Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ

Trước bất kỳ cuộc phẫu thuật nào thì truyền dịch cho người bệnh là điều vô cùng cần thiết. Bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết nhất về việc sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức.

Việc duy trì đường dịch truyền tĩnh mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cấp cứu khi xảy ra diễn biến bất thường và bù lại lượng máu đã mất. Vậy trong gây mê hồi sức có những loại dung dịch truyền tĩnh mạch nào và chỉ định ra sao? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Sơ lược về dịch truyền tĩnh mạch

Duy trì đường truyền tĩnh mạch, đảm bảo hồi sức cho người bệnh trong các ca phẫu thuật, đặc biệt là các trường hợp cần hồi phục lại thể tích tuần hoàn là mục đích chính của việc sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong chuyên khoa gây mê hồi sức.

Hiện nay, dịch truyền tinh thể và dung dịch keo là hai nhóm dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng phổ biến tại khoa gây mê hồi sức. Trong hai nhóm này lại bao gồm nhiều loại dung dịch khác nhau. Căn cứ vào các yếu tố như tính chất sinh hoá, dược lực học, dược động học, tác dụng phụ của dung dịch và hoàn cảnh sử dụng mà các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại dịch truyền nào sao cho phù hợp.

Cách sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức 1
Truyền dịch trong gây mê hồi sức là việc vô cùng cần thiết

Các loại dung dịch truyền tĩnh mạch dùng trong gây mê hồi sức

Như đã trình bày ở trên, trong gây mê hồi sức, dịch truyền tinh thể và dung dịch keo là hai nhóm dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng phổ biến. Vậy dịch truyền tinh thể bao gồm những loại dung dịch nào và dung dịch keo bao gồm những loại dung dịch nào?

Dịch truyền tinh thể

Dịch truyền tinh thể bao gồm dịch truyền tinh thể đẳng trương và dịch truyền tinh thể ưu trương. Cụ thể:

Dịch truyền tinh thể đẳng trương

Dịch truyền tinh thể đẳng trương bao gồm:

  • Dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%: Thành phần bao gồm 154 mmol Na+ và 154 mmol Cl- với áp lực thẩm thấu là 308 m0sm/l. Natri là ion chủ yếu của dịch ngoại bào, tạo ra đến 90% áp lực thẩm thấu của khoang. Trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn thì truyền Na+ là điều rất cần thiết. Khi cung cấp vào máu, dung dịch NaCl 0,9% chỉ giữ lại khoảng 25% thể tích trong lòng mạch.
  • Dung dịch Ringer Lactat: Thành phần của dung dịch gồm có 130 mmol/l Na+, 1 - 3 mmol/l Ca++, 4 mmol/l K+, 108 mmol/l Cl- và 28 mmol/l lactat với áp lực thẩm thấu là 278 m0sm/l. Khi truyền vào máu, dung dịch này chỉ giữ lại khoảng 19% thể tích truyền trong lòng mạch.
  • Dung dịch Glucose 5%: Mỗi 100 ml dung dịch tương đương với 5,5 gam glucose, khi truyền vào cơ thể sẽ chuyển hoá tạo ra 20 Kcal với áp lực thẩm mấu là 278 m0sm/l.
Cách sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức 2
NaCl 0,9% là dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng phổ biến trong gây mê hồi sức

Dịch truyền tinh thể ưu trương

Dịch truyền tinh thể ưu trương bao gồm:

  • Dung dịch NaCl ưu trương: Dung dịch này bao gồm nồng độ NaCl 3%, 5%, 7,5% và 10% với thời gian lưu giữ trong khoang mạch máu là 1 tiếng. Các dung dịch này khi đi vào cơ thể sẽ rút nước từ các tế bào lân cận của khoang mạch máu và khoang gian bào từ đó làm tăng thể tích huyết tương cao. Dung dịch NaCl ưu trương có tác dụng hồi phục nhanh thể tích tuần hoàn, gia tăng thể tích huyết tương đồng thời giảm hậu gánh và cải thiện tiền gánh thất trái.
  • Dung dịch Glucose 10%: Mỗi 100 ml dung dịch sẽ tương ứng với 11 gam glucose, khi truyền vào cơ thể sẽ chuyển hoá và tạo ra 40Kcal với áp lực thẩm thấu là 55 m0sm/l. Với những đối tượng có nguy cơ thiếu máu não thì chỉ truyền loại dung dịch này khi có chỉ định đặc biệt.

Dung dịch keo

Dung dịch keo bao gồm dung dịch keo tự nhiên và dung dịch keo tổng hợp. Cụ thể:

Dung dịch keo tự nhiên

Albumin là dung dịch keo tự nhiên được xem như là dung dịch truyền tĩnh mạch. Albumin chiếm khoảng 55% protein huyết tương - một trong những thành phần quan trọng của huyết thanh và 70% áp lực keo.

Dung dịch này được sử dụng có nồng độ 20% (dạng keo ưu trương hơn huyết tương) và 4% (dạng keo thấp hơn huyết tương). Thời gian bán thải của loại dung dịch này là khoảng 18 ngày, tương ứng với thời gian thoái hoá hệ thống lưới võng nội mô. Ở người bình thường, khả năng gia tăng thể tích huyết tương dao động trong khoảng 18 - 20 ml/gr.

Cách sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức 3
Albumin là dung dịch keo tự nhiên được xem như dịch truyền tĩnh mạch

Dung dịch keo tổng hợp

Tùy theo tính chất sinh hoá mà các dung dịch thuộc nhóm này được phân định thành từng loại khác nhau. Dung dịch điện giải NaCl 0,9% và dung dịch Ringer Lactat là dung môi của các chất dạng keo này.

  • Dextran: Được pha chế từ các dung môi nuôi cấy vi khuẩn Lactobacillus leuconostoc với trọng lượng trung bình tính theo cân nặng của dextran. Sau khi được truyền qua đường tĩnh mạch, phần lớn dung dịch sẽ được đào thải qua thận, một phần khác đi vào khoảng kẽ, thông qua đường bạch huyết trở lại trong khoang mạch máu hoặc chuyển hoá trong một số cơ quan khác đồng thời sinh CO2.
  • Gelatin: Đây là polypeptid từ thuỷ phân collagen xương bò, bao gồm gelatin có cầu nối ure và gelatin dung dịch được chuyển đổi. Những dung dịch này ít bị phân tán và ưu trương nhẹ, độ thẩm thấu keo gần như bằng với huyết tương. Thời gian lưu trữ trong khoang mạch máu khoảng 5 tiếng sau khi truyền, đào thải chủ yếu qua thận và gần như không tích lũy ở mô.
  • Hydroxyethylamidon: Đây là dung dịch đẳng trương với thành phần là các polysaccharid tự nhiên, được dẫn xuất từ ngô với dung môi là NaCl 0,9%. Loại dung dịch này được đào thải nhanh qua thận. Thời gian bán thải dao động trong khoảng 18 - 24 giờ.

Khi nào sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch?

Về nguyên tắc, khi có giảm thể tích tuần hoàn ở mức độ nhẹ thì dung dịch tinh thể sẽ thích hợp. Ngược lại, sử dụng dung dịch tinh thể đẳng trương với mục đích gia tăng hoặc duy trì thể tích huyết tương có nguy cơ gây phù kẽ.

Trong trường hợp có giảm thể tích tuần hoàn nặng hoặc kèm theo thay đổi tính thấm thành mạch chẳng hạnh như trong các trường hợp nhiễm khuẩn, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể hay phù não cần sử dụng phối hợp dung dịch keo.

Nhìn chung, trong gây mê hồi sức vẫn ưu tiên sử dụng dung dịch tinh thể đẳng trương hoặc ưu trương và dung dịch keo, còn lại các loại dịch có nguồn gốc từ máu và là chế phẩm của máu thì chỉ sử dụng khi có chỉ định cần thiết.

Cho đến nay, chưa có một loại dung dịch truyền tĩnh mạch nào được xem là chỉ định phù hợp nhất đối với tất cả các trường hợp giảm thể tích máu lưu hành. Chính vì thế, các bác sĩ và ekip gây mê hồi sức vẫn cần cân nhắc hoàn cảnh lâm sàng, nguyên nhân cũng như điều kiện thực tế để chỉ định loại dung dịch phù hợp.

Cách sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức 4
Các loại dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng dịch truyền tĩnh mạch khi nào

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề sử dụng dung dịch truyền tĩnh mạch trong gây mê hồi sức mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng, bài viết sức khỏe hôm nay sẽ giúp bạn có thêm một lượng kiến thức sức khoẻ bổ ích. Cảm ơn bạn đã đón nhận những bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin