Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tập ăn thô là một bước ngoặt lớn trong hành trình lớn lên của bé. Việc làm quen với các loại thức ăn đa dạng không chỉ giúp hệ tiêu hóa của bé hoàn thiện mà còn là cách rèn luyện kỹ năng vận động miệng. Để giúp bé thích nghi với giai đoạn này, cha mẹ cần có những cách tập cho bé ăn thô phù hợp.
Giai đoạn ăn dặm của các bé là một giai đoạn thú vị nhưng cũng không kém phần thử thách đối với các bậc phụ huynh. Tập cho bé ăn thô là một phần quan trọng trong quá trình ăn dặm, giúp bé làm quen với các loại thức ăn đa dạng và phát triển toàn diện kỹ năng ăn uống. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng dễ dàng chấp nhận thức ăn thô. Vậy đâu là cách tập cho bé ăn thô hiệu quả?
Tập cho bé ăn thô đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng ăn uống của trẻ cũng như đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Về mặt dinh dưỡng, việc ăn thô giúp bé hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất béo, chất bột đường, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất,… Điều này vô cùng cần thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não của trẻ trong những năm đầu đời.
Việc cho bé tiếp xúc với thực phẩm có kết cấu, mùi vị khác nhau cũng p kích thích sự phát triển của các giác quan. Khi bé nhai và nếm thử thức ăn thô, các giác quan như vị giác, khứu giác và cảm giác tiếp xúc được rèn luyện và phát triển, giúp bé dễ dàng phân biệt và phản ứng với các loại thức ăn mới. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và tránh tình trạng kén ăn sau này.
Không chỉ vậy, cách tập cho bé ăn thô còn giúp bé rèn luyện các kỹ năng vận động quan trọng như: Cầm nắm thức ăn, nhai và nuốt đúng cách. Đây là giai đoạn bé học cách kiểm soát và phối hợp các cơ miệng, lưỡi, tay, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của kỹ năng vận động tinh.
Việc xác định thời điểm phù hợp để bắt đầu tập cho bé ăn thô là vô cùng quan trọng. Một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé đã sẵn sàng ăn thô là khả năng ngồi vững mà không cần hỗ trợ, giúp bé có thể giữ đầu thẳng khi ăn. Đồng thời, bé cũng nên có khả năng tự cầm nắm đồ vật, đặc biệt là đồ chơi hoặc dụng cụ ăn uống. Một biểu hiện quan trọng khác là sự háo hức khi thấy thức ăn, ví dụ như há miệng đón thức ăn từ cha mẹ.
Khi nào trẻ bắt đầu ăn thô? Thời điểm lý tưởng để bắt đầu tập cho bé ăn thô thường là khoảng 6 tháng tuổi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, điều này không phải là quy tắc “cứng” vì mỗi bé phát triển theo tốc độ riêng. Một số bé có thể cần thêm thời gian để phát triển các kỹ năng cần thiết. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu sẵn sàng của bé, thay vì chỉ dựa vào tuổi tác.
Quá trình tập cho bé ăn thô đòi hỏi sự kiên nhẫn từ cha mẹ và cần áp dụng một cách khoa học. Bước đầu tiên trong việc tập cho bé ăn thô, cha mẹ nên bắt đầu với những loại thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa như cháo đặc, trái cây nghiền, sinh tố,... Các đồ ăn mềm giúp bé dễ nhai nuốt, tránh bị hóc, dễ tiêu hóa.
Sau khi bé đã quen với việc ăn các loại thức ăn mềm, việc tăng dần độ đặc, độ cứng và kích thước của thức ăn là cần thiết. Ví dụ, cha mẹ có thể từ từ tăng độ đặc của cháo, rồi chuyển sang cơm nát, trái cây mềm, rau củ luộc mềm,... Giai đoạn này không chỉ giúp bé phát triển kỹ năng nhai mà còn rèn luyện cơ miệng, lưỡi và cơ hàm.
Để đảm bảo bé nhận được đầy đủ dưỡng chất và phát triển khẩu vị, việc đa dạng hóa thực đơn cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ thịt, cá, rau củ đến các loại ngũ cốc, đậu, trái cây... Không chỉ vậy, sự kết hợp giữa các loại thực phẩm có màu sắc và mùi vị khác nhau sẽ giúp bé hứng thú hơn với việc ăn uống, đồng thời kích thích sự phát triển của các giác quan như vị giác và khứu giác.
Hiện nay có nhiều cách tập ăn thô cho bé để bạn tham khảo và áp dụng. Cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp tập ăn thô tùy theo sở thích của trẻ như:
Một trong những cách tập cho bé ăn thô phổ biến là ăn dặm truyền thống. Cách này thường bắt đầu với các món cháo loãng hoặc thức ăn nghiền nhuyễn, sau đó dần dần tăng độ đặc và bổ sung các thực phẩm như rau củ, thịt, cá để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Ăn dặm truyền thống dễ kiểm soát khẩu phần nhưng có thể làm bé chậm phát triển kỹ năng nhai.
Ăn dặm kiểu Nhật lại tập trung vào việc cho bé tiếp xúc với thức ăn nguyên miếng từ sớm, như rau củ luộc mềm, các loại trái cây cắt nhỏ. Phương pháp này giúp bé phát triển khả năng nhai, tự lập trong việc cầm nắm và cảm nhận kết cấu của thức ăn. Bé cũng có thể khám phá từng mùi vị riêng biệt, góp phần kích thích giác quan.
Ăn dặm BLW (ăn dặm tự chỉ huy) là phương pháp mới được nhiều phụ huynh ưa chuộng, cho phép bé tự chọn và tự ăn thức ăn an toàn. Với phương pháp này, bé được ngồi cùng bữa ăn với gia đình và tự cầm thức ăn. BLW khuyến khích sự tự lập, giúp bé phát triển nhận thức về cảm giác no và đói, đồng thời rèn kỹ năng vận động tinh của đôi bàn tay. Tuy nhiên, cha mẹ cần đảm bảo thức ăn đủ mềm và an toàn, phòng tránh nguy cơ hóc nghẹn.
Khi áp dụng cách tập cho bé ăn thô, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cha mẹ cần chọn các thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng và chế biến kỹ lưỡng để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Cha mẹ cần luôn quan sát kỹ phản ứng của bé. Một số bé có thể gặp phải tình trạng dị ứng với các thực phẩm như hải sản, trứng, đậu, bánh mì hoặc sữa. Nếu bé có biểu hiện dị ứng thực phẩm như nổi mẩn đỏ, khó thở hoặc đau bụng, cha mẹ cần ngừng cho bé ăn và đưa bé đi khám bác sĩ.
Bé có thể không thích hoặc từ chối thức ăn mới trong lần đầu tiên. Điều này là bình thường và cha mẹ không nên ép buộc bé ăn. Thay vào đó, hãy tạo cơ hội để bé làm quen dần với các món mới bằng cách cho bé thử lại sau một thời gian hoặc biến tấu món ăn theo cách hấp dẫn hơn.
Cuối cùng, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa là cần thiết. Họ có thể cung cấp những lời khuyên dựa trên tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt của bé, giúp quá trình tập ăn thô diễn ra an toàn và hiệu quả.
Áp dụng các cách tập cho bé ăn thô là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả mẹ và bé. Bằng cách bắt đầu với những thức ăn mềm, cắt nhỏ và dần dần tăng độ cứng, đa dạng hóa các loại thực phẩm, chúng ta có thể giúp bé làm quen với thức ăn thô một cách tự nhiên và thích thú. Hãy nhớ rằng, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau nên cha mẹ không nên so sánh con mình với các bé khác.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.