Long Châu

Phù não là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù não là sự tích tụ bất thường nước và dịch trong khu vực tế bào và/hoặc khu vực ngoài tế bào não, dẫn đến tăng thể tích toàn bộ của não. Nó có thể gây ra do sự gia tăng lượng chất lỏng xung quanh bộ não, ví dụ như gia tăng lượng dịch não tủy tự nhiên – vùng đệm của não, chảy máu vào trong não do chấn thương hoặc một khối u bị vỡ. Phù não cũng có thể do bản thân mô não của bạn bị sưng, do chấn thương hoặc do bệnh tật như khối u, nhiễm trùng (như viêm màng não hoặc viêm não) hoặc tăng huyết áp nội sọ lành tính.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù não là gì? 

Phù não là sự gia tăng áp lực xung quanh não. Nó có thể là do sự gia tăng lượng chất lỏng xung quanh não của bạn. Ví dụ có thể có lượng dịch não tủy tăng lên tự nhiên đệm não của bạn hoặc tăng lượng máu trong não do chấn thương hoặc khối u bị vỡ. Phù não có thể là kết quả của chấn thương não và nó cũng có thể gây ra chấn thương não.

Phù não có thể xảy ra ở các vị trí nào ở não hay phù toàn bộ não, điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù não. Phù não là một tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu bạn có triệu chứng của phù não nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù não

Thông thường, những triệu chứng của phù não có thể dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng của một số bệnh thần kinh khác nên việc chẩn đoán và phát hiện sẽ trở nên khó khăn nếu bác sĩ không thực hiện những xét nghiệm thích hợp và đánh giá kỹ lưỡng. 

Một số triệu chứng cho thấy bạn bị phũ não:

  • Đau đầu, cổ.
  • Chóng mặt.
  • Buồn nôn.
  • Khó nói, di chuyển khó khăn.
  • Tê tái.

Trong trường hợp phù não nghiêm trọng hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng bao gồm:

  • Thay đổi tâm trạng.
  • Mất trí nhớ.
  • Khó nói.
  • Không kiểm soát được hành vi.
  • Thay đổi ý thức.
  • Co giật.
  • Cơ thể trở nên yếu đuối.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phù não

Phù não càng lớn càng giảm tưới máu não, tạo điều kiện thuận lợi cho phù não phát triển, hai yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và hậu quả là gia tăng áp lực nội sọ.

Một số biến chứng của phù não

  • Teo gai thị.
  • Đau đầu.
  • Trầm cảm.
  • Rối loạn ngôn ngữ.
  • Rối loạn vận động.
  • Lơ mơ, ngủ gà, không tập trung.

Thậm chí nếu không kịp điều trị kịp thời phũ não sẽ làm cho tình trạng của bạn ngày càng tồi tệ hơn. Từ đó có thể dẫn tới tổn thương hoặc thậm chí chết tế bào thần kinh, gây tử vong nhanh chóng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phù não là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của bạn. vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nào của phũ não bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phù não

Các nguyên nhân gây phù não bao gồm:

Chấn thương sọ não (TBI)

TBI gây ra tổn thương cho não. Khi bạn bị té ngã hoặc tai nạn xe cộ có thể khiến não bị sung. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, TBI có thể làm nứt hộp sọ và các mảnh hộp sọ có thể làm vỡ mạch máu trong não và gây phù não.

Đột quỵ

Một số trường hợp đột quỵ có thể gây sưng não, cụ thể là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xảy ra khi huyết khối trong mạch máu não hạn chế lưu lượng oxy đến não. Thiếu oxy có thể làm tổn thương các tế bào não và gây phù và tăng áp lực. Điều này có thể khiến các tế bào não chết.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus có thể gây phù não. Ví dụ viêm não là một bệnh nhiễm trùng gây viêm trong não và kết quả là áp lực nội sọ tăng cao. 

Xuất huyết não

Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ xuất huyết gây ra viêm và tăng áp lực nội sọ

Khối u ở não

Các khối u não có thể tạo thêm áp lực lên các vùng của não, khiến các vùng não xung quanh sưng lên gây phù não.

Một số nguyên nhân khác cũng gây phù não như: Độ cao, sử dụng những chất không lành mạnh như ma túy, ngộ độc carbon monoxide, nhiễm độc từ những vết cắn của một số loài động vật, bò sát và động vật biển.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải phù não?

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ phù não. Tuy nhiên nguy cơ cao ở những người cao tuổi, có tiền sử đột quỵ, nghiện ma túy...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phù não

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phù não: 

  • Người cao tuổi.
  • Có tiền sử bị đột quỵ.
  • Có tiền sử bị chấn thương não.
  • Lạm dụng thuốc lá, chất gây nghiện.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù não

Khi có những triệu chứng của phù não hoặc nghi ngờ bạn đang mắc bệnh này tốt nhất nên đến cơ sở y tế để thăm khám, làm những kiểm tra cần thiết để chẩn đoán đúng bệnh từ đó tìm ra phương án xử trí hiệu quả nhất. 

Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tiền sử chấn thương, bệnh sử của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mô tả triệu chứng, phần cơ thể bị ảnh hưởng, triệu chứng toàn thân.

Một số xét nghiệm giúp hỗ trợ chẩn đoán xem bệnh nhân có bị phù não không:

  • Chọc dò tủy sống (còn gọi là chọc thắt lưng) để đo áp lực dịch não tủy.
  • Chụp CT là chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn vàng, tạo ra một loạt các hình ảnh X-quang cắt ngang vùng đầu và não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) (sử dụng sau khi đã có các đánh giá sơ bộ) sử dụng từ trường để phát hiện những thay đổi tinh tế trong nhu mô não được hiển thị chi tiết hơn so với phim chụp X-quang hoặc CT.

Phương pháp điều trị Phù não hiệu quả

Phù não là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nên bạn cần được điều trị ngay lập tức. Các lựa chọn điều trị nhằm khôi phục lưu lượng máu và oxy lên não đồng thời giảm phù.

Thuốc

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng của bạn và nguyên nhân cơ bản, các bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc để giúp giảm phù và ngăn ngừa cục máu đông.

Liệu pháp thẩm thấu

Khi não của bạn sưng lên, nó sẽ tích tụ chất lỏng dư thừa. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc có tác dụng kéo dịch ra khỏi hộp sọ. Liệu pháp thẩm thấu cũng giúp cải thiện lưu thông máu. 

Tăng thông khí

Một số bác sĩ có thể thực hiện tăng thông khí có kiểm soát để giúp giảm phù bằng cách cung cấp oxy cho bệnh nhân thông qua máy thở hoặc các phương tiện giúp thở khác để đảm bảo máu giàu oxy được đưa lên não. Bác sĩ có thể điều chỉnh máy thở để giảm mức độ phù não.

Hạ thân nhiệt

Một phương pháp điều trị khác bao gồm gây hạ thân nhiệt. Hạ nhiệt độ cơ thể làm giảm sự trao đổi chất trong não và cũng có thể làm giảm phù.Tuy nhiên phương pháp hạ thân nhiệt cần được kiểm soát vẫn đang được nghiên cứu.

Dẫn lưu khoang dưới nhện

Đây là một thủ thuật xâm lấn. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên hộp sọ và đưa một ống vào làm ống dẫn lưu. Dịch não tủy được dẫn lưu ra bên ngoài thông qua ống này, giúp làm giảm tình trạng phù.

Phẫu thuật

Trong trường hợp phù não nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phẫu thuật để giảm tình trạng phù não. Phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp lực nội sọ, cắt thông liên thất để dẫn lưu dịch và giảm áp lực nội sọ hiệu quả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phù não

Chế độ dinh dưỡng

  • Theo các chuyên gia dinh dưỡng nên có chế độ ăn uống có ít nhất ba phần tinh bột mỗi ngày và sáu phần rau xanh và hai phần trái cây mỗi tuần, khuyến khích sử dụng thường xuyên các loại rau, cá, thịt gia cầm, đậu và các loại hạt khác, hạn chế ăn thịt đỏ, thức ăn nhanh, phô mai, bơ.

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Phương pháp phòng ngừa phù não hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp, chơi các môn thể thao va chạm nhiều hay tham gia các hoạt động có khả năng té ngã và chấn thương đầu.
  • Sử dụng dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
  • Điều trị và kiểm soát tốt huyết áp và các bệnh tim mạch hiện có.
  • Tránh hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc.
  • Khi đi du lịch lên các vùng núi cao, hãy đi từ từ để cho cơ thể quen dần và tự điều chỉnh cơ thể theo độ cao.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/cerebral-edema#outlook

  2. https://www.healthline.com/health/increased-intracranial-pressure#takeaway

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn khí sắc

  2. Đau nửa đầu

  3. Ung thư xương hàm

  4. Loạn cảm họng

  5. Áp lực nội sọ

  6. Tật không có hàm

  7. Thoát vị não

  8. Rỗ não

  9. Nói lắp

  10. Thiểu năng tuần hoàn não