi bị chảy máu cam. Trong trường hợp bị chảy máu cam chảy thường xuyên, chảy máu tại mũi và chảy máu ở những cơ quan khác, chảy nhiều khiến việc cầm máu trở nên khó khăn… đừng chần chừ mà hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chảy máu cam nhé!

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin