Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý phổ biến, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là khả năng vận động của người bệnh. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải, tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những người có lối sống thiếu khoa học. Hãy cùng tìm hiểu cách theo dõi bệnh viêm khớp vảy nến mà bạn cần biết để hạn chế những tác động không mong muốn của bệnh đối với cơ thể.
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm khớp tự miễn nguy hiểm, thuộc nhóm bệnh lý khớp cột sống huyết thanh âm tính. Bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan trong cơ thể, từ hệ miễn dịch, hệ tiêu hoá đến những khớp lớn, khớp cột sống, khớp ngón tay hoặc ngón chân… Bệnh cần được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và đúng phương pháp để không gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tìm hiểu về bệnh lý cũng như cách theo dõi bệnh viêm khớp vảy nến mà bạn cần biết để chủ động bảo vệ sức khỏe bạn nhé!
Viêm khớp vảy nến có tên khoa học là Psoriatic Arthritis (PsA), là bệnh lý về viêm khớp xảy ra ở những người bệnh đã từng mắc vảy nến. Đây là một bệnh lý tự miễn liên quan đến sự rối loạn của hệ thống miễn dịch, gây ra những xung đột và tự tấn công những tế bào khỏe mạnh bên trong cơ thể.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp vảy nến chiếm khoảng 1 - 2% dân số. Bất kỳ đối tượng nào cũng đều có khả năng mắc bệnh, đặc biệt là đối tượng từ 30 - 55 tuổi với tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới là 1:1. Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng viêm khớp vảy nến, người ta cho rằng bệnh có thể liên quan đến một số yếu tố như di truyền, môi trường, nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc những rối loạn bên trong cơ thể…
Triệu chứng ban đầu của bệnh vảy nến là những thương tổn ở trên da như ban đỏ, có vảy, thường xuất hiện bắt đầu ở khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn tay và bàn chân.
Khi bệnh tình diễn tiến phức tạp hơn, tấn công vào các khớp gây đau khớp, cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy. Đau nhức ở các khớp có xu hướng lan rộng đến các vùng lân cận như cổ tay, gân và dây chằng bám vào xương, đặc biệt là ở lòng bàn chân hay gót chân gây ra bệnh viêm gân Achilles. Vị trí các khớp bị sưng, ửng đỏ, tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn khi người bệnh vận động. Bề mặt da có tình trạng dày lên, đi kèm với đó là khô da và có những mảng bong tróc vảy trắng. Vảy nến ở vị trí móng tay, móng chân sẽ bị đổi màu, lồi và dày lên, dễ bị bong tróc ra. Bệnh lý có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào của cơ thể với các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý viêm khớp vảy nến. Các biện pháp can thiệp hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa những tổn thương về cấu trúc cũng như biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là hệ cơ xương khớp. Đối với những trường hợp phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng phương pháp có thể làm tổn thương đến toàn bộ hệ xương khớp của người bệnh dẫn đến sự tàn phế vĩnh viễn.
Bệnh viêm khớp vảy nến gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Một số ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh, bao gồm:
Ảnh hưởng đến tâm lý: Người phải phải thường xuyên đối mặt với cảm giác ngứa ngáy, đau nhức, khó chịu, mệt mỏi, làm cạn kiệt tinh thần. Có trường hợp người bệnh bị mất ngủ, chán ăn, cơ thể căng thẳng, dễ bị stress. Nếu tình trạng này tiếp diễn và kéo dài có thể dẫn đến những bệnh về rối loạn tâm lý nguy hiểm.
Gây mất thẩm mỹ: Các triệu chứng của bệnh như sưng tấy, biến dạng khớp, tróc vảy… đặc biệt ở những vị trí như mặt, cổ, bàn tay khó để che đậy sẽ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự tự tin của người bệnh.
Khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày: Đây là một bệnh lý gây biến dạng khớp, nhất là những khớp ở vị trí ngón tay, bàn chân. Điều này ảnh hưởng đến chức năng vận động, cầm nắm của người bệnh. Đối với những trường hợp nặng hơn khiến các khớp bị sưng tấy, phù nề ảnh hưởng đến khả năng co duỗi hoặc thậm chí các khớp có thể bị dính lại với nhau.
Gây ra những vấn đề đối với xương khớp: Nếu bệnh không được can thiệp sớm với những phương pháp phù hợp có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chức năng của hệ xương khớp. Một số vấn đề có thể gặp phải như viêm khớp mắt chân, viêm khớp tay, viêm khớp gối tràn dịch…
Biến chứng hô hấp: Một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp vảy nến đó là viêm phổi kẽ, thương tổn trên phổi tạo thành sẹo. Đây là nguồn cơ gây ra các triệu chứng ho, khó thở, thở gấp… thậm chí có thể gây suy hô hấp.
Biến chứng tim mạch: Viêm nhiễm kéo dài khiến các mạch máu trở nên cứng và dày hơn, điều này tác động xấu đến khả năng tuần hoàn máu của cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ về đau tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… nặng nhất là có thể tử vong.
Các triệu chứng của viêm khớp vảy nến sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh, từ nhẹ đến nặng. Đôi khi tình trạng của người bệnh sẽ có tiến triển tốt lên, các triệu chứng thuyên giảm trong một thời gian.
Tuy nhiên, đôi lúc triệu chứng lại dần trở nên tồi tệ hơn. Triệu chứng điển hình của viêm khớp vảy nến đó là đau và cứng khớp vị trí thường thấy ở ngón tay, ngón chân, đầu gối, mắt cá chân và lưng dưới.
Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng như móng tay bị rỗ hoặc bị tách ra, ngón tay, ngón chân bị sưng, đau khuỷu tay, viêm mắt, giảm khả năng vận động. Nếu các triệu chứng giảm dần trong một khoảng thời gian thì được gọi là thuyên giảm, nhưng khi nó quay trở lại có thể sẽ tồi tệ hơn gọi là bùng phát. Chính vì thế, khi thấy tình trạng tiến triển tốt lên cũng đừng chủ quan, thiếu quan tâm đến sức khoẻ.
Phương pháp can thiệp hiện nay chủ yếu là kiểm soát triệu chứng viêm khớp, không để nó tiến triển nặng nề hơn ảnh hưởng đến các khớp và khu vực xung quanh. Phác đồ điều trị viêm khớp vảy nến là sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng kết hợp với biện pháp tập vật lý trị liệu cho người bệnh.
Đối với các trường hợp nhẹ người bệnh sẽ được chỉ định thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) đơn trị hoặc phối hợp tiêm corticosteroid trực tiếp vào vị trí khớp bị viêm.
Còn đối với trường hợp trung bình trở lên thường sẽ phải sử dụng methotrexate hoặc chế phẩm sinh học để giảm triệu chứng viêm. Phác đồ điều trị này sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm khớp, đau khớp, không để tình trạng viêm tiến triển tấn công đến các tổ chức khác, ngăn ngừa các cơn đau đột ngột.
Ngoài ra, việc tập vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động, ngăn ngừa nguy cơ tật nguyền vĩnh viễn.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần được đặc biệt lưu tâm. Nên bổ sung các loại ngũ cốc như yến mạch, gạo lứt, các thực phẩm giàu omega-3, DHA có trong cá hồi, cá thu… Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Bên cạnh đó, những món ăn mà người bệnh viêm khớp vảy nến cần kiêng là món ăn từ thịt bò, thịt dê, thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, thức ăn đóng hộp. Hạn chế những đồ uống có cồn và không sử dụng thuốc lá.
Ngoài ra, người bệnh cần duy trì thói quen vận động thể dục nhẹ nhàng đều đặn để giữ cho các khớp linh hoạt, tránh bị cứng cơ, đồng thời giúp loại bỏ căng thẳng, stress, giúp xoa dịu tâm trí và đảm bảo giấc ngủ tốt hơn.
Để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh tình, các bác sĩ thường chỉ định nhiều xét nghiệm và chụp ảnh để đánh giá tình trạng xương khớp. Thông qua kết quả hình ảnh X-quang bác sĩ sẽ thấy được sự thay đổi giữa các khớp kết hợp với hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để quan sát chi tiết mô cứng, mô mềm, đánh giá tình trạng tổn thương của gân, khớp và dây chằng.
Ngoài ra, các xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF), sinh thiết da, tốc độ lắng máu, xét nghiệm dịch bên trong khớp hay xét nghiệm CRP… giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác về bệnh cũng như phân biệt bệnh viêm khớp vảy nến với các bệnh khác để điều trị trúng đích, đạt hiệu quả.
Viêm khớp vảy nến là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh. Hy vọng thông qua những thông tin về bệnh cũng như cách theo dõi bệnh viêm khớp vảy nến mà bạn cần biết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để phát hiện, điều trị cũng như phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Xem thêm: