Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn cách rửa vết thương áp xe tại nhà và một số lưu ý

Ngày 15/08/2024
Kích thước chữ

Áp xe là tình trạng vết thương bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách. Vậy đâu là cách rửa vết thương áp xe đúng kỹ thuật? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về cách rửa vết thương bị áp xe tại nhà.

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày, chúng ta khó có thể tránh được những tình huống gây ra tổn thương, đau đớn hay những trường hợp cần phẫu thuật. Trong các bước chăm sóc vết thương, rửa vết thương là công việc quan trọng chúng ta cần làm mỗi ngày khi bị vết thương hở, đặc biệt là các vết thương bị áp xe. Do đó, việc trang bị những kiến thức cơ bản về cách rửa vết thương áp xe là rất cần thiết để thúc đẩy quá trình lành thương và giảm nguy cơ biến chứng nặng hơn.

Chăm sóc vết thương bị áp xe quan trọng như thế nào?

Vết thương bị áp xe không phải là tình trạng hiếm gặp, nhất là ở những người bệnh bị nhiễm trùng. Áp xe là những ổ mủ hình thành từ các tế bào bạch cầu chết, xác vi trùng, chất lỏng và mô chết. Lượng mủ tạo ra càng tăng nếu cơ thể xảy ra phản ứng viêm nhiều hơn dẫn đến mô bên trong bị tổn thương hình thành túi chứa đầy mủ gọi là nhọt (kích thước túi mủ nhỏ) hoặc áp xe (kích thước túi mủ lớn).

Hướng dẫn cách rửa vết thương áp xe tại nhà và một số lưu ý 1
Vết thương áp xe có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không vệ sinh đúng cách

Vết thương áp xe là tình trạng nhiễm trùng ở mức độ nặng. Việc chăm sóc đúng cách là rất quan trọng bởi nếu bạn thực hiện sai cách rửa vết thương áp xe có thể gây ra nhiều hệ lụy như:

  • Vùng viêm nhiễm lan rộng hơn: Rửa vết thương không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, sinh sôi dẫn đến viêm nhiễm lan rộng và ngày càng nặng nề hơn. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn từ ổ áp xe có thể lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể hoặc lây sang người khác.
  • Biến chứng nguy hiểm: Trường hợp áp xe không được xử lý có thể khiến dịch mủ tích tụ lâu ngày gây ra sưng đỏ, đau, sốt cao mệt mỏi. Bên cạnh đó, áp xe có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng của người bệnh.
  • Tái phát áp xe: Điều trị áp xe thường không quá phức tạp nhưng lại rất dễ tái phát nếu vi khuẩn vẫn còn tồn tại do cách rửa vết thương áp xe không đúng kỹ thuật.

Chăm sóc và rửa vết thương áp xe hàng ngày tại nhà không chỉ giúp ngăn chặn sự lây lan vi khuẩn mà còn thúc đẩy quá trình hồi phục vết thương. Việc vệ sinh vết thương áp xe tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không nắm vững kiến thức chăm sóc vết thương thì rất dễ mắc phải sai lầm khi thực hiện. Điều này không những làm vết thương lâu lành mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng.

Cách rửa vết thương áp xe tại nhà

Dụng cụ cần chuẩn bị

Để thực hiện rửa vết thương áp xe, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y tế gồm:

  • Nước muối sinh lý;
  • Dung dịch sát trùng Betadine hoặc Povidone
  • Gạc vô trùng hoặc bông gạc
  • Găng tay y tế (nếu có)
  • Khăn sạch

Các bước rửa vết thương áp xe

Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, bạn cần thực hiện cách rửa vết thương áp xe theo 2 bước dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị

Đầu tiên, bạn cần rửa tay thật sạch với xà phòng và lau khô bằng khăn sạch. Sau đó, sát khuẩn tay bằng nước sát trùng rồi đeo găng tay y tế để đảm bảo vệ sinh.

Hướng dẫn cách rửa vết thương áp xe tại nhà và một số lưu ý 2
Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi vệ sinh vết thương áp xe để tránh lây nhiễm chéo

Bước 2: Rửa vết thương áp xe và thay băng

Bạn hãy dùng nước muối sinh lý để làm sạch vùng da xung quanh vết thương và lau khô bằng khăn sạch tiệt trùng. Tiếp theo, sử dụng gạc vô trùng thấm nước muối sinh lý rồi lau nhẹ nhàng lên vết thương theo chiều từ trong ra ngoài để loại bỏ hết mủ và dịch nhầy. Tuyệt đối không lau theo chiều ngược lại bởi hành động này sẽ đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào bên trong vết áp xe.

Bước tiếp theo, dùng dung dịch Betadine đổ một lượng vừa đủ lên gạc vô trùng sau đó lau nhẹ nhàng quanh vết thương. Lưu ý, một số trường hợp không nên sử dụng Betadine như:

  • Vết thương rộng, sâu;
  • Vết thương đang có dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Vết thương ở mắt, niêm mạc;
  • Vết thương đang lên da non;
  • Người đang mang thai hoặc cho con bú.

Cuối cùng, thay băng gạc mới để bảo vệ vết thương khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi hoàn tất quá trình thay băng, bạn hãy tháo găng tay y tế bỏ vào thùng rác và rửa sạch tay bằng xà phòng.

Hướng dẫn cách rửa vết thương áp xe tại nhà và một số lưu ý 3
Dùng băng gạc vô trùng phủ lên vết thương tránh nhiễm trùng

Một số lưu ý khi chăm sóc vết thương áp xe

Ngoài việc nắm vững cách rửa vết thương áp xe, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thao tác lau, rửa vết thương cần thực hiện nhẹ nhàng để không bị đau và tránh làm tổn thương vết áp xe nặng hơn.
  • Rửa vết thương áp xe ít nhất 1 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế chạm vào vết thương hay tự ý chọc tháo mủ.
  • Theo dõi vết thương hàng ngày, nếu thấy vết thương chảy nhiều mủ, có mùi hôi, sưng to hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu hoại tử thì cần đi khám để được xử trí càng sớm càng tốt.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra, đánh giá quá trình hồi phục.

Trên đây là hướng dẫn cách rửa vết thương áp xe tại nhà đúng kỹ thuật. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức hữu ích để xử trí trong những trường hợp bản thân hoặc người thân của mình có vết thương bị áp xe.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm