Thay băng, rửa vết thương đúng cách không những giúp cho vết thương sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn mà còn đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tùy theo từng loại vết thương sẽ có nguyên tắc cũng như quy trình nhất định. Dưới đây chính là cách thay băng vết thương đúng cách và an toàn.
Phân loại tình trạng vết thương phổ biến
Mỗi vết thương đều có đặc điểm và tính chất riêng. Dựa theo phân loại của vết thương mà sẽ áp dụng kỹ thuật thay băng, rửa vết thương khác nhau.
Đối với vết thương sạch (không nhiễm khuẩn)
Vết thương sạch là những vết thương không nhiễm khuẩn, không sinh ra dịch, mủ viêm.
-
Nhóm những vết thương không phải khâu: không có biểu hiện sưng tấy, không có mủ, có khả năng lên da non và tiến triển tốt.
-
Nhóm vết thương cần khâu: Mép của vết khâu phẳng, không sưng tấy tại vị trí các chân khâu, không có dịch, không nóng rát, không đỏ hay bứt rứt
Đối với vết thương nhiễm khuẩn
-
Vết thương không khâu: Xung quanh vết thương có tình trạng tấy đỏ, trong vết thương chảy nhiều dịch, mủ, nhiều tổ chức khu vực hoại tử. Đối với những vết thương sâu, mức độ tổn thương lan rộng dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn nặng nề trên diện rộng.
- Vết thương có khâu: Đường khâu có tình trạng viêm, sưng đỏ, xung quanh vết thương, vùng bị thương có cảm giác đau, nóng rát. Ngoài ra bệnh nhân có tình trạng sốt cao.
Mỗi loại vết thương sẽ có cách thay băng khác nhau
Chuẩn bị trước khi thay băng, rửa vết thương
-
Thông báo cho bệnh nhân kỹ càng trước khi thực hiện thay băng, rửa vết thương
-
Quan sát và đánh giá tình trạng vết thương.
-
Nhân viên y tế cần phải rửa tay sát khuẩn, đảm bảo luôn sử dụng găng tay y tế trong quá trình thực hiện.
- Lấy sẵn những dụng cụ cần thiết để thay, rửa vết thương, chú ý đảm bảo vô khuẩn.
Bộ dụng cụ thay băng vết thương tại nhà
Cách thay băng vết thương đúng quy trình
Đối với trường hợp vết thương không nhiễm khuẩn
-
Để cho bệnh nhân ngồi hoặc nằm ở tư thế thuận lợi.
-
Đặt gối kê lên tay chân nếu như vết thương ở các chi, trải một tấm lót hoặc tấm nilon xuống dưới vết thương.
-
Nhẹ nhàng tháo phần băng cũ của vết thương ra, chú ý cẩn thận vết thương dính băng gây chảy máu. Trong trường hợp có dịch hoặc là máu khô dính vào vết thương, sử dụng bông thấm đẫm nước rồi đặt lên trên băng cũ cho vết thương trở nên ẩm hơn, dễ bong hơn rồi mới từ từ tháo băng.
-
Vứt băng gạc cũ vào thùng rác y tế.
-
Quan sát và đánh giá sơ qua tình trạng của vết thương: Kiểm tra xem vết thương có sưng, đỏ, có chảy máu hay không
-
Dùng gạc củ ấu sạch thấm dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương, theo chiều từ trong miệng vết thương ra bên ngoài phần da lành. Thấm một cách nhẹ nhàng, không cọ xát mạnh.
-
Sử dụng gạc nhỏ hoặc là bông khô để thấm nhẹ nhàng trên bề mặt vết thương.
-
Đặt gạc vô khuẩn mới lên trên vết thương.
Đối với những vết thương có khâu, sau 1 thời gian thay băng, rửa vết thương thường xuyên, tiến triển tốt khi vết thương lên da non, khô bề mặt, không có hiện tượng chảy dịch, mủ. Đối với những vết thương vùng đầu, mặt có thể cắt chỉ sau 5 ngày. Còn những vùng khác thì có thể cắt chỉ sau 7 ngày.
Cách cắt chỉ: Dùng kẹp Kocher rồi luồn mũi kéo chạm sát mặt da, cắt những phần chỉ để lộ, rút chỉ theo phía đối diện phía đã cắt.
Thay băng đối với vết thương không nhiễm khuẩn
Đối với trường hợp vết thương nhiễm khuẩn
Vết thương có khâu:
Những bước chuẩn bị cũng như quy trình thay băng tương tự đối với vết thương không nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cần làm thêm một bước như sau:
-
Quan sát vết thương nếu thấy dấu hiệu viêm nhiễm nặng như sưng nề, tấy đỏ, chân chỉ căng,... thì cần dùng dung dịch sát khuẩn để rửa phía ngoài vết thương.
-
Sử dụng kẹp Kocher và kéo cong nhọn để cắt một nốt nhỏ ở vùng viêm nhiễm sau đó dùng mũi kẹp Kocher để tách nhẹ mép vết thương.
-
Dùng gạc củ ấu ấn nhẹ nhàng theo chiều dọc của vết thương để thấm hết dịch từ trong vết thương chảy ra. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi vết thương sạch hẳn.
-
Dùng 1 miếng sạch gạc khác thấm cho vết thương khô.
-
Đắp gạc mới lên phía trên vết thương rồi băng bó lại như bình thường.
Vết thương không khâu:
-
Sau khi tháo bỏ phần băng, gạc cũ, dùng gạc để lau rửa, thấm bớt dịch, mủ trong vết thương. Sau đó sát khuẩn lại vết thương bằng dung dịch chuyên dụng hoặc oxi già.
-
Dùng kéo cắt bỏ bớt tổ chức hoại tử, bị dập nát. Nếu như vết thương phức tạp, ở vị trí khó nhìn thì cần tháo bớt mủ, dị vật ra.
-
Những vết thương nhiễm khuẩn rộng thường lâu lành, do đó cần dùng phương pháp tưới ướt liên tục (hay phương pháp Carrel). Dung dịch được dùng để tưới là hỗn hợp dakin, nước boric 3%, bạc nitrat 0,2%.
-
Rửa vết thương một cách nhẹ nhàng cho đến khi bề mặt không còn mủ, dịch là được. Đối với những vết thương quá sâu có thể đặt meche để dẫn lưu dịch, mủ ra ngoài.
- Những bước sau đó lặp lại tương tự.
Thay băng đối với vết thương có nhiễm khuẩn
Những điều cần lưu ý khi thay băng rửa vết thương
-
Tuân thủ đúng theo kỹ thuật vô khuẩn hoàn toàn trước, trong và sau quá trình rửa vết thương.
-
Rửa vết thương theo chiều từ trong ra ngoài, từ trên xuống và lan rộng ra khoảng 5cm so với miệng vết thương để đảm bảo cho vết thương được rửa một cách sạch sẽ nhất.
-
Thao tác thực hiện cần nhẹ nhàng, tránh gây ra đau đớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó luôn cần an ủi động viên để người bệnh để bớt cảm thấy lo lắng.
-
Hạn chế dùng oxy già đối với những vết thương sạch, không có dấu hiệu nhiễm trùng bởi chúng có thể khiến cho vết thương lâu lành hơn.
- Có thể dùng thuốc giảm đau đối với những vết thương lớn.
Oxy già có thế khiến vết thương lâu lành hơn
Phương pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình thay băng
-
Đảm bảo vô khuẩn.
-
Luôn quan sát kỹ càng, nhận định tình trạng vết thương trong quá trình thay băng.
-
Nếu như vết thương quá dơ, rửa bên ngoài vết thương trước rồi kềm khi rửa bên trong.
-
Băng thấm ướt nhiều dịch cần được thay ngay để tránh rơm lở da.
-
Cắt lọc bớt nếu vết thương có nhiều mô hoại tử.
-
Sử dụng máy hút chân không (VAC) hoặc là các loại băng sinh học để giúp vết thương mau lành hơn.
-
Che chắn vết thương đủ kín.
-
Hướng dẫn người bệnh có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với tình trạng bệnh lý.
-
Xử lý gọn gàng và sạch sẽ băng gạc cũng như các dụng cụ y tế khác để tránh gây nhiễm khuẩn.
Bài viết trên chúng tôi đã trình bày cách thay băng vết thương, mặc dù đây là thủ thuật tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn thận cao. Bên cạnh đó cần tuân thủ những điều chúng tôi đã lưu ý để giữ an toàn cho bản thân và người bệnh nhé!
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp