Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu người bị đuối nước

Ngày 12/06/2022
Kích thước chữ

Đuối nước là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, xảy ra phổ biến vào mùa hè khi mọi người thường đi bơi để tránh nóng. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu oxy máu, sau khoảng 10 phút không có biện pháp sơ cứu giúp người bị nạn hô hấp trở lại sẽ dẫn đến tổn thương não lâu dài, thậm chí tử vong. Do đó, các động tác sơ cứu người bị đuối nước giúp ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao so với các nước trong khu vực. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, trong đó 77,6% xảy ra tại ao, hồ, sông, suối, biển; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất kỳ địa điểm nào, kể cả với người biết bơi. Việc trang bị kiến thức sơ cứu đuối nước là vô cùng cần thiết, góp một phần đáng kể trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ tử vong do đuối nước. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về đuối nước cũng như cách sơ cứu người bị đuối nước.

Đuối nước là gì?

Đuối nước hay còn gọi là ngạt nước, là hiện tượng khí quản của con người bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Khi hít phải nước, theo phản xạ nạn nhân sẽ ngừng thở, tim đập chậm lại. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, làm tăng nhịp tim, huyết áp.

Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng thời gian từ 20 giây đến 2 - 5 phút thì đạt đến ngưỡng giới hạn và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, khi đó xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật theo đó đi vào phổi. Do thiếu oxy, các cơ quan bị tổn thương, nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Đuối nước được chia làm 2 trường hợp: Chết đuối khi phổi có nước và chết đuối khi phổi không có nước (hay còn gọi là chết đuối khô). Chết đuối khô thường xảy ra với những người không biết bơi khi bị chìm xuống nước.

Cách sơ cứu người bị đuối nước 1 Đuối nước là gì?

Do bị thiếu oxy, nạn chân sẽ có biểu hiện như:

  • Ho dữ dội, sặc sụa.
  • Suy hô hấp với tình trạng thở nhanh và nông, co kéo liên sườn, da xanh tím.
  • Tăng tiết đờm lẫn máu.
  • Mất ý thức, co giật.
  • Phù não do thiếu oxy não.
  • Rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp.
  • Tức ngực.

Hướng dẫn sơ cứu người bị đuối nước

Nguyên tắc sơ cứu người bị đuối nước

  • Nếu nạn nhân còn tỉnh và giãy giụa ở dưới nước, bạn cần tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao…ném xuống cho họ bám vào để lên bờ và đi tìm người đến cứu giúp.
  • Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này rất hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Để tránh những sai sót, bạn nên tìm đồ vật nổi trên mặt nước để họ bám vào, sau đó đi tìm người cứu hộ đến giúp đỡ.
  • Khi bệnh nhân được đưa lên bờ, cần cấp cứu tại chỗ, nhanh chóng, đúng phương pháp.
  • Kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ.

Cách sơ cứu người bị đuối nước

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước ngay khi phát hiện

Sử dụng các dụng cụ phương tiện để cứu nạn nhân như ném phao, cây sào cho nạn nhân nắm. Trong trường hợp không có phương tiện nào, người cứu hộ có thể trực tiếp bơi cứu nạn nhân nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cũng như khả năng bơi và tư thế cứu hộ. Có 3 tư thế cứu hộ thường áp dụng:

  • Quàng một tay từ vai vòng qua nách đối diện của người bị nạn.
  • Sử dụng 2 tay giữ 2 bên đầu nạn nhân, người cứu hộ dùng 2 chân bơi ngửa vào bờ.
  • Túm lấy tóc nếu người bị nạn có tóc dài, túm lấy cổ áo và kéo nạn nhân về phía sau.
Cách sơ cứu người bị đuối nước 2 Tư thế cứu hộ bệnh nhân bị đuối nước

Đặt người bị nạn nằm ở nơi khô ráo, thông thoáng

Đặt người bệnh ở nơi khô ráo, thoáng mát để thực hiện dễ dàng những biện pháp sơ cứu bệnh nhân. Tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân và tránh những tình huống không đáng có.

Kiểm tra tình trạng của nạn nhân

  • Nếu nạn nhân còn tự thở: Đặt người bị nạn ở tư thế nằm nghiêng an toàn.
  • Nếu nạn nhân ngưng thở (lồng ngực không di động): Thực hiện phương pháp hà hơi thổi ngạt. Một tay bịt mũi, tay còn lại kéo hàm xuống dưới để mở miệng nạn nhân. Sau đó hít hơi thật sâu rồi ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi hết hơi. Có thể đặt một miếng khăn hoặc vải khô lên miệng nạn nhân để tránh lây nhiễm cho người cứu hộ. Thổi ngạt phải đủ mạnh để làm lồng ngực nạn nhân phồng lên và xẹp xuống theo nhịp. Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau 2 lần thổi ngạt thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi bao gồm 2 kỹ thuật ép tim và thổi ngạt và thực hiện đúng thứ tự C - A - B (ép tim - khai thông đường thở - thổi ngạt).
Cách sơ cứu người bị đuối nước Quy tắc thứ tự C.A.B khi cấp cứu

Kỹ thuật ép tim - thổi ngạt

  • Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, độ lún 1/3 - 1/2 ngực (4 - 5cm với người lớn), tần số 100 lần/phút.
  • Phương châm: Ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép.
  • Đối với người lớn, tỉ lệ ép tim/thổi ngạt là 30/2, đối với trẻ con tỉ lệ này là 15/2.
  • Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim, thổi ngạt (1 chu kỳ là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt) hoặc sau mỗi 2 phút.
  • Giữ ấm cho nạn nhân: Khi ở dưới nước lâu, thân nhiệt của nạn nhân sẽ giảm, do đó cần giữ ấm bằng cách cởi bỏ quần áo ướt, đắp chăn khô hoặc khăn khô lên người nạn nhân.
  • Nhanh chóng đưa người bị đuối nước đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách sơ cứu người bị đuối nước 4 Kỹ thuật ép tim - thổi ngạt khi sơ cứu người bị đuối nước

Lưu ý khi sơ cứu người bị đuối nước

  • Không dốc ngược nạn nhân: Nhiều người vẫn lầm tưởng động tác sơ cứu đầu tiên là phải dốc ngược người bị nạn rồi vác lên chạy với mục đích tống nước ra từ phổi và dạ dày. Tuy nhiên thực tế nước rất khó bị ép ra, nguy hiểm hơn dốc người còn có thể làm cho nước đi vào khí quản gây sặc. Bên cạnh đó, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu và tăng nguy cơ nôn.
  • Phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước và đưa vào bờ. Chỉ sau khoảng 1 phút ngừng thở, cơ thể con người bắt đầu xuất hiện các tổn thương. Sau 10 phút chắc chắn sẽ để lại di chứng. Sau 15 phút sẽ không thể cứu sống. Do đó, các động tác cấp cứu thổi ngạt phải được tiến hành ngay sau khi đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước.

Việc thiếu oxy trong thời gian dài sẽ để lại các di chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là ở não. Vì vậy, cần tập trung, kiên trì cấp cứu nạn nhân liên tục, chỉ đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi đã thở trở lại.

Hi vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ trang bị được những kiến thức cơ bản về sơ cứu người bị đuối nước để giúp đỡ gia đình, bạn bè và những người xung quanh khi có tai nạn không mong muốn xảy ra. Theo dõi Website của Nhà Thuốc Long Châu để có thêm những kiến thức y khoa bổ ích. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm